Cuộc đột kích giải cứu con tin gây tiếng vang nhất của đặc nhiệm Anh SAS

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4Kỳ mới nhất

Trước khi lực lượng đặc nhiệm SAS trực tiếp giải cứu con tin, công chúng Anh gần như chưa từng biết về sự tồn tại của lực lượng tinh nhuệ hàng đầu này.

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher chụp hình cùng các thành viên đặc nhiệm SAS sau cuộc đột kích.

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher chụp hình cùng các thành viên đặc nhiệm SAS sau cuộc đột kích.

Trong danh sách những lực lượng đặc nhiệm hàng đầu thế giới, Lực lượng đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) luôn chiếm vị trí hàng đầu nhờ vai trò không chỉ trong các sứ mệnh giải cứu con tin, mà còn trong nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường.  

Loạt bài dài kỳ này sẽ đề cập cụ thể đến các nhiệm vụ nổi bật nhất trong lịch sử của lực lượng đặc nhiệm SAS.

Đội đặc nhiệm Không quân Hoàng gia Anh (SAS) là đơn vị đặc nhiệm thời hiện đại đầu tiên trong lịch sử quân sự, được thành lập vào tháng 7/1941 trong giai đoạn Thế chiến 2.

Chiến dịch nổi tiếng nhất của lực lượng đặc nhiệm SAS là cuộc đột kích giải cứu con tin bị bắt giữ tại đại sứ quán Iran ở London và đây cũng là lần hiếm hoi công chúng được tận mắt chứng kiến các thành viên lực lượng đặc nhiệm chiến đấu, theo trang mạng Anh Forces.net.

Chiếm giữ đại sứ quán

11 giờ 30 phút sáng ngày 30/4/1980, con tin đầu tiên của những kẻ khủng bố là một nhân viên an ninh tên Trevor Lock. Người này đang uống cà phê ở cửa chính, chỉ được trang bị một khẩu súng ngắn và nhanh chóng bị khống chế.

Tổng cộng có 6 tay súng được vũ trang hạng nặng, dường như nhập cảnh vào Anh dưới danh nghĩa “nhân viên công vụ Iraq”. Một trong 6 kẻ khủng bố nã một loạt đạn lên trần nhà khi bước vào trong văn phòng Đại sứ quán Iran. Toàn bộ khu nhà nằm trong tầm kiểm soát của 6 tay súng chỉ sau vài phút.

Theo BBC, lực lượng an ninh Anh phát hiện có một thành viên thứ 7 tham gia vào âm mưu khủng bố. Đó là kẻ chủ mưu, một sĩ quan bí ẩn người Iraq có tên Sammy Mohammed Ali. Người này chiêu mộ và huấn luyện các tay súng ở Baghdad. 

Ở thời điểm đó, mối quan hệ Iran – Iraq đang hết sức căng thẳng, ngay trước khi cuộc chiến giữa hai nước nổ ra vào tháng 9/1980.

Tại London, Sammy Mohammed Ali cung cấp vũ khí, lựu đạn và hứa rằng khi trở về Iraq, các tay súng tham gia âm mưu khủng bố sẽ được coi là người hùng. Trên thực tế, ngay khi Đại sứ quán Iran bị chiếm giữ, Sammy đã lên máy bay rời khỏi Anh.

Phó trợ lý sở cảnh sát thành phố London, John Dellow nói trên BBC: “Tôi không nghĩ rằng kẻ chủ mưu đã nói sự thật với 6 tay súng. Có lẽ chúng nghĩ rằng có thể lên máy bay quay về nhà chỉ sau 24 giờ. Thực tế là cuộc khủng hoảng con tin khi đó kéo dài hơn rất nhiều”.

Những kẻ khủng bố không dễ dàng đầu hàng. Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng yêu cầu Iran phải trả tự do cho 91 người Ả Rập bị giam giữ ở tỉnh Khuzestan, Iran, đảm bảo những người này được rời khỏi Iran an toàn và cung cấp cho chúng phương tiện để rời khỏi Anh.

Hai đặc nhiệm SAS mặc thường phục để tránh bị những kẻ khủng bố chú ý.

Hai đặc nhiệm SAS mặc thường phục để tránh bị những kẻ khủng bố chú ý.

Chính phủ Anh không chấp nhận yêu sách này với lý do không thể can thiệp vào quyết định của Iran, đặc biệt là khi Iran đã trở thành nước Cộng hòa Hồi giáo, có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ và Anh.

Cuộc đột kích được phát trực tiếp 

Ở thời điểm đó, các hoạt động của đặc nhiệm SAS luôn được giữ bí mật và các chiến dịch chưa từng được công khai cho công chúng. 

Chiến dịch Nimrod do trung tá Michael Rose, chỉ huy một đơn vị đặc nhiệm SAS, đề xuất dựa trên chiến thuật sử dụng tốc độ, yếu tố bất ngờ và đột kích. Hai nhóm đột kích sẽ xông vào đại sứ quán theo nhiều hướng khác nhau, ném lựu đạn choáng và hơi cay để khiến những kẻ khủng bố mất phương hướng.

Các đặc nhiệm SAS sẽ tận dụng khoảng thời gian ít ỏi để loại bỏ những kẻ khủng bố trước khi chúng bắt đầu phản ứng và sát hại các con tin. Các đặc nhiệm SAS sẵn sàng cho tình huống xấu nhất vì có khả năng sẽ có thành viên hy sinh và ước tính tới 40% số con tin có thể bị sát hại.

Đặc nhiệm SAS cũng dựng một mô hình Đại sứ quán Iran như thật và chi tiết đến từng căn phòng để các thành viên nắm rõ các lối ra vào và luyện tập phương án đột kích.

Trong 5 ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng con tin, những kẻ khủng bố đã trả tự do cho 5 con tin để thể hiện thành ý.

Đặc nhiệm SAS bắt đầu đột kích.

Đặc nhiệm SAS bắt đầu đột kích.

Đến chiều ngày 5/5, tức ngày thứ 6, khi nhóm khủng bố bắt đầu hành quyết con tin, Thủ tướng Anh khi đó là Margaret Thatcher tuyên bố rằng những kẻ khủng bố không thể rời khỏi nước này và bật đèn xanh để đặc nhiệm SAS thực hiện kế hoạch giải cứu.

Đây cũng là cuộc đột kích hiếm hoi được phát trực tiếp trên truyền hình. May mắn là những kẻ khủng bố khi đó không theo dõi TV, theo War History Online.

Có hai nhóm đặc nhiệm SAS tham gia đột kích với tổng cộng khoảng 32 người, chia làm Đội Đỏ và Đội Xanh. Cảnh tượng nổi tiếng nhất được ghi hình trực tiếp và phát trên toàn thế giới khi đó là hình ảnh các đặc nhiệm SAS cài thuốc nổ ở các ô cửa sổ tòa nhà.

Theo kế hoạch, thuốc nổ sẽ được kích hoạt trong cùng một thời điểm. Mỗi tầng của tòa nhà có 3 đội đặc nhiệm SAS gồm 4 người tiến vào bên trong, sử dụng lựu đạn gây choáng và súng tiểu liên MP5 để áp chế những kẻ khủng bố.

Mọi thứ thực tế không diễn ra như kế hoạch. Một thành viên bị mắc kẹt khi đang đu dây xuống tòa nhà. Một số con tin không tìm thấy ở nơi dự kiến. 

Một căn phòng bị chặn từ bên trong, khiến đặc nhiệm phải vòng qua ban công. Lựu đạn choáng khiến đồ đạc bốc cháy, và ngọn lửa nhanh chóng lan ra khắp phòng.

Nhưng chiến dịch diễn ra thành công vượt mong đợi. Do bị bất ngờ, những kẻ khủng bố chỉ có thể sát hại một con tin trước khi bị tiêu diệt trước làn đạn của các đặc nhiệm. Hai tên bị bắt sống nhưng khi áp tải xuống cầu thang, đặc nhiệm SAS phát hiện một trong hai tên này đang cầm lựu đạn. Hắn ta lập tức bị đẩy xuống cầu thang và bị bắn chết trước khi kịp kéo chốt.

Các đặc nhiệm SAS xông vào bên trong Đại sứ quán Iran ở London.

Các đặc nhiệm SAS xông vào bên trong Đại sứ quán Iran ở London.

Toàn bộ cuộc đột kích kéo dài trong 17 phút. Trong số 6 kẻ khủng bố, 5 bị bắn chết tại chỗ và chỉ một tên bị bắt sống khi cố gắng ẩn mình trong đám đông con tin.

Chiến dịch giải cứu con tin mang mật danh Nimrod được phát trực tiếp vào lúc “giờ vàng” đã thu hút hàng triệu người theo dõi ở Anh và được coi là thời khắc lịch sử.

Chiến dịch diễn ra thành công giúp củng cố uy tín của chính phủ Anh và cá nhân Thủ tướng Thatcher. Phải mất hơn một thập kỷ sau, Iran mới đạt thỏa thuận với Anh để sửa chữa và khôi phục trở lại hoạt động của Đại sứ quán Iran tại London vào năm 1993.

Đến ngày nay, chiến dịch Nimrod vẫn được coi là cuộc đột kích gây tiếng vang nhất của đặc nhiệm SAS.

______________________

Chuyện gì xảy ra khi các đặc nhiệm SAS tham gia một nhiệm vụ kết hợp chiến đấu và giải cứu chính những quân nhân Anh bị phiến quân giam giữ ở châu Phi? Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ 2 xuất bản lúc 0h30 ngày 26/1.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4Kỳ mới nhất

Nguồn: [Link nguồn]

Chiến dịch giải cứu con tin khiến khủng bố phải khiếp sợ của đặc nhiệm Liên Xô

Đội đặc nhiệm Alpha của KGB kiên quyết không đàm phán với khủng bố, thi hành chính sách "ăn miếng trả miếng" để buộc các tay súng Hồi giáo trả tự do cho các nhà ngoại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Đặc nhiệm Anh SAS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN