Chuyên gia: Triều Tiên “nín thở” chờ phản ứng của Nga, TQ
Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp vào ngày 11.9 để bàn về việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt Triều Tiên, nhưng hiện chưa rõ liệu Nga và Trung Quốc có chấp thuận lệnh cấm vận dầu mỏ Triều Tiên hay không.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện cùng vợ trong lễ ăn mừng vụ thử bom nhiệt hạch thành công.
Theo CNBC, Mỹ muốn Hội đồng bảo an Liên hợp Quốc ra nghị quyết cấm Triều Tiên nhập khẩu dầu mỏ từ nước ngoài, cùng với lệnh phong tỏa tài chính nhà lãnh đạo Kim Jong-un và cấm người Triều Tiên chuyển ngoại tệ về nước.
Nguồn cung cấp dầu mỏ từ nước ngoài, chủ yếu đến từ Nga và Trung Quốc được coi là chìa khóa giúp Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân. Phía Mỹ nói phong tỏa dầu mỏ Triều Tiên nhằm buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán.
CNBC nhận định, nhiều khả năng lệnh trừng phạt sẽ được thông qua, nhưng liệu cấm vận dầu mỏ Triều Tiên có nằm trong nghị quyết mới hay không thì vẫn là dấu hỏi lớn.
Một số chuyên gia bày tỏ lạc quan rằng bước đi mới của Mỹ sẽ giúp Triều Tiên có “bước đi đúng đắn hơn”, quay trở lại bàn đàm phán 6 bên. Nhưng đa số các chuyên gia khác lại bày tỏ hoài nghi.
Choi Kang, phó viện trưởng viện nghiên cứu chính sách Asan ở Hàn Quốc nói: “Tôi cho rằng nghị quyết cuối cùng sẽ không bao gồm cấm vận dầu mỏ, trước sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga”.
Triều Tiên đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhằm vào Mỹ trước thời điểm Liên Hợp Quốc nhóm họp về lệnh trừng phạt mới. Theo ông Choi, Bình Nhưỡng đang quan sát kỹ lưỡng phản ứng của các bên, đặc biệt là Nga, Trung Quốc.
“Nếu cấm vận dầu mỏ không bao gồm trong nghị quyết, Triều Tiên sẽ hiểu là Nga và Trung Quốc đã đứng về phía họ. Họ có thể tiếp tục thử vũ khí hạt nhân và tên lửa mà không phải lo ngại sức ép từ Mỹ”, ông Choi nói.
Triều Tiên đã phát đi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ nếu Mỹ tiếp tục áp đặt thêm lệnh trừng phạt.
Chuyên gia Hàn Quốc nói bước tiếp theo trong chương trình chế tạo vũ khí hủy diệt của Triều Tiên sẽ là phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân.
Nga và Trung Quốc hiện là hai nước có mối quan hệ kinh tế quan trọng với Triều Tiên. Trung Quốc vừa là đồng minh, vừa là đối tác thương mại lớn nhất. Cả hai nước đều bày tỏ phản đối tăng cường trừng phạt Triều Tiên và kêu gọi các bên đối thoại.
Nhưng ngay cả khi lệnh cấm vận dầu mỏ được thông qua, Triều Tiên nhiều khả năng vẫn không đàm phán, tiếp tục phát triển hạt nhân dựa trên nguồn dầu mỏ sẵn có.
Robert Kelly, giáo sư chính trị khoa học tại Đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc nói: “Triều Tiên không mặn mà với đàm phán, họ kiên quyết theo con đường hạt nhân mà không một nước nào có thể can thiệp”.
“Nếu Triều Tiên muốn đàm phán, họ đã lựa chọn cách tiếp cận có ý nghĩa hơn, thay vì đánh lừa cộng đồng quốc tế”, ông Kelly nói.
Theo ông Choi, cộng đồng quốc tế nên hành động mạnh mẽ hơn nữa thay vì phụ thuộc vào Hội đồng bảo an. “Có lẽ các quốc gia trên thế giới nên lập nhóm các nước có chung quan điểm, để trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ hơn”.
Triều Tiên dường như đã một lần nữa sơ tán người dân khỏi thủ đô Bình Nhưỡng, sau đoạn video quay cảnh thành phố...