Chính quyền Trump có kế hoạch bí mật dỡ bỏ cấm vận Nga?
Nhà Trắng được cho là có kế hoạch bí mật dỡ bỏ cấm vận với Nga, bằng cách tổng hợp thông tin gây bất lợi cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Florida.
Daily Mail dẫn nguồn tin từ tờ New York Times cho biết, các luật sư của ông Trump đã đệ trình kế hoạch này cho Michael Flynn, trước khi ông Flynn từ chức cố vấn an ninh quốc gia Mỹ vào tuần trước.
Kế hoạch bao gồm tài liệu, chứng minh Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tham nhũng và những bằng chứng có thể chống lại nhà lãnh đạo Ukraine. Đây là thông tin do một nhà lập pháp Ukraine Andrii V. Artemenko tham gia vào kế hoạch tiết lộ.
“Nhiều người gọi tôi là điệp viên Nga, điệp viên Mỹ, điệp viên CIA. Nhưng còn giải pháp nào tốt hơn giữa các quốc gia nếu chúng ta không đàm phán?”, ông Andrii V. Artemenko nói trên New York Times.
Các cố vấn của ông Trump chưa nói cho Tổng thống Mỹ về kế hoạch này. Tuần trước, ông Trump thừa nhận đã đề nghị Michael Flynn rời khỏi chính quyền vì những bê bối liên quan đến Nga.
Ông Trump không còn tin vào Michael Flynn bởi cựu cố vấn Mỹ không nói với ông về cuộc điều tra của FBI, vài tuần sau khi tỷ phú Mỹ nhậm chức.
Một số quan chức trong chính quyền Trump được cho là đã tổng hợp thông tin gây bất lợi cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko như một cách để tăng cường quan hệ Nga-Mỹ.
Kế hoạch được đưa cho ông Flynn bởi Michael D. Cohen, luật sư của Tổng thống, dưới sự ủng hộ của Artemenko và Felix H. Sater, một doanh nhân có mối quan hệ chặt chẽ ở Ukraine.
Đây được cho là kế hoạch hòa bình nhưng bao gồm danh sách “các công ty” và “hoạt động chuyển tiền” có thể buộc tội Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Kế hoạch khởi nguồn vào tháng Giêng ở Loews Regency, một khách sạn sang trọng tại khu Manhattan, New York.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhiều lần áp đặt lệnh cấm vấn với quan chức và công ty Nga từ năm 2014, sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.
Trước khi chuyển giao quyền lực, ông Obama áp đặt thêm lệnh trừng phạt, bao gồm trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, đóng cửa 2 cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ do ông Trump lựa chọn, Rex Tillerson sau đó đã lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt này. Trước khi nhậm chức một tuần, ông Trump để ngỏ khả năng dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
“Nếu như Nga thực sự muốn giúp chúng ta, vì sao lại duy trì cấm vận nếu như một ai đó đang làm điều tốt đẹp?”, ông Trump nói.