Chiến dịch can thiệp quân sự thành công hiếm hoi của phương Tây ở châu Phi 

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Chiến dịch can thiệp quân sự của Anh ở một quốc gia Tây Phi không quá hào nhoáng, nhưng lại dẫn đến kết quả bất ngờ mà ít khi phương Tây có thể làm được.

Đặc nhiệm Anh đổ bộ trong chiến dịch can thiệp quân sự ở Sierra Leone vào năm 2000.

Đặc nhiệm Anh đổ bộ trong chiến dịch can thiệp quân sự ở Sierra Leone vào năm 2000.

Kể từ sau Thế chiến 2, các quốc gia phương Tây và Mỹ luôn duy trì ảnh hưởng nhất định ở châu Phi. Mỗi khii đối mặt mối đe dọa từ nội chiến hoặc phiến quân Hồi giáo cực đoan trỗi dậy, các nước châu Phi thường hay trông chờ sự can thiệp quân sự của phương Tây.

Mời độc giả theo dõi tuyến bài dài kỳ để nhìn lại những gì xảy ra khi phương Tây can thiệp quân sự ở châu lục này. 

Trong hàng thập kỷ trở lại đây, mỗi khi các thế lực phương Tây can thiệp quân sự, những gì để lại sau đó hầu hết là một mớ hỗn độn với những bất ổn không có hồi kết, cho dù đó là can thiệp quy mô lớn (Iraq và Afghanistan), trung bình (Libya) hay nhỏ (Syria). 

Nhưng đôi khi vẫn có những cuộc can thiệp quân sự diễn ra hiệu quả và mang lại kết quả tích cực. Một trong những thành công hiếm hoi có thể kể tới là chiến dịch quân sự của Anh ở Sierra Leone, quốc gia ven biển ở Tây Phi vào năm 2000 - 2002. Anh can thiệp quân sự trong bối cảnh cuộc nội chiến ở Sierra Leone khi đó đã kéo dài hơn 9 năm. 

Phe nổi dậy mang tên Mặt trận Cách mạng Thống nhất (RUF) đã phát động nội chiến ở Sierra Leone từ năm 1991 nhằm lật đổ chính phủ. RUF có điểm tựa là sự hậu thuẫn của nước láng giềng Liberia.

Năm 2000, khi RUF từ chối thỏa thuận hòa bình và một lần nữa tiến quân về thủ đô Freetown của Sierra Leone, Anh đã cung cấp sự hỗ trợ sống còn cho chính phủ quốc gia Tây Phi.

Trong tuần đầu tiên của tháng 5/2000, RUF tấn công một căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (LHQ), bắt giữ hàng trăm binh sĩ LHQ và tạo bước tiến mới về phía Freetown.

Ở thời điểm đó, phe nổi dậy có khoảng 4.000 tay súng được vũ trang đầy đủ vàkiểm soát khoảng 40% lãnh thổ Siera Leone. Các thủ lĩnh nổi dậy từ chối đàm phán dù chính phủ sẵn sàng chia sẻ quyền lực, vì nghĩ rằng có thể giành chiến thắng quyết định.

Binh sĩ Anh tham gia chiến đấu ở Sierra Leonet trong giai đoạn đầu của chiến dịch.

Binh sĩ Anh tham gia chiến đấu ở Sierra Leonet trong giai đoạn đầu của chiến dịch.

Ngày 6/5/2000, một nhóm trinh sát của quân đội Anh âm thầm đổ bộ ở Sierra Leone, tạo tiền đề cho sứ mệnh sơ tán công dân nước ngoài. 1.000 binh sĩ Anh sau đó kiểm soát sân bay ở thủ đô Freetown, tham gia tuần tra các khu vực tập trung đông người và bảo vệ các con đường huyết mạch.

Ngày 12/5/2000, Anh mở rộng sứ mệnh sang hỗ trợ quân đội Sierra Leone. 2 ngày sau, RUF tấn công một cứ điểm của quân Anh và bị đẩy lùi.

Trong chiến dịch Palliser kéo dài 6 tuần, quân Anh do tướng David Richards chỉ huy, đã giao tranh dữ dội với RUF, buộc phe nổi dậy ngừng tấn công thủ đô Freetown. Đây được coi là bước ngoặt của cuộc nội chiến kéo dài gần một thập kỷ.

Tháng 9/2000, nhóm vũ trang West Side Boys có liên hệ với RUF bắt cóc 11 binh sĩ Anh, khiến London huy động lực lượng đặc nhiệm tham gia giải cứu.

Cuộc giải cứu thành công vang dội với 11 binh sĩ Anh được giải thoát cùng 22 binh sĩ Sierra Leone. Thắng lợi này tạo tiền đề để chính phủ của Thủ tướng Anh Tony Blair mở chiến dịch Silkman (13/10/2000 - 31/7/2002). Đây là chiến dịch quyết định của Anh nhằm đánh bại hoàn toàn RUF, khôi phục hòa bình ở Sierra Leone.

Điều gì đã giúp Anh sử dụng vũ lực hiệu quả khi can thiệp vào Sierra Leone? Đó là nhờ sự vượt trội trong chiến đấu của binh sĩ Anh và chênh lệch về công nghệ quân sự.

Tình báo Anh dễ dàng nghe lén các cuộc điện đàm trao đổi trong hàng ngũ RUF và hoạt động tình báo diễn ra trong suốt các chiến dịch mà không bị gián đoạn.

Vai trò của tướng tướng David Richards cũng rất quan trọng. Tướng Richards là người am hiểu tình hình chính trị địa phương ở Sierra Leone, am hiểu địa hình trong khu vực. Thực tế là quân đội Anh ít khi trực tiếp giao tranh với phe nổi dậy trừ khi thực sự cần thiết.

Nếu vũ lực là yếu tố cần thiết để ngăn chặn phe nổi dậy ở Sierra Leone trong tức thời thì vai trò củng cố lâu dài cũng rất quan trọng. Trong chiến dịch Palliser, Anh huy động 4.200 binh sĩ. Con số này tăng lên tới 32.600 binh sĩ trong chiến dịch Barras (thời điểm diễn ra cuộc giải cứu 11 lính Anh). Đến khi mở chiến dịch Silkman, Anh chỉ còn duy trì khoảng 1.000 binh sĩ ở Sierra Leone vì quân đội chính phủ đã bắt đầu giành lại ưu thế.

Binh sĩ Sierra Leone đứng gác ở thị trấn cách thủ đô Freetown khoảng 64km.

Binh sĩ Sierra Leone đứng gác ở thị trấn cách thủ đô Freetown khoảng 64km.

Đây là thời điểm Anh tập trung đào tạo quân đội chính phủ Sierra Leone và rút dần khỏi vai trò tiến công. Chỉ trong thời gian ngắn, Anh đã đào tạo khoảng 3.000 binh sĩ Sierra Leone. Các binh sĩ sử dụng vũ khí và cách thức chiến đấu của Anh một cách thuần thục. Lực lượng này không ngần ngại tiến hành các hoạt động quân sự ở khu vực cách xa thủ đô, gieo rắc sự hoảng sợ trong hàng ngũ RUF.

Chính phủ Anh cũng thể hiện rõ quyết tâm giúp quân đội Sierra Leone giành thắng lợi cuối cùng. Sự cam kết của Anh khiến các thủ lĩnh RUF bối rối. Phe nổi dậy không biết Anh sẽ ở lại Sierra Leone trong bao lâu.

Anh cũng từng bước vận động để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng ý tăng quân tới Sierra Leone. Đến tháng 11/2001, quân số binh sĩ LHQ hiện diện ở Sierra Leone đã tăng lên tới 17.500.

Đầu năm 2002, khi nhận thấy phe RUF đã rệu rã, Anh tác động để chính phủ Sierra Leone chủ động đưa ra đề nghị hòa bình. Các thành viên RUF chỉ cần đồng ý giải giáp sẽ không bị truy cứu trách nhiệm. 

RUF cũng được phép thành lập đảng riêng để tham gia tranh cử. Trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5/2002, đảng của phe RUF không giành được bất cứ một ghế nào trong Quốc hội. Trong những tháng sau đó, lần lượt các lãnh đạo của phe RUF bị đưa ra xét xử vì những tội ác chiến tranh.

Chiến dịch ở Sierra Leone là lần hiếm hoi phương Tây can thiệp quân sự thành công vào một quốc gia châu Phi.

Chiến dịch ở Sierra Leone là lần hiếm hoi phương Tây can thiệp quân sự thành công vào một quốc gia châu Phi.

Một yếu tố quan trọng khác tạo nên kết quả này là sự hỗ trợ lâu dài của Anh. Vương quốc Anh dẫn đầu quá trình cải cách sau xung đột, hợp tác chặt chẽ với chính phủ Sierra Leone. Anh ký các thỏa thuận hợp tác kéo dài 10 năm với Sierra Leone, cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại để quốc gia Tây Phi vực dậy sau chiến tranh.

Anh cũng giúp Sierra Leone xây dựng lực lượng cảnh sát có năng lực trong lĩnh vực an ninh nội địa và cung cấp hỗ trợ quan trọng cho ngành tư pháp.

Tuy vậy, một số nhà quan sát từng đưa ra ý kiến cho rằng, sở dĩ chính phủ của Thủ tướng Anh Tony Blair thành công khi can thiệp vào Sierra Leone là nhờ vào "thiên thời địa lợi" và cộng thêm yếu tố may mắn. Ngoài ra, RUF cũng không phải là lực lượng chiến đấu quá đáng gờm. Sierra Leone cũng không phải là một quốc gia có diện tích lớn để tạo ra gánh nặng về quân sự. Sierra Leone có diện tích chỉ gấp khoảng 2 lần diện tích của Bỉ (diện tích của Bỉ là 30.688 km2).

Nhìn chung, Anh đã khéo léo sử dụng vũ lực một cách kịp thời để tạo ra bước ngoặt, sau đó nhanh chóng trao lại vai trò cho quân đội chính phủ và cộng đồng quốc tế.

Điều này khác biệt với các cuộc can thiệp quân sự khác, khi phương Tây không thể chuyển hóa vai trò quân sự sang mục tiêu chính trị.

Trong thời đại mà các cường quốc phương Tây "muốn tạo ra hiệu quả cao nhất, nhưng can thiệp trực tiếp ở mức thấp nhất", chiến lược của Anh phát huy hiệu quả.

Anh cũng giữ đúng lời hứa về các cam kết lâu dài với Sierra Leone. Các cố vấn quân sự Anh chỉ chính thức rời khỏi quốc gia Tây Phi vào năm 2013.

_____________________

Chiến dịch can thiệp quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến 2 của Pháp là cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Tây Phi. Pháp đã sai lầm ở đâu và vì sao chiến dịch kéo dài 9 năm thất bại? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản 19h ngày 20/8/2023.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Nguồn: [Link nguồn]

Đảo chính ở Niger: Đòn giáng mạnh vào Mỹ và Pháp

Vài ngày sau khi Tổng thống Niger bị phế truất trong một cuộc đảo chính quân sự vào cuối tháng 7, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ đảo chính đã tập trung tại Đại sứ quán...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Phương Tây can thiệp quân sự ở châu Phi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN