Châu Âu vẫn phải chơi theo ván cờ của ông Orban

Sau khi Thủ tướng Ulf Kristersson tới thăm Hungary kèm theo “món quà” là 4 chiến đấu cơ JAS 39 Gripen, Budapest đã chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Sự kiện được xem như một thắng lợi nữa của Thủ tướng Hungary, Viktor Orban - người thường xuyên xung đột quan điểm với phần còn lại của EU và NATO.

Cái gật đầu sau 19 tháng trì hoãn

Thủ tướng Viktor Orban của Hungary cuối tuần trước tuyên bố chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài nhiều tháng về việc mở rộng Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nói rằng chuyến thăm của người đồng cấp Thụy Điển đã xây dựng lại niềm tin và mở đường cho Quốc hội Hungary bỏ phiếu để phê chuẩn tư cách thành viên NATO của quốc gia Bắc Âu này.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (bên phải) đón tiếp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Budapest. Ảnh: Hungary Today

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (bên phải) đón tiếp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Budapest. Ảnh: Hungary Today

Mối quan hệ ấm lên đột ngột giữa hai nước diễn ra sau quyết định của Thụy Điển cung cấp cho Hungary 4 máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen để bổ sung vào phi đội 14 chiếc mà không quân nước này đang vận hành.  Cùng với đó, còn lời hứa rằng Saab, nhà sản xuất chiến đấu cơ JAS 39 Gripen, sẽ mở một trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) ở Hungary.

Dù ông Orban nhấn mạnh rằng việc Thụy Điển đề nghị cung cấp máy bay chiến đấu và mở một trung tâm nghiên cứu AI tại Hungary không phải là một phần của thỏa thuận về việc kết nạp quốc gia Bắc Âu này vào NATO, nhưng các phương tiện truyền thông do đảng Fidesz cầm quyền của ông kiểm soát lại nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quân sự với Thụy Điển như một chiến thắng cho chiến thuật đàm phán của Hungary.

Hungary là nước cuối cùng trong 31 quốc gia thành viên NATO đồng ý kết nạp Thụy Điển. Budapest đã trì hoãn việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Stockholm, một sự chậm trễ khiến Mỹ và các thành viên khác trong liên minh quân sự này bối rối và bực tức.

Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu tán thành đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống. Ảnh: Al Jazeera

Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu tán thành đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống. Ảnh: Al Jazeera

Suốt thời gian qua, ông Orban và các quan chức Hungary đã đưa ra những giải thích khác nhau về việc trì hoãn này, bao gồm các khiếu nại về cáo buộc của Thụy Điển về sự thoái trào dân chủ ở Hungary dưới thời ông Orban, các tài liệu giảng dạy chỉ trích Hungary trong các trường học ở Thụy Điển và những bình luận mà ông Kristersson đã đưa ra nhiều năm trước khi nhậm chức.

Nhưng, cuối cùng, sau nhiều tháng phàn nàn rằng Thụy Điển đã thể hiện sự tôn trọng không đủ đối với đất nước của mình, ông Orban đã đổi hướng khi ca ngợi quốc gia Bắc Âu này như một đối tác đáng tin cậy trong cuộc gặp với người đồng cấp Ulf Kristersson tuần trước. Nhà lãnh đạo Hungary nói: “Cuộc gặp hôm nay là một cột mốc quan trọng trong quá trình lâu dài xây dựng lại niềm tin của chúng ta”.

Luật chơi trong tay ông Orban

Với quyết định “quay xe” của ông Orban, Thụy Điển coi như đã hoàn tất hành trình đến với NATO. Bởi, ngay sau đó, Quốc hội Hungary cũng bỏ phiếu phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu này, qua đó cởi nút thắt cuối cùng ngăn Thụy Điển trở thành một phần của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO từ năm 2022. Trong khi Phần Lan đã trở thành thành viên của liên minh từ tháng 4/2023 thì nỗ lực của Thụy Điển gặp nhiều thách thức. Đầu tiên là việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan phản đối việc Thụy Điển gia nhập NATO, đồng thời cáo buộc Stockholm quá khoan dung với các nhóm phiến quân, trong đó có đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Ông Tamas Sulyok, Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Hungary sắp được bầu làm Tổng thống nước này và sẽ ký xác nhận Hungary đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO. Ảnh: EPA

Ông Tamas Sulyok, Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Hungary sắp được bầu làm Tổng thống nước này và sẽ ký xác nhận Hungary đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO. Ảnh: EPA

Thụy Điển kể từ đó đã thắt chặt luật chống khủng bố và cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với Ankara về các vấn đề an ninh. Để rồi, ngày 23/1 vừa qua, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Và, bây giờ thì rào cản cuối cùng của họ, Hungary, cũng đã được giải quyết.

Sau khi biết kết quả bỏ phiếu từ Quốc hội Hungary, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson gọi đây là “một ngày lịch sử” và hào hứng viết trên mạng xã hội X: “Chúng tôi sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của mình đối với an ninh của NATO”.

Có thể hiểu được sự vui mừng của ông Kristersson. Bởi, việc đàm phán với Hungary, cụ thể là với Thủ tướng Viktor Orban, luôn rất khó khăn. Nhà lãnh đạo Budapest luôn bắt đối thủ và đối tác phải chơi theo luật của ông và sẵn sàng mạo hiểm vì chiến lược đó.

Trước cuộc gặp với ông Kristersson, ông Orban đang chịu rất nhiều áp lực từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đòi Hungary sớm chấp nhận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Thậm chí, cuối tuần trước, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đã đến thăm Hungary và tuyên bố sẽ đệ trình một nghị quyết chung lên Quốc hội Mỹ nhằm lên án điều mà họ cho là sự suy thoái dân chủ của Hungary, đồng thời thúc giục chính phủ của ông Orban ngay lập tức dỡ bỏ sự phản đối với việc hội nhập NATO của Thụy Điển.

Nhưng, phái đoàn này đã nhận được sự lạnh lùng khi các bộ trưởng và nhà lập pháp Hungary từ đảng cầm quyền Fidesz đều từ chối gặp họ. Trong một thông điệp đăng trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Hungary, Peter Szijjarto cho biết Budapest sẽ không bị các phái đoàn nước ngoài làm lung lay.  Còn ông Viktor Orban thì nhắc nhở rằng: “Một số người đã cố gắng can thiệp từ bên ngoài vào việc giải quyết tranh chấp của chúng tôi (với Thụy Điển), nhưng điều này không giúp ích gì mà còn cản trở vấn đề. Hungary là một quốc gia có chủ quyền, chúng tôi không chấp nhận việc bị người khác sai khiến”.

Chỉ tới khi ông Kristersson chấp nhận đến gặp ông Orban ở Budapest, Hungary mới gật đầu với lá đơn của Thụy Điển. Cần biết rằng, chuyến thăm Budapest của ông Kristersson đã đảo ngược quan điểm trước đó của chính nhà lãnh đạo này rằng ông sẽ chỉ tới Budapest để đàm phán với ông Orban sau khi Quốc hội Hungary bỏ phiếu phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.

Một sự đảo ngược cho thấy, ông Kristersson đã phải “xuống thang”, theo luật chơi của ông Orban để đạt được mục tiêu lớn mang tên NATO, thay vì đợi nhà lãnh đạo của Hungary chùn bước trước áp lực.

Một “kỳ thủ” cao tay

Như đã đề cập, sau cuộc gặp tại Budapest, hai Thủ tướng Orban và Kristersson đã thông báo về việc ký kết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trong đó trọng tâm là việc Hungary mua 4 máy bay phản lực JAS 39 Gripen do Thụy Điển sản xuất.

Một số nhà ngoại giao và nhà phân tích chính trị tại châu Âu coi việc ông Orban đột ngột tập trung vào việc mở rộng hợp tác quân sự với Thụy Điển là một cách cứu thể diện để thoát khỏi tình trạng bế tắc mà họ cho rằng đã làm tổn hại đến danh tiếng của Hungary như một đồng minh đáng tin cậy trong khi cũng không mang lại lợi ích rõ ràng nào.

Cho đến trước cuộc gặp đó, lợi ích hữu hình nhất đối với Hungary, hoặc ít nhất là đối với ông Orban, từ việc trì hoãn chấp nhận Thụy Điển là tất cả sự chú ý dành cho một quốc gia vốn có ít ảnh hưởng về quân sự, ngoại giao hoặc kinh tế. Hungary chỉ chiếm 1% sản lượng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) và có quân đội với khoảng 40.000 quân nhân đang tại ngũ, tương đương với quy mô của lực lượng cảnh sát thành phố New York.

Nhưng, theo nhà báo Steven Erlanger - Trưởng bộ phận tin tức chính trị châu Âu của tờ New York Times, việc ông Orban chấp thuận Thụy Điển vào thời điểm áp lực ngoại giao liên quan tới vấn đề này lên đến cao trào một lần nữa cho thấy, chiến thuật “ghi bàn phút cuối” của ông vẫn phát huy tác dụng.

Việc trở thành tâm điểm chú ý trên khắp châu Âu trong một thời gian dài với “quân bài” Thụy Điển giúp ông Orban đẩy bớt áp lực ra khỏi biên giới Hungary. Điều này rất quan trọng khi Hungary đang hứng chịu suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến Tổng thống Katalin Novak, người vừa phải từ chức sau vụ ân xá cho một đối tượng lạm dụng trẻ em.

Thụy Điển đồng ý cung cấp cho Hungary 4 chiến đấu cơ tối tân JAS 39 Gripen do quốc gia Bắc Âu này sản xuất.Ảnh: Wikipedia

Thụy Điển đồng ý cung cấp cho Hungary 4 chiến đấu cơ tối tân JAS 39 Gripen do quốc gia Bắc Âu này sản xuất.Ảnh: Wikipedia

Sự cứng rắn trong vấn đề Thụy Điển còn giúp cá nhân ông Orban nêu bật tiếng nói của mình trong bối cảnh Hungary sẽ đảm nhận nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của EU vào nửa cuối năm nay. “Thủ tướng Orban từ lâu đã tin rằng dư luận châu Âu đang đi theo hướng của ông ấy. Vì thế, dù đưa ra nhiều quan điểm bất đồng song ông ấy sẽ không làm gì để khiến các đồng minh châu Âu phải trừng phạt ông hoặc Hungary. Ông ấy rất giỏi đi đến giới hạn rồi rút lui”, nhà báo Steven Erlanger nhận định.

Điều này không chỉ được minh chứng qua việc kết nạp Thụy Điển vào NATO, mà còn có thể thấy trong thái độ cứng rắn của Hungary về vấn đề viện trợ cho Ukraine. Ông Orban là nhà lãnh đạo EU duy nhất phản đối gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro cho Kiev, khiến Hội đồng châu Âu đe dọa trừng phạt nền kinh tế Hungary.

Nhưng rồi kết quả thế nào? Vào phút chót, ông đã rút lại sự phản đối, qua đó giúp EU thông qua được gói viện trợ cho Ukraine. Đổi lại, các nhà lãnh đạo EU đã thêm một dòng đề cập đến các kết luận trước đó từ tháng 12/2020 rằng cách thức pháp quyền ở Hungary được Ủy ban châu Âu đánh giá là được thực hiện một cách công bằng và khách quan.

Đấy chính là điều ông Orban cần. Vì văn bản năm 2020 có ý nghĩa quyết định với 6,3 tỷ euro từ quỹ gắn kết EU vốn đang bị đóng băng đối với Hungary do EU kết luận nước này có những thiếu sót trong quy định pháp luật.

Một bước lùi đúng lúc vừa giúp ông Orban có thể tuyên bố Hungary đã chiến đấu hết mình để phản đối việc tài trợ cho Ukraine, vừa cởi bỏ hầu bao của EU cho Budapest. Người chiến thắng, vì thế lại là vị thủ tướng nhiều góc cạnh mang tên Orban.

Còn chờ... tổng thống

Cuộc bỏ phiếu về việc Thụy Điển gia nhập NATO chỉ là một vấn đề trong chương trình nghị sự bận rộn của Quốc hội Hungary. Một cuộc bỏ phiếu cũng được tổ chức để xem xét đơn từ chức của Tổng thống Katalin Novak.

Sau khi chấp nhận đơn từ chức của Tổng thống Novak, các nhà lập pháp dự kiến sẽ xác nhận ông Tamas Sulyok, Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Hungary, làm tổng thống mới của đất nước. Ông Sulyok sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 5/3. Thông tin này rất quan trọng với Thụy Điển. Vì vẫn cần có chữ ký của tổng thống để Hungary chính thức phê duyệt đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.

Nguồn: [Link nguồn]

Hungary cuối tuần qua từ chối gặp phái đoàn Mỹ liên quan đến việc gây thêm sức ép để chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Khánh ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN