Biển Đông: Đã đến lúc bộ tứ kim cương hành động

Việc Ấn Độ, Úc ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác thời gian qua là dấu hiệu cho thấy nhóm “bộ tứ kim cương” đang có bước chuyển mình đáng kể về chất và lực trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Hải quân Mỹ và Nhật Bản tập trận chung trên Biển Đông vào tháng 9-2015. Ảnh: REUTERS

Hải quân Mỹ và Nhật Bản tập trận chung trên Biển Đông vào tháng 9-2015. Ảnh: REUTERS

Tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison đã có phiên họp song phương trực tuyến về tầm nhìn chung hai nước đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Kết quả của phiên làm việc là một loạt chín thỏa thuận được ký kết, thúc đẩy hợp tác toàn diện Ấn - Úc trên lĩnh vực thương mại, quân sự. Trong số này, có các thỏa thuận rất đáng chú ý như thỏa thuận tương hỗ hậu cần (MLSA) hay thỏa thuận triển khai khoa học và công nghệ quốc phòng (DST).

MLSA cho phép tàu chiến, máy bay quân sự hai nước được quyền bảo trì và tiếp nhiên liệu ở các căn cứ quân sự của nhau. Trong khi đó, DST mở đường cho giới chuyên gia Ấn Độ - Úc trao đổi, hợp tác phát triển công nghệ quân sự mới.

Một số ý kiến nhận định đây là bước đi mạnh mẽ trong việc tăng cường tính đoàn kết và khả năng hành động chung của Ấn Độ và Úc nói riêng và toàn nhóm “bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) nói chung mà hai nước này là thành viên trước tình hình Trung Quốc (TQ) liên tục leo thang căng thẳng trong khu vực.

Bước chuyển mình của “bộ tứ”

Trong bài viết mới đây cho tờ The Times of India, Thiếu tướng Ấn Độ Shashi Bhushan Asthana bình luận từ lúc thành lập đến nay, nhóm QUAD vẫn chỉ đang hoạt động như một diễn đàn đối thoại an ninh giữa bốn nước thành viên thay vì phát triển thành một liên minh quân sự hoàn chỉnh.

Do đó, nếu nhóm này trong tương lai muốn trở thành một đối trọng hiệu quả với TQ thì bắt buộc phải tăng cường hơn nữa các động thái hợp tác thực chất, mà ở đây các thỏa thuận giữa Ấn Độ - Úc đang là viên gạch lót đường.

Mặt khác, sự xuất hiện của các thỏa thuận như trên là một chỉ dấu tốt cho nhận định quan hệ nội bộ QUAD đang ngày càng tốt đẹp cũng như chứng tỏ các nước này có chung tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và chung một mục tiêu giữ vững trật tự khu vực dựa trên luật pháp.

Thời gian tới, ông Asthana cho rằng QUAD nên mở rộng hợp tác sang lĩnh vực tình báo thông tin liên lạc. Đây vốn là lĩnh vực chưa được các nước trong Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quan tâm đúng mức. Trong khi đó, nhóm tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) đến nay không có ý định mở rộng phạm vi hoạt động sang các diễn biến căng thẳng ở Biển Đông. Hồi cuối năm ngoái, thành viên Quốc hội Mỹ đã thảo luận về khả năng kết nạp thêm ba nước Ấn Độ, Úc và Nhật Bản vào Ngũ Nhãn nhưng kế hoạch này đến nay vẫn chưa có tiến triển đáng kể.

Thay vì trông đợi Ngũ Nhãn hành động, QUAD nên tự mình có một liên minh tình báo toàn diện chung trên cơ sở là các nước thành viên đã hợp tác song phương về vấn đề này trong khuôn khổ các hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự chung (GSOMIA). Điểm bất cập là các GSOMIA có phạm vi rộng hơn khu vực mà QUAD đang muốn nhắm vào cũng như việc GSOMIA không đặt ra mục tiêu cụ thể là kiềm chế TQ.

“Hợp tác tình báo sẽ đưa quan hệ thành viên QUAD là một bước phát triển mới và đảm bảo nhóm này tạo ra được một mạng lưới đồng minh, đối tác sẵn sàng hành động một khi TQ có bất kỳ động thái đáng chú ý nào. Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ - Ấn cũng sẽ được nâng cao, mở đường cho New Delhi thành một đồng minh mới của Washington thông qua trung gian Úc, Nhật Bản” - Thiếu tướng Shashi Bhushan Asthana nhấn mạnh.

Các thỏa thuận giữa Ấn Độ và Úc báo hiệu cho Bắc Kinh rằng các lĩnh vực quốc phòng và an ninh của quan hệ đối tác chiến lược song phương vẫn đang được thắt chặt. Việc thúc đẩy quan hệ hợp tác diễn ra vào đúng thời điểm những căng thẳng thương mại Úc - TQ leo thang và đối đầu quân sự Ấn Độ - TQ trên biên giới phức tạp.

GS IAN HALLĐH Melbourne (Úc) 

Diễn tập chung: Câu trả lời của “bộ tứ” cho Trung Quốc

Kể từ sau lần đầu tiên nhóm QUAD tập hợp để đối phó với thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương vào năm 2004, các nước này đến nay thường xuyên có những động thái quân sự, cả chung lẫn đơn lẻ để thách thức ảnh hưởng của TQ trong khu vực.

Mới đây nhất, Mỹ vào cuối tháng 5 đã điều hai máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer tham gia tập trận cùng 16 tiêm kích F-15 và F-2 của Nhật Bản ở vùng biển quanh quần đảo Okinawa.

Tháng 4, tàu hộ tống HMAS Parramatta thuộc Hải quân Hoàng gia Úc đã tiến hành tập trận cùng tàu tấn công đổ bộ USS America, tuần dương hạm USS Bunker Hill và khu trục hạm USS Barry của Mỹ ở Biển Đông.

Năm 2019 được đánh giá là một năm thành công cho các hoạt động quân sự chung giữa các nước nhóm QUAD.

Vào tháng 9, nhiều tàu chiến của Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ đã tham gia cuộc diễn tập thường niên mang tên Malabar gần TP Sasebo của Nhật.

Tháng 5, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ tuyên bố tập trận chung cùng tàu chiến Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc ở gần đảo Guam. Cũng trong tháng này, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines cũng điều sáu tàu chiến tập trận ở Biển Đông.

“Nhóm QUAD ở tình trạng hiện tại có thể vẫn còn nhiều cải thiện trước khi đủ sức trở thành đối thủ thực sự của TQ nhưng tiềm năng và nguồn lực của các nước này là không thể chối cãi. Miễn là các nước trong tương lai vẫn giữ được mục tiêu chung và được các quốc gia khác ủng hộ, không có gì là không thể” - Thiếu tướng Shashi Bhushan Asthana kết luận.

Tầm nhìn của Ấn Độ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Nhận định trên trang thông tin của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) vào đầu tháng 5, Phó Đô đốc Hải quân Ấn Độ Lalit Kapur cho biết New Delhi đánh giá khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai sẽ được định hình bởi “tham vọng của TQ, lợi ích của Ấn Độ, sự trỗi dậy trở lại của Nhật Bản, sự tự tin của Úc và nhận thức của ASEAN”.

Bên cạnh đó, Ấn Độ là thành viên QUAD duy nhất có đường biên giới dài với TQ. Thứ mà Ấn Độ đang làm không phải là tìm kiếm một hiệp ước quốc phòng từ QUAD trong trường hợp TQ hay Pakistan tấn công mà là tìm kiếm sự hỗ trợ để giải quyết sự bất tương xứng trong năng lực quốc phòng giữa Ấn Độ và TQ, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương. 

Nguồn: [Link nguồn]

Biển Đông: 2 nước Đông Nam Á bị tàu Trung Quốc đến “sát cửa nhà” quấy nhiễu

Trung Quốc đang ngày càng lấn tới và 2 quốc gia Đông Nam Á này không thể ngồi yên, theo chuyên gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN