Bên trong "nhà máy đẻ thuê" lớn nhất thế giới
Hoạt động đẻ thuê cho các cặp vợ chồng nước ngoài vốn không phải là vấn đề mới mẻ tại Ukraine, nhưng phải vài tháng trở lại đây, sự việc 50 bé sơ sinh bị mắc kẹt trong nước vì dịch Covid-19 mới thật sự gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức và quy mô của ngành công nghiệp đang bùng nổ ở quốc gia đông Âu này.
Một phòng ngủ dành cho các bé sơ sinh được đẻ thuê tại Khách sạn Venice, Ukraine (Ảnh: Getty)
Một số bé sơ sinh thì liên tục gào khóc dù đang nằm trong cũi, số khác thì đang được bồng bế hoặc cho bú bình bởi các vú em. Những cảnh tượng mà thoạt nhìn khiến ta chúng ta tưởng đang ở trong phòng trông trẻ của một nhà hộ sinh nào đó, thực ra lại đang diễn ra tại một trong 2 phòng tiếp khách tại một nơi được gọi là Khách sạn Venice nằm ở ngoại ô Kiev, nơi 4 phía xung quanh được bảo vệ bởi những bức tường chăng dây thép gai.
Những đứa bé này, trên thực tế, là con của những cặp vợ chồng nước ngoài, nhưng lại được sinh ra bởi những người phụ nữ Ukraine được tuyển chọn vào Trung tâm Sinh sản Con người BioTexCom, tổ chức có trụ sở tại Kiev và được cho là “nhà máy đẻ thuê” lớn nhất thế giới. Những đứa bé này hiện đang bị mắc kẹt trong khách sạn vì bố mẹ ruột của chúng không thể đi vào hoặc ra khỏi Ukraine, kể từ khi biên giới nước này bị đóng cửa vào tháng 3 vừa qua vì dịch Covid-19.
Những ông bố bà mẹ sốt sắng thường kiểm tra tình trạng những đứa con mà họ chưa bao giờ gặp mặt qua các cuộc gọi video, hoặc gửi những bản ghi âm giọng nói của họ để dỗ dành con của mình. Phía BioTexCom cũng đã đăng tải một đoạn video từ khách sạn vào giữa tháng 5 vừa qua để làm nổi bật tình cảnh éo le của các bậc cha mẹ này, nhằm vận động cho việc nới lỏng lệnh đóng biên giới tại Ukraine.
Các nhân viên hộ sinh bế ẵm một số bé sơ sinh còn bị mắc kẹt bên trong Khách sạn Venice (Ảnh: Getty)
Tình trạng mang thai hộ tại Ukraine từ lâu đã là vấn đề gây chú ý trên toàn thế giới, nhưng phải vài tháng trở lại đây, tình hình về 50 bé sơ sinh bị mắc kẹt bên trong khách sạn Venice mới thật sự gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức và quy mô của ngành công nghiệp đang bùng nổ ở quốc gia đông Âu này.
Mykola Kuleba, một thanh tra viên về quyền trẻ em ở Ukraine, cho biết việc cải cách một hệ thống mà ông mô tả là đang vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em là không đủ, và các dịch vụ đẻ thuê cho các cặp vợ chồng nước ngoài ở Ukraine nên bị cấm.
Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế đang kiệt quệ về tiền mặt, với mức thu nhập trung bình của mỗi người dân chỉ khoảng 300 bảng (tương đương 8,7 triệu đồng) mỗi tháng, và cuộc xung đột cục bộ với Nga vẫn còn tiếp diễn âm ỉ, nhiều phụ nữ Ukraine nghèo khó, đặc biệt là ở các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn, vẫn đang hàng ngày xếp hàng đi đẻ thuê kiếm tiền nuôi thân, bất chấp việc họ có thể phải trả giá đắt cả về thể chất lẫn tinh thần
Tại Vinnytsia, một thành phố nằm phía tây nam thủ đô Kiev, Liudmyla vẫn đang chờ được nhận phí sinh con của mình sau khi cô đẻ được một bé gái cho một cặp vợ chồng người Đức hồi tháng 2 vừa qua. Liudmyla thường xuyên nhắn tin cho dịch vụ đẻ thuê của mình (không phải BioTexCom), nơi được cho còn nợ cô khoảng 6.000 Euro (tương đương 157 triệu đồng). “Họ luôn nói với tôi rằng số tiền chưa thể được chuyển vì tình trạng phong tỏa,” cô nói.
Dù Liudmyla, năm nay 39 tuổi, được thụ tinh ở Kyiv và dành phần lớn thời gian mang thai ở Vinnytsia, Dịch vụ đẻ thuê thậm chí đã yêu cầu cô phải đến Ba Lan sinh con để đứa bé có thể đăng ký khai sinh ở nước này. Nhân viên bệnh viện ở Ba Lan không hề biết rằng Liudmyla chỉ là người đẻ thuê, vì hoạt động này bị cấm ở Ba Lan, cũng như ở hầu hết các nước châu Âu.
“Tôi không muốn phải rời xa đứa bé, tôi đã bật khóc,” Liudmyla kể lại. Cô cho biết sau 2 ngày chăm sóc đứa bé trong phòng hộ sinh, phải xa cách nó là một điều gì đó vô cùng đau xót: “Nhưng tôi cũng hiểu rằng công việc này là như vậy.”
Là người bán tạp hóa và một người mẹ đơn thân, Luidmyla đã phải vật lộn trong nhiều năm để tìm một ngôi nhà mới cho bản thân cô và 3 đứa con của mình, một nơi ở tốt hơn căn phòng trọ mà 4 người đang sống. Vì vậy, vào năm 2017, cô đã đăng ký đẻ thuê với số tiền vừa đủ để thế chấp một căn hộ tại Vinnytsia. Dù từng bị đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt do hậu quả của các biến chứng trong thai kỳ, Liudmyla vẫn quyết định đăng ký đẻ thuê lần nữa để có đủ tiền chi trả phần lớn khoản vay đã dùng để mua căn hộ mới.
Một quyển catalog của BioTexCom, trong đó có hình ảnh các khách hàng và những đứa con được "đẻ thuê" của họ (Ảnh: Getty)
Dù chưa có một số liệu thống kê được công bố chính thức, nhưng ước tính có hàng ngàn trẻ em được sinh ra nhờ phương pháp đẻ thuê ở Ukraine vào mỗi năm. 80% những đứa trẻ này thuộc về các cặp vợ chồng nước ngoài, những người thường chọn Ukraine, nơi hoạt động mang thai hộ vẫn được cho là hợp pháp và rẻ tiền. Theo luật sư Sergii Antonov, các dịch vụ đẻ thuê ở Ukraine thỉnh thoảng còn tổ chức các đợt sinh đẻ ở nước ngoài vì điều này có thể làm cho quá trình đăng ký khai sinh cho đứa bé trở nên dễ dàng hơn.
Giá của một gói đẻ thuê ở Ukraine thường rơi vào khoảng 25.000 bảng (tương đương 729 triệu đồng), với một người đẻ thuê thường được trả ít nhất 10.000 bảng (tương đương 291 triệu đồng). Những cặp bố mẹ muốn được đẻ thuê thường phải có giấy tờ chứng nhận kết hôn dị tính và bị chẩn đoán vô sinh. Tại Ukraine, các dịch vụ đẻ thuê này có thể công khai quảng cáo trên báo chí, các phương tiện giao thông công cộng hoặc trên các nền tảng mạng xã hội.
Tetiana Shulzhynska, 38 tuổi, hiện đang viết bài gửi tới các nhóm đẻ thuê trên mạng xã hội để cố gắng thuyết phục phụ nữ tránh xa hoạt động này, vì cô cho rằng họ sẽ phải trả giá bằng sức khỏe hoặc thậm chí là tính mạng của mình. “Trong các hợp đồng đẻ thuê, phía công ty chỉ quan tâm đến việc bảo vệ đứa trẻ mới sinh, chứ không phải chúng tôi,” cô cho biết.
Shulzhynska, một nhân viên xe bus, từng một lần đăng ký đẻ thuê vào năm 2013 vì cô rất cần tiền để phải trả một khoản vay ngân hàng. Người mẹ 2 con này túng thiếu đến mức phòng khám đã phải bao tiền để cô có thể mua vé đi tàu đến Kiev.
Một gia đình tại Argentina lần đầu được tiếp xúc với đứa con của họ ở Khách sạn Venice (Ảnh: Getty)
Shulzhynska đồng ý sinh con cho một cặp vợ chồng người Italia, nhưng trong vòng 2 tháng, cô đã có tới 4 phôi thai sống trong bụng. Gia đình người Italia chỉ quyết định giữ lại một phôi thai và các phôi thai còn lại đã bị phẫu thuật cắt bỏ. Đến tháng 5.2014, Shulzhynska sinh hạ một bé gái và nhận được một khoản phí khoảng 9.000 Euro (tương đương 235 triệu đồng).
Nhưng chỉ 7 tháng sau, cô lại phải đến bệnh viện sau khi xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội. Các bác sĩ chẩn đoán cô bị ung thư cổ tử cung, và phải mất gần một năm cô mới quyên góp đủ tiền để tiến hành phẫu thuật. Shulzhynska nghi ngờ nguyên nhân căn bệnh của mình là do quá trình mang thai hộ, dù không có bằng chứng nào về điều này. Cô gần đây đã phải chống nạng vì các bác sĩ dự định sẽ cắt bỏ chân trái của cô, vốn đang bị ảnh hưởng bởi di căn từ bệnh ung thư.
Vào năm 2015, Shulzhynska đã đệ đơn kiện BioTexCom với cáo buộc thiệt hại gây ra cho sức khỏe của cô, dẫn đến một cuộc điều tra hình sự kéo dài cho đến tận bây giờ.
Yuriy Kovalchuk, cựu công tố viên nhà nước Ukraine từng giám sát một loạt các cuộc điều tra hình sự về BioTexCom từ 2018 đến 2019, cho biết ít nhất 3 phụ nữ khác đã phải nhờ sự hỗ trợ từ các cơ quan thực thi pháp luật, sau khi họ buộc phải cắt bỏ tử cung do biến chứng từ những lần mang thai hộ cho công ty này.
Ông nói rằng các cuộc điều tra đối với BioTexCom còn liên quan đến cáo buộc gian lận và thậm chí còn dính dáng đến hoạt động buôn người vào năm 2011, sau khi một cặp vợ chồng người Ý phát hiện những đứa trẻ họ đã đưa về nhà từ Ukraine không có cùng huyết thống.
Bé sơ sinh được đẻ thuê của chị Andrea Diez, một phụ nữ Argentina là khách hàng của BioTexCom (Ảnh: Getty)
Tại “Khách sạn Venice”, ông Albert Tochilovsky, chủ sở hữu BioTexCom, dù không phủ nhận có sự nhầm lẫn giữa các phôi thai trong các thủ tục mang thai hộ, dẫn đến cuộc điều tra về hành vi buôn người vào năm 2011, song lại cho rằng đó chỉ là sự thiếu kinh nghiệm của các nhân viên, khi phòng khám chỉ mới phát triển được 1 năm, và nói: “Tôi không nghĩ rằng chỉ có chúng tôi từng mắc phải những lỗi như vậy. Nếu ai cũng phải xét nghiệm DNA thì sẽ có rất nhiều vụ bê bối xảy ra.”
Bên cạnh đó, ông chủ của BioTexCom cũng phủ nhận có hành vi ngược đãi đối với phụ nữ hay bất kỳ sự gian dối nào khác tại phòng khám của mình. Ông cũng bác bỏ các tuyên bố về bệnh ung thư của Shulzhynska, gọi đó là một điều “vô lý” và nói rằng các hợp đồng của công ty bao giờ cũng có điều khoản bảo vệ các phụ nữ đẻ thuê:
“Họ (những phụ nữ đẻ thuê) không bị mất sức khi làm việc tại phòng khám của tôi, điều thường xảy ra trong các bệnh viện phụ sản. Phòng khám của chúng tôi chỉ tiến hành các công nghệ sinh sản, những thủ tục khác thì đều được thực hiện tại các bệnh viện cấp nhà nước, và trong nhiều trường hợp tử cung của người phụ nữ nào đó bị cắt bỏ, chúng tôi sẽ phải trực tiếp bồi thường cho việc này dựa theo các điều khoản trong hợp đồng.”
Dù vậy, Svitlana Sokolova, người từng tham gia hoạt động đẻ thuê và hiện là một nhà hoạt động tại tổ chức phi chính phủ Sức Mạnh Của Những Người Mẹ, cho biết cô nhận được ngày càng nhiều khiếu nại về tình trạng bị ngược đãi của những người phụ nữ đẻ thuê trong thời gian qua.
Ông Albert Tochilovsky, chủ sở hữu BioTexCom (Ảnh: Getty)
Một nhóm phụ nữ đẻ thuê cho biết hợp đồng của công ty bắt buộc họ phải liên tục cấy phôi vào tử cung trong suốt một năm, cho đến khi họ có thể mang thai. “Thông qua những hợp đồng này, những người phụ nữ đã bị biến thành một loại tài sản,” Sokolova nói.
Maryna Lehenka, một luật sư tại La Strada Ukraine, cho biết đường dây nóng từ văn phòng của cô nhân được hơn 100 cuộc gọi mỗi năm từ những người phụ nữ đẻ thuê, những người phàn nàn về sự căng thẳng mà họ gặp phải sau khi sinh đẻ hoặc gặp các vấn đề gây ra do phải tăng hàm lượng nội tiết tố để có thể mang thai. Cô đồng ý với các thanh tra viên rằng việc thương mại hóa các hoạt động mang thai hộ nên bị cấm ở Ukraine.
Dù vậy, bất chấp những áp lực về quy định của doanh nghiệp đẻ thuê, trong đó có một số dự thảo luật đã được đệ trình trước quốc hội Ukraine, các chuyên gia và người trong cuộc vẫn hoài nghi về việc những thay đổi pháp lý này sẽ sớm được thực hiện để hạn chế các loại hình kinh doanh trẻ sơ sinh.
Theo ông Tochilovsky, nếu ngành đẻ thuê trở nên bất hợp pháp, phòng khám của ông sẽ chỉ tập trung vào việc hiến phôi thai.
“Công nghệ sinh học là tương lai của thế giới, và chúng tôi sẽ dành phần lớn tiền của mình vào công nghệ này,” ông chủ BioTexCom cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Một núi lửa ở khu vực phía đông bắc Trung Quốc có thể đang “nạp năng lượng” cho một vụ phun trào, với một lượng...