Báu vật vô giá của Tần Thủy Hoàng, nhiều đời vua cố sống cố chết chiếm đoạt giờ ở đâu?

Với 4 chữ “mãi mãi trường tồn” và chế tác từ khối ngọc quý giá bậc nhất Trung Quốc, ngọc tỷ của Tần Thủy Hoàng là báu vật mà bất cứ vị hoàng đế nào cũng muốn sở hữu. Là biểu tượng của quyền lực thời phong kiến, ngọc tỷ truyền quốc trải qua nhiều chuyện vô cùng ly kỳ, gắn với sự hưng thịnh và suy vong của nhiều triều đại Trung Hoa.

Khối ngọc Hòa thị bích khiến người nhặt được mang họa (ảnh: Sohu)

Khối ngọc Hòa thị bích khiến người nhặt được mang họa (ảnh: Sohu)

Năm 212, Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước, bắt đầu đặt ra những quy định để củng cố quyền cai trị tối cao. Trong đó, khắc ấn tín dành riêng cho hoàng đế là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông.

Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, trước khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi hoàng đế, ấn tín của quan lại hay vua chúa đều chỉ dùng một chữ “tỷ” để gọi, hình thức cũng không được phân biệt rõ ràng. Để khẳng định quyền lực của mình, Tần Thủy Hoàng quy định chữ “tỷ” chỉ được sử dụng để gọi ấn của hoàng đế. Ấn của vua được đúc từ ngọc hoặc vàng, quan lại dưới quyền chỉ được dùng đồng để khắc ấn mà thôi.

Việc chọn ngọc để chế tác con dấu cho Tần Thủy Hoàng cũng không hề dễ dàng. Tần Thủy Hoàng sở hữu của cải của cả Trung Hoa rộng lớn, song chỉ có khối ngọc bích họ Hòa (Hòa thị bích) là được ông chọn để đúc ngọc tỷ.

Sử ký chép, Tần Thủy Hoàng sai người thợ ngọc nổi danh là Tôn Thọ dùng ngọc bích họ Hòa để đúc tỷ, gọi là ngọc tỷ truyền quốc.

Ngọc ấn hình vuông, 4 cạnh dài đều 4 tấc, tinh xảo khéo léo. Mặt dưới khắc hình rồng uốn lượn cùng dòng chữ “phụng mệnh trời ban, mãi mãi trường tồn” (thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương). 8 chữ này là bút tích của Lý Tư – thừa tướng nổi tiếng học rộng tài cao, viết chữ đẹp của nhà Tần.

Là biểu tượng của quyền lực, lại thêm tính quý giá “độc nhất vô nhị” của viên ngọc bích họ Hòa nên các hoàng đế sau thời Tần Thủy Hoàng rất chú ý đến việc chiếm hữu ngọc tỷ trong mỗi cuộc tranh quyền đoạt vị. Theo truyền thuyết, do từng được sở hữu bởi Tần Thủy Hoàng – vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc – nên ngọc tỷ mang theo “đế khí”. Người sở hữu ngọc tỷ sẽ nhanh chóng thăng quan phát tài, lập nên cơ nghiệp lưu danh sử sách.

Tần Thủy Hoàng dùng ngọc bích họ Hòa đúc tỷ với mong muốn nhà Tần tồn tại muôn đời (ảnh: Newqq)

Tần Thủy Hoàng dùng ngọc bích họ Hòa đúc tỷ với mong muốn nhà Tần tồn tại muôn đời (ảnh: Newqq)

Nói về thân thế của Hòa thị bích, cũng có câu chuyện hết sức ly kỳ đằng sau. Theo Sử ký, thời Xuân Thu, nước Sở có người tên Biện Hòa nhặt được một khối đá trên núi, cứ khăng khăng nói là ngọc quý. Biện Hòa dâng ngọc lên Sở Lệ Vương. Vua Sở cho gọi thợ ngọc hoàng cung đến xem. Thợ ngọc nói “nó là đá”. Biện Hòa bị chặt mất một chân do “nói dối”.

Sở Võ Vương lên kế vị, Biện Hòa một lần nữa dâng ngọc và tiếp tục bị chặt chân. Đến thời Sở Văn Vương, Biện Hòa lúc đó đã già, ôm ngọc lên núi Kinh Sơn gào khóc thảm thiết. Sách Hàn Phi Tử chép, có người thương tình lại hỏi, Biện Hòa đáp: “Tôi khóc không phải thương hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”.

Sở Văn Vương nghe chuyện, lại triệu Biện Hòa mang ngọc đến xem kỹ lại mới phát hiện đây là khối ngọc rất quý bị bọc trong đá. Sở Văn Vương cảm phục sự kiên trì của Biện Hòa, ban thưởng cho ông rất hậu hĩnh. Khối ngọc vì thế mang tên “ngọc bích họ Hòa”, nổi danh khắp các nước chư hầu thời Xuân Thu. Tuy nhiên, nó cũng mang tiếng là “ngọc hại người”.

Sử ký chép, ở nước Ngụy có người học trò tài giỏi là Trương Nghi. Nghi sang nhà quan lệnh doãn nước Sở là Chiêu Dương uống rượu. Chiêu Dương tính thích khoe khoang, mang Hòa thị bích được vua Sở ban tặng bày ra trước mắt quan khách. Ai nấy đều tranh nhau xem, hỗn loạn được một lúc thì viên ngọc không cánh mà bay. Chiêu Dương tức giận, nghi ngờ Trương Nghi lấy trộm nên đánh gần chết. Nghi quyết không nhận tội, về sau bỏ trốn sang nước Tần.

Sau khi làm đến chức thừa tướng nước Tần, Trương Nghi viết thư cho Chiêu Dương: “Trước ta sang nhà uống rượu, ta không lấy ngọc của ngươi, người lại lấy roi đánh ta. Ngươi lo mà giữ nước cho khéo, có ngày ta đánh đến lấy thành nước Sở”.

Ngọc tỷ - biểu tượng quyền lực của vua chúa (ảnh minh họa: Sohu)

Ngọc tỷ - biểu tượng quyền lực của vua chúa (ảnh minh họa: Sohu)

Nói được làm được, Trương Nghi sau đó lập kế phá vỡ liên minh quân sự Sở - Tề. Sở Hoài Vương đem quân đánh Tần, đại bại ở trận Đơn Dương, thiệt 8 vạn quân. Vùng đất Hán Trung của Sở cũng bị Tần chiếm.

Ngọc bích họ Hòa sau đó lưu lạc đến nước Triệu, Tần Chiêu Vương nghe tin, muốn đem 15 tòa thành đổi lấy ngọc. Vua Triệu sợ bị Tần đem quân đánh, bất đắc dĩ phải dâng ngọc nhưng lại sợ không lấy được thành. Trong lúc khó xử, vua Triệu phải nhờ đến Lạn Tương Như, một người nổi tiếng trí dũng, mang ngọc bích đến đất Tần.

Tần Chiêu Vương có được ngọc, quả nhiên muốn bội ước, không trả thành cho nước Triệu. Lạn Tương Như bày kế dọa đập vỡ Hòa thị bích, vua Tần hoảng sợ, phải trả lại ngọc cho Triệu.

Năm 228 TCN, Tần Thủy Hoàng diệt nước Triệu, chiếm được ngọc bích quý giá, đúc thành ngọc tỷ với mong muốn triều đại của mình truyền mãi đến muôn đời.

Tuy nhiên, tham vọng mà Tần Thủy Hoàng gửi gắm trong ngọc tỷ không kéo dài được lâu. Tần Nhị Thế Hồ Hợi – con trai thứ 2 của Tần Thủy Hoàng – nối ngôi không được bao lâu thì bị Triệu Cao giết. Triệu Cao cướp được ngọc tỷ nhưng không thể khuất phục quần thần, phải lập Doanh Tử Anh – một người trong hoàng thất nhà Tần – làm vua, lấy hiệu là Tần Tam Thế.

Cơ nghiệp nhà Tần nhanh chóng sụp đổ khi Lưu Bang kéo vào Hàm Dương năm 206 TCN. Lưu Bang có được ngọc tỷ, nhưng phải nộp lại cho đối thủ là Hạng Vũ. Năm 202, Lưu Bang giành chiến thắng trong chiến tranh Hán – Sở, ngọc tỷ lại về với nhà Hán.

Lưu Bang có được ngọc tỷ, sáng lập nhà Hán (ảnh minh họa: Qulishi)

Lưu Bang có được ngọc tỷ, sáng lập nhà Hán (ảnh minh họa: Qulishi)

Nhà Hán kéo dài suốt hơn 400 năm, trong thời gian này, chỉ có một lần duy nhất ngọc tỷ lọt khỏi tay hoàng tộc họ Lưu đó là sự kiện Vương Mãng cướp ngôi.

Năm 8 SCN, Vương Mãng – quan đại thần nhà Hán – tuyên bố phế bỏ Hán đế Lưu Anh mới 4 tuổi, tự lập làm vua. Vương Mãng sai người đến đòi Thái hậu Vương Chính Quân nộp ngọc tỷ. Vương Chính Quân tức giận ném ngọc tỷ xuống đất làm sứt mất một góc, Vương Mãng sai người lấy vàng bịt lại. Đây là dấu hiệu để các hoàng đế Trung Hoa đời sau phân biệt ngọc tỷ thật – giả, theo Sohu.

Năm 25 SCN, Lưu Tú – người thuộc hoàng tộc nhà Hán – đánh bại tất cả các thế lực cát cứ, một lần nữa thống nhất Trung Hoa, lập ra nhà Đông Hán. Ngọc tỷ lại về tay Lưu Tú.

Tam Quốc chí của Trần Thọ chép, cuối thời Đông Hán hoạn quan làm loạn trong cung, Đổng Trác kéo quân vào kinh thành Lạc Dương đánh dẹp. Trong tình hình hỗn loạn, ngọc tỷ cũng biến mất không rõ tăm hơi.

Năm 190, Tôn Kiên – một viên tướng trong các lộ chư hầu hợp sức đánh Đổng Trác – kéo quân vào Lạc Dương. Trong lúc dọn dẹp hoàng cung, binh sĩ của Tôn Kiên thấy dưới giếng Chân Cung xuất hiện ánh sáng le lói, xuống mò thì thấy ngọc tỷ. Tôn Kiên chiếm được ngọc tỷ, giấu làm của riêng.

Ngọc tỷ truyền qua nhiều đời vua Trung Quốc, tung tích ngày càng trở nên mơ hồ (ảnh: Qulishi)

Ngọc tỷ truyền qua nhiều đời vua Trung Quốc, tung tích ngày càng trở nên mơ hồ (ảnh: Qulishi)

Trong thời kỳ Tam Quốc loạn lạc, các thế lực cát cứ không ngừng thanh trừng, thâu tóm đất đai đối thủ, ngọc tỷ vì thế cũng không ngừng đổi chủ từ Viên Thuật, Tào Tháo, nhà Tấn, nhà Tùy… cho đến năm 621 thì rơi vào tay Đường Cao Tổ Lý Uyên.

Ngọc tỷ yên ổn trong hoàng cung nhà Đường được gần 300 năm thì xảy ra sự kiện Chu Ôn cướp ngôi, lập ra nhà Hậu Lương năm 907. Ngọc tỷ bị Chu Ôn chiếm giữ. Đến năm 923, Lý Tồn Úc – người trong hoàng tộc nhà Đường – đem quân tiêu diệt Hậu Lương, lập ra triều Hậu Đường. Ngọc tỷ lại rơi vào tay Đường Trang Tông Lý Tồn Úc.

Năm 936, Thạch Kính Đường – một viên tướng trấn thủ biên giới nhà Hậu Đường – câu kết với người Khiết Đan đem quân lật đổ Hậu Đường, chiếm đoạt ngọc tỷ, lập ra nhà Hậu Tấn.

 Hành động bán nước và cúi đầu trước ngoại bang của Thạch Kính Đường khiến người dân căm giận, nổi loạn khắp nơi. Trung Hoa vì vậy trải qua thời kỳ Ngũ đại Thập quốc đầy biến động. Mãi tới năm 960, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận một lần nữa thống nhất lãnh thổ, lập ra nhà Tống. Ngọc tỷ được Tống Thái Tổ thu hồi.

Năm 1127, xảy ra sự kiện Tĩnh Khang, 2 vua Tống là Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông bị quân Kim bắt làm tù binh, cướp cả ngọc tỷ về nước Kim. Năm 1234, Mông Cổ diệt nước Kim, chiếm được ngọc tỷ. Năm 1271, Hốt Tất Liệt thành lập nhà Nguyên. Đến năm 1368, nhà Nguyên bị Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đánh bại, rút chạy về Mông Cổ, đem theo cả ngọc tỷ.

Minh sử chép, Chu Nguyên Chương đánh vào Đại đô (Bắc Kinh), thu được tổng cộng 11 ấn ngọc, không có cái nào là ấn của hoàng đế (nhà Nguyên). Chu Nguyên Chương có thiên hạ nhưng không có được ngọc tỷ truyền quốc. Đây cũng là điều ông hối tiếc nhất sau khi làm vua.

Năm 1616, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống nhất các bộ tộc người Nữ Chân, lập ra nhà Hậu Kim. Người Mông Cổ sợ uy thế nhà Hậu Kim, phải đem ngọc tỷ cống nạp. Hoàng Thái Cực – con Nỗ Nhĩ Cáp Xích – sau đó xâm lược thành công Trung Hoa, sáng lập nhà Thanh.

Triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc bị lật đổ, ngọc tỷ truyền quốc cũng biến mất theo (ảnh: Kknews)

Triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc bị lật đổ, ngọc tỷ truyền quốc cũng biến mất theo (ảnh: Kknews)

Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi thành công, vua Phổ Nghi của nhà Thanh bị phế bỏ, Trung Hoa Dân Quốc thành lập. Tung tích ngọc tỷ truyền quốc từ thời điểm này trở nên không rõ ràng.

Theo Sohu, Phùng Ngọc Tường – sĩ quan cao cấp của Viên Thế Khải (Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc) – đã đem ngọc tỷ của Phổ Nghi giao cho Bảo Tàng Cố Cung (Bắc Kinh). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia sau đó phát hiện ra đây không phải ngọc tỷ truyền quốc thật. Năm 1948, Phùng Ngọc Tường chết trong một vụ tai nạn tàu ở Biển Đen, nơi cất giấu ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng chìm vào bí ẩn.

Cũng có ý kiến cho rằng, ngọc tỷ truyền quốc khắc 8 chữ “thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương” thực ra đã mất tích vào thời điểm Thạch Kính Đường cướp ngôi Hậu Đường, khi vua Lý Tòng Kha ôm ấn ngọc tự thiêu cùng hoàng thất ở lầu Huyền Vũ, theo Qulishi.

Dấu vết ngọc tỷ lưu lạc dân gian cũng được ghi lại trong lịch sử. Theo Toàn thư lịch sử Trung Quốc, năm 1097 thời Tống Triết Tông, có người nông dân tên Đoàn Nghĩa ở Hà Nam đào móng nhà phát hiện một ngọc ấn. Hơn 10 học sĩ được gọi đến giám định đều nói đây là ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng. Khối ngọc sau đó được mang về cất trong cung.

Năm 1501 thời Minh Hiếu Tông (nhà Minh), lại có người đào được một ngọc tỷ, nhưng hoàng đế cho rằng đây không phải ngọc tỷ truyền quốc.

Năm 1738 thời Càn Long (nhà Thanh), có người phát hiện khối ngọc tỷ giấu trong cung, nghi là ngọc tỷ của Tần Thủy Hoàng. Càn Long xem qua nói “nó chỉ là thứ đồ chơi mà thôi”.

Nguồn: [Link nguồn]

Sức mạnh quân sự từng khiến nhiều quốc gia khiếp sợ của Nhật Bản

Giai đoạn đầu Chiến tranh Thế giới thứ 2, quân đội Nhật Bản khiến nhiều đối thủ phải khiếp sợ vì sự tàn bạo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN