Áp lực an ninh, Hàn Quốc thành 'đại gia' bán vũ khí

Hàn Quốc ngày càng đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp vũ khí nội địa trong bối cảnh nước này đối mặt với mối đe dọa không ngớt từ Triều Tiên.

Báo Diplomat (Nhật) ngày 12-12 cho hay Hàn Quốc đã trở thành một nhà xuất khẩu vũ khí lớn trong bối cảnh Seoul nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng để đối phó mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 11-12, xuất khẩu vũ khí của các công ty Hàn Quốc đã tăng 20,6% so với năm trước. Năm 2016, tổng 8,4 tỉ USD vũ khí đã được Hàn Quốc xuất khẩu.

SIPRI đánh giá Hàn Quốc hiện thống trị thị trường mua bán vũ khí xét theo tiêu chí các nhà sản xuất mới nổi, trong đó có Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Mối đe dọa liên tục và ngày một tăng đã buộc Hàn Quốc tăng cường sở hữu các trang thiết bị quân sự. Do đó nước này đã đẩy mạnh ngành công nghiệp vũ khí để đáp ứng nhu cầu vũ khí của mình. Cùng lúc đó, Hàn Quốc nhắm tới mục tiêu trở thành một nhà xuất khẩu vũ khí lớn” – nhà nghiên cứu Siemon Wezeman tại SIPRI cho biết.

Áp lực an ninh, Hàn Quốc thành 'đại gia' bán vũ khí - 1

Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai hạ thủy chiếc tàu ngầm lớp Son Won II 1.800 tấn ở Ulsan. Ảnh: GETTY

Hàn Quốc bắt đầu xây dựng nền công nghiệp quốc phòng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Park Chung-hee vào những năm 1970. Khoảng 100 công ty quốc phòng tại Hàn Quốc hiện sản xuất thiết bị quân sự cho cả khách hàng nội địa và quốc tế, gồm Samsung, tập đoàn Công nghiệp vũ trụ Hàn Quốc (KAI) và công ty quốc phòng LIG Nex1.

Số công ty trên đã tăng lên khoảng 400 nếu tính cả các công ty liên kết. Ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đã tạo ra được nhiều sản phẩm. Ví dụ, Hàn Quốc có chương trình tên lửa đạn đạo và hành trình phát triển nhanh. Nước này chế tạo được một trong những súng bắn đạn trái phá 155 li tự hành tiên tiến nhất thế giới.

Trong khi đó, Hyundai Rotem K2 được xem là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất thế giới. Hơn nữa, KAI và tập đoàn Airbus của châu Âu đang hợp tác phát triển trực thăng dân sự hạng nhẹ (LCH) thế hệ mới và trực thăng vũ trang hạng nhẹ (LAH) với ước tính 1,4 tỉ USD. KAI cũng đang nghiên cứu chế tạo chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới KF-X cùng đối tác là Indonesia.

Hồi tháng 9, tập đoàn đóng tàu công nghiệp nặng Hyundai (HHI) đã hạ thủy chiếc tàu ngầm tấn công diesel - điện lớp Son Won II thứ 9. Trong khi đó, tập đoàn cơ khí hàng hải và đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc đang đóng các biến thể dựa trên mẫu tàu ngầm tấn công Type 209 của Đức cho hải quân Indonesia.

Tại sao Hàn Quốc phát nhạc K-Pop ở biên giới giáp Triều Tiên?

Dọc theo biên giới giáp Triều Tiên, hệ thống đài phát thanh của Hàn Quốc phát về mọi thông tin như cuộc sống ở Hàn Quốc,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BẢO ANH (PLO)
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN