10 năm vụ máy bay chở 155 người hạ cánh "liều" nhất lịch sử: Ký ức kinh hoàng

Ranh giới giữa sự sống và cái chết luôn mong manh. Những người sống sót sau câu chuyện hạ cánh máy bay trên mặt nước được biết đến dưới cái tên “Phép thần kỳ trên sông Hudson” 10 năm về trước lại càng ghi nhớ hơn ai hết khoảnh khắc họ đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

10 năm vụ máy bay chở 155 người hạ cánh "liều" nhất lịch sử: Ký ức kinh hoàng - 1

 Hình ảnh 155  hành khách đứng kín 2 cánh máy bay trong lúc chờ lực lượng cứu hộ đến giải cứu.

Quyết định trong tích tắc và cú hạ cánh thần kỳ trên mặt sông

Một ngày tháng 1 giữa tiết trời giá lạnh nước Mỹ 10 năm trước, cơ trưởng Sully Sullenberger của hãng hàng không US Airways tiếp tục công việc hàng ngày của mình như ông đã làm suốt gần 30 năm nay. Hôm ấy, ông phụ trách điều khiển chuyến bay mang số hiệu 1549 khởi hành từ sân bay La Guardia (New York) đến sân bay Charlotte (Bắc Carolina).

Chuyến bay dự kiến hoàn thành trong 2 giờ, thời tiết lạnh buốt nhưng bầu trời quang đãng. “Hôm nay là một ngày đẹp trời” – cơ trưởng Sully quay ra nói với cơ phó Jeff Skiles.

Máy bay chở theo 150 hành khách và 5 người trong phi hành đoàn rời khỏi sân bay La Guardia lúc 3 giờ chiều và đạt trạng thái ổn định ở độ cao gần 1000m sau 5 phút cất cánh.

Đột nhiên, một tiếng nổ lớn phát ra từ phía mạn phải máy bay. Lửa bốc lên dữ dội đến nỗi mọi người có thể quan sát từ chỗ ngồi của mình. Mùi khét lẹt của động cơ cháy xộc vào cabin làm ai nấy hoảng hốt. Chiếc máy bay bỗng giảm độ cao một cách đột ngột.

Những người có mặt trên chuyến bay lúc ấy không hề hay biết máy bay vừa va chạm mạnh với một đàn chim. Những con chim bay theo đàn không bao giờ xuất hiện trên màn hình radar của bộ phận kiểm soát không lưu – nơi theo dõi và chỉ dẫn hướng bay an toàn. Với vụ va chạm ở tốc độ cao, hậu quả để lại lớn hơn những gì có thể tưởng tượng, máy bay trong phút chốc mất hoàn toàn 2 động cơ.

Một khoảng im lặng bao trùm trong cabin, những suy nghĩ tồi tệ liên tục xuất hiện trong đầu hành khách. Trong buồng lái, cơ trưởng Sully liên lạc với đài kiểm soát dưới mặt đất về việc máy bay va chạm với đàn chim ở độ cao 1000m khiến 2 động cơ đều không hoạt động và chuẩn bị quay về sân bay La Guardia.

Nhưng rồi cũng chính cơ trưởng Sully, với kinh nghiệm làm phi công dày dặn từ năm 1980 và trải qua 20.000 giờ bay trên không trung chợt nhận ra việc quay trở về sân bay La Guardia hay chọn một sân bay khác ở New Jersey gần đấy đều không đủ thời gian.

Một khoảng im lặng diễn ra trước khi cơ trưởng Sully nói với vị cơ phó: “Chúng ta không thể thực hiện việc quay về. Chúng ta sẽ hạ cánh trên sông Hudson” rồi ông ra lệnh cảnh báo đến tất cả hành khách: “Cơ trưởng xin thông báo, tất cả hành khách ổn định chỗ ngồi, vào tư thế an toàn”.

Quyết định táo bạo nhất sự nghiệp của vị phi công này mà cũng có thể là sự lựa chọn liều lĩnh nhất lịch sử ngành hàng không đã được đưa ra trong vài phút như thế.

Máy bay lao vút xuống mặt sông Hudson với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với tốc độ hạ cánh thông thường.

10 năm vụ máy bay chở 155 người hạ cánh "liều" nhất lịch sử: Ký ức kinh hoàng - 2

 Cơ trưởng Sully Suberger – người được ví là “anh hùng của nước Mỹ” vì đã hạ cánh thành công máy bay hỏng cả 2 động cơ xuống mặt sông mà không có thiệt hại về người nào.

Tác động từ vụ va chạm mạnh đến nỗi một phần thân máy bay nứt gãy nứt, dòng nước ào ạt tràn vào phía sau cabin. Điều kỳ diệu nhất là sau cú hạ cánh, tất cả hành khách đều an toàn, chỉ có duy nhất 1 tiếp viên và 4 hành khách bị thương nhẹ. Những người khác chủ yếu bị bầm tím, hạ thân nhiệt do va đập. Mọi người được sơ tán ra khỏi máy bay khẩn cấp, đội cứu hộ đã được thông báo trước về vụ việc nhanh chóng có mặt.

Sau đó, cơ trưởng Sully cùng các đồng đội được cả nước Mỹ tuyên dương vì hành động dũng cảm, liều lĩnh nhưng đúng lúc đã cứu mạng thành công 155 hành khách. Theo như tờ The Wall Street Journal miêu tả, cơ trưởng Sully "đã đạt được 1 kỳ công thử thách kỹ thuật nhất và hiếm có nhất trong hàng không dân dụng".

Tuy được ca tụng là “người hùng của nước Mỹ”, cơ trưởng Sully vướng phải nhiều rắc rối sau đấy khi truyền thông cùng công chúng đặt câu hỏi về việc liệu ông Sully có đủ thời gian quay lại sân bay thay vì lựa chọn phương án nguy hiểm hơn. Qua rất nhiều các cuộc thẩm tra, giả định tình huống, quyết định của cơ trưởng Sully cuối cùng cũng được chứng minh là lựa chọn tối ưu vào thời điểm ấy.

Câu chuyện được nhắc đến dưới cái tên “Phép màu trên sông Hudson” sau đó được đưa lên màn ảnh Hollywood năm 2016 với diễn viên nổi tiếng Tom Hanks thủ vai cơ trưởng Sully.

Những người sống sót 10 năm sau tai nạn

Đối với những người có mặt trên chuyến bay của hãng hàng không US Airways, ngày 15.1 của 10 năm trước là một ký ức không thể nào quên.

Khi máy bay bắt đầu lao vun vút từ bầu trời xuống vùng nước lạnh lẽo của dòng sông Hudson, Jeff Kolodjay bắt đầu nghĩ đến người vợ đang mang thai của mình. Ý nghĩ mình sẽ không bao giờ gặp được đứa con trai đầu lòng vụt qua đầu Jeff.

Khi ấy, Jeff mới 31 tuổi, ngồi ở vị trí 22A trên máy bay. Lúc động cơ bên trái đột ngột bốc cháy, Jeff phần nào linh cảm máy bay đang gặp sự cố. Tuy nhiên, thực tế còn nghiêm trọng hơn những gì Jeff nghĩ. Một lúc sau, chiếc máy bay mất nốt động cơ còn lại.

 “Tôi đang cố hình dung ra điều gì xảy đến với máy bay. Và rồi, tôi nhớ tới người vợ đang mang thai 3 tháng ở nhà, cả khao khát được làm cha của tôi lớn thế nào và giờ đây, có thể tôi sẽ không bao giờ có cơ hội gặp mặt đứa con bé bỏng của mình” – người đàn ông giờ là cha của hai bé trai 6 và 9 tuổi, hồi tưởng lại.

“Các hành khách có thể thấy máy bay ngày càng hạ thấp độ cao và bắt đầu lao về phía mặt nước” - Jeff đã hoảng loạn năm phút trước khi cơ trưởng Sully Sullenberger điều khiển máy bay đâm xuống dòng sông Hudson.

Người đàn ông này vẫn không thể tin đã 10 năm trôi qua kể từ ngày sống sót thần kỳ: “Tôi sẽ không dùng từ “cảm xúc” để nói về câu chuyện này. “Cảm xúc” không đủ diễn tả những gì diễn ra vào ngày hôm đó”.

10 năm vụ máy bay chở 155 người hạ cánh "liều" nhất lịch sử: Ký ức kinh hoàng - 3

 Tripp Harris, 49 tuổi – một trong 155 hành khách sống sót sau vụ tai nạn chụp ảnh tại nơi máy bay đã hạ cánh trên mặt sông 10 năm về trước.

Một hành khách khác trên máy bay – Tripp Harris bày tỏ chuyến bay định mệnh ấy đã khiến anh trở thành người đàn ông tốt hơn. “Giờ đây, mọi điều tôi nghĩ tới là những thứ tôi sẽ bỏ lỡ nếu bỗng một ngày tôi ra đi. Chuyến bay về cơ bản đã thay đổi những ưu tiên trong cuộc sống của tôi”  - Harris chân thành nói.

Steve O’Brien – một người sống sót khác trên chuyến bay cũng chung suy nghĩ tương tự: “Sau khi thoát chết ngày hôm ấy, tôi biết quý trọng mọi thứ xung quanh dù là nhỏ bé nhất, chính những điều tưởng ít giá trị đó làm nên cuộc đời bạn và sẽ là những điều bạn nuối tiếc nhất khi không còn trên cõi đời này nữa”.

Cú hạ cánh “diệu kỳ” ấy đã thay đổi cuộc đời nhiều người nhưng đồng thời cũng trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người khác. Một người phụ nữ trên chuyến bay hôm ấy đã phải mất hơn 1 năm để phục hồi lại tinh thần sau căng thẳng từ vụ tai nạn. Nhiều người khác không thể vượt qua cảm giác bất an, lo sợ khó kiểm soát do ý nghĩ về vụ tai nạn luôn xuất hiện khi đi máy bay sau này.

10 năm vụ máy bay chở 155 người hạ cánh "liều" nhất lịch sử: Ký ức kinh hoàng - 4

 Hành khách Steve O’brien cùng bức tranh ghi lại cảnh tượng vụ hạ cánh. Người đàn ông đã đóng khung, treo bức tranh trong ngôi nhà mình để kỷ niệm sự kiện đáng nhớ.

Về phần cơ trưởng Sully, khi được hỏi ký ức về chuyến bay đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của mình, vị phi công có bộ tóc bạc trắng chia sẻ tất cả những gì ông nhớ khi ấy là máy bay đã mất hoàn toàn 2 động cơ chính và việc hạ cánh chỉ còn biết phụ thuộc vào trọng lực.

“Khi chuẩn bị việc hạ cánh, tôi đã tưởng tượng đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng rồi máy bay vẫn nổi trên mặt nước, tôi và cơ phó Jeff Pikes đã ôm chầm lấy nhau sung sướng vì mọi chuyện không hề tồi tệ như chúng tôi nghĩ” – ông nhớ lại.

1 năm sau ngày thực hiện cú hạ cánh trên mặt sông “thần kỳ”, vị phi công kỳ cựu xin nghỉ hưu.

Kỷ niệm 10 năm “Phép màu trên sông Hudson” xảy ra, nhóm những người sống sót  tập trung tại Bảo tàng Hàng không Carolina ở Charlotte (Mỹ) để cùng nướng bánh mỳ đen và ôn lại những câu chuyện đáng nhớ về ngày định mệnh ấy.

10 năm vụ máy bay chở 155 người hạ cánh "liều" nhất lịch sử: Ký ức kinh hoàng - 5

 Tàu cứu hộ thực hiện công việc trục vớt máy bay ra khỏi lòng sông

Vụ khách bị hút ra cửa sổ máy bay Mỹ: Tiếp viên kể chi tiết rợn người

Một tiếp viên hàng của hãng hàng không Mỹ Southwest vừa kể lại chi tiết về chuyến bay có một hành khách bị hút ra ngoài...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo My Lê - NY Post ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN