Tuyến du lịch trên sông Hàn: Kém hiệu quả

Việc phát triển tuyến du lịch đường sông (DLĐS) trên sông Hàn, Đà Nẵng từng được kỳ vọng trở thành một trong những điểm sáng du lịch của thành phố, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch để phục vụ du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Đà Nẵng. Thế nhưng, những năm gần đây, việc đầu tư kinh doanh vào lĩnh lực này có nguy cơ "chết yểu" bởi rất nhiều nguyên nhân.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Duy- Phó Giám đốc Tàu du lịch sông Hàn (thuộc Cty CPXD điện-VNECO11), cho biết: Nói về thương hiệu kinh doanh khai thác khách DLĐS trên sông Hàn những năm qua thì đơn vị chính là thương hiệu lớn nhất khai thác tiềm năng này. Ngay từ năm 1997, được sự cho phép của thành phố, Cty đã đưa vào sử dụng con tàu được thiết kế 3 tầng, có thể chở hơn 250 hành khách với kinh phí theo thời giá lúc đó gần 5 tỷ đồng (cũng theo anh Duy thì hiện nay, để đóng được con tàu như thế cũng phải mất hơn 10 tỷ đồng-P.V).

Sau khi đưa vào hoạt động, con tàu trở thành một địa chỉ hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Đà Nẵng, thưởng ngoạn vẻ đẹp hai bên sông Hàn. Nếu trước đây, hằng năm, vào mùa du lịch (tháng 3 đến tháng 9), tàu phục vụ từ 15 ngàn 20 ngàn du khách thì năm 2009 đến nay, lượng khách tham quan theo tour giảm sút thê thảm, chỉ còn 3 đến 4 ngàn du khách/1 năm.

Tuyến du lịch trên sông Hàn: Kém hiệu quả - 1

Anh Duy chỉ mặt tiền của bến thuyền giờ làm nơi tạm trú cho các đơn vị thi công cầu Rồng nên không có chỗ cho khách lên tàu tham quan

Nói về nguyên nhân giảm sút du khách, anh Duy cho rằng chính là việc đóng luồng tour mà phía Cty đã đăng ký chạy tàu theo lịch trình trước đây: Bến thuyền Bảo tàng Điêu khắc Chăm- cầu Sông Hàn- cầu Thuận Phước và ngược lại vì việc thi công cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi hạn chế tàu thuyền qua lại. Do vậy, tour chỉ còn chạy quanh trong "ốc đảo" giữa cầu Rồng và cầu Nguyễn Văn Trỗi. Đó là chưa kể mặt Bến thuyền Bảo tàng Điêu khắc Chăm, nơi đơn vị thuê thời hạn 20 năm để làm chỗ đưa du khách lên tàu phải nhường lại cho các đơn vị thi công cầu Rồng "tạm trú".

Chính vì những trắc trở đó, sức hút của tour cứ ngày càng ít dần du khách, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của đơn vị, tác động rất lớn đến đời sống nhân viên. Đơn cử, trước đây trên tàu có tất cả 40 nhân viên phục vụ gồm: lái tàu, nhân viên nhà hàng, phụ bếp... thì nay phải cắt giảm chỉ còn 16 người với quỹ lương chi gần 50 triệu đồng/tháng, trong khi nguồn thu thì lại rất cạn kiệt vì vắng du khách.

Tuyến du lịch trên sông Hàn: Kém hiệu quả - 2

Khó khăn là vậy nhưng cũng không thể dừng hoạt động được, như thế sẽ mất thương hiệu sau này rất khó lấy lại nguồn khách thân thuộc bao nhiêu năm qua. Ngoài ra, để duy trì độ an toàn cho tàu, cứ 2 năm một lần, Cty phải đưa tàu lên bờ 4 tháng để duy tu bảo dưỡng, chi phí cũng mất hơn 600 triệu đồng. Trong khi đó, anh Trần Văn Tạo, chủ tàu của Cty du lịch Mỹ Xuân, địa điểm neo đậu đón khách gần cầu Sông Hàn, đường Bạch Đằng cho hay: Năm 2010, anh mua lại chiếc tàu cá cũ công suất 72 CV, sau đó hoán cải, sửa sang tổng cộng mất hơn 300 triệu đồng (đóng mới khoảng 1 tỷ đồng) thành tàu 25 chỗ ngồi phục vụ đưa khách tham quan tuyến đường sông Cổ Cò, Túy Loan và tuyến đường Biển ra Bãi Bắc (Q.Sơn Trà).

Năm đầu đưa vào hoạt động làm ăn cũng tạm được, tổng thu khoảng 80 triệu đồng/1 mùa du lịch, càng về sau lượng khách càng ít dần, trong khi chi phí lại khá lớn: Mua bảo hiểm tàu mất 8 triệu đồng/năm, chi phí sửa chữa tàu định kỳ hằng năm mất 10 triệu đồng và chi phí cho 2 nhân viên phục vụ tàu hơn 20 triệu đồng/năm... do vậy, lợi nhuận thu lại cũng chẳng được nhiều, rất khó để tái đầu tư lớn hơn. Nói về thực trạng du khách ít mặn mà với tour DLĐS, anh Tạo cho biết thêm: Dù cách đây mấy năm thành phố đã có chủ trương xác định DLĐS là điểm khai thác mới đầy tiềm năng nhưng hạ tầng liên quan như: Cầu cảng đón khách, điểm dừng tham quan... gần như là con số không (?). Bên cạnh đó, di tích, thắng cảnh hai bên bờ sông, biển thì quá nghèo nàn, do vậy việc du khách quay lưng với tour này cũng là điều dễ hiểu.

Tuyến du lịch trên sông Hàn: Kém hiệu quả - 3

Nội thất khang trang của Tàu du lịch sông Hàn

Liên quan đến việc phát triển du lịch đường thủy trên sông Hàn, ông Huỳnh Đức Trung-Phó phòng Quản lý lữ hành, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, cho rằng: Đến nay, đã có 13 tàu thuyền đăng ký khai thác DLĐS trên sông Hàn. Trong đó, đa phần là những tàu cá được hoán đổi để chuyển mục đích sử dụng sang phục vụ khách tham quan du lịch. Do vậy, chất lượng nhân viên phục vụ, kỹ năng lái tàu... còn khá thấp so với yêu cầu đặt ra. Điều đó dẫn đến việc các đơn vị kinh doanh du lịch đường sông chưa thể khai thác một cách hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có từ cảnh quan bên bờ sông Hàn cũng như ưu thế về tiềm năng du lịch còn rất lớn mà Đà Nẵng có được để phục vụ du khách. Dù vậy, ông Trung vẫn thẳng thắn nhìn nhận về cơ sở vật chất như: Bến cảng, tàu thuyền, nguồn nhân lực... còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc khai thác hiệu quả tuyến du lịch này.

Vì vậy, thời gian đến, Sở VH-TT&DL đang xây dựng kế hoạch khai thác du lịch sông Hàn năm 2012-2015 để trình UBND thành phố xem xét triển khai một số nội dung: Xây dựng bến đỗ du thuyền, thành lập đội tàu du lịch theo quy chuẩn (kích thước, trình độ nhân viên...); thử nghiệm đưa các loại hình văn hóa đặc sắc như: Hát bài chòi, biểu diễn các nhạc cụ truyền thống dân tộc vào tour DLĐS... Có như vậy, hy vọng sẽ mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút du khách, xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Lịch (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN