Tình yêu không có tuổi

Vợ chồng cụ Nguyễn Tiền và Nguyễn Thị Hai (cùng 109 tuổi, ở thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) “nổi tiếng” ở làng không chỉ bởi sống thọ mà còn bởi tình yêu họ dành cho nhau keo sơn, thắm thiết.

Hỏi thăm nhà cụ Tiền, người dân ở thôn Sơn Phước hầu như ai cũng biết. Con đường ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi dừng trước một căn nhà cấp bốn nhỏ nhưng trông rất tươm tất. Cụ ông đang ngồi đọc báo cho cụ bà nghe và dường như không để ý đến mọi vật xung quanh.

Kể lại chuyện tình ngày xưa cách đây hơn... 70 năm, cụ bà Hai còn đỏ mặt thẹn thùng: “Từ khi chúng tôi còn bé, hai gia đình đã thường xuyên qua lại rất thân thiết và nhận cau trầu của nhau”. Chàng thợ dệt Nguyễn Tiền ngày ấy cứ ngày ngày vượt sông Bà Rén tìm cớ sang nhà cô Hai chơi, nghiện cái món mì Quảng rồi “nghiện” vẻ mặn mòi, duyên dáng của người con gái ấy lúc nào không hay. Thêm sự hậu thuẫn của cả hai bên gia đình, ông bà kết duyên thành vợ thành chồng và đàn con xinh xắn lần lượt ra đời. Rồi chiến tranh nổ ra, khi ông tham gia hoạt động bí mật thì cái quán nhỏ của bà trở thành nơi liên lạc, nuôi giấu cán bộ. Những lần ông bị bắt vì chỉ điểm, bà một mình chạy vạy nuôi 6 người con. Ấy vậy mà tuần nào người ta cũng thấy bà lên thăm ông, tay xách đủ thứ món ăn mà ông ưa thích. Nhìn ông gầy yếu, xanh xao đi nhiều, bà không cầm được nước mắt. “Tui không sao đâu. Đừng lo. Tui phải cố sống để về với mình chứ”, ông bảo.

Tình yêu không có tuổi - 1

Tình yêu dành cho nhau giúp ông Tiền và bà Hai sống vui khỏe, lạc quan hơn

Sau khi được trao trả tự do, hòa bình lập lại, ông bà dắt díu nhau cùng đàn con lên vùng đồi núi thuộc xã Hòa Ninh (H. Hòa Vang) khai khẩn đất đai, tìm kế sinh nhai. Rồi những năm 1976, 1977, bà Hai trở thành chủ quán bánh bèo nổi tiếng ở xã Hòa Ninh và người ta gọi con đường lên nơi đây là “ngã ba bánh bèo”. Có lần ông bị ốm nặng nhưng chỉ nằm đến ngày thứ 3 là ông dậy đi làm. Bà lo nên bảo ông nghỉ thêm nhưng ông nhất định không nghe bởi “thấy một mình mình lo miếng ăn cho cả nhà vất vả quá, tui nằm không đặng”. Ông làm thợ nề, rồi thợ hồ, thợ mộc... nghề gì cũng làm miễn kiếm ra tiền nuôi vợ con. Lần nào đi đâu xa về, ông cũng mua quà cho cả nhà, nhất là quà riêng cho bà, khi thì cái lược, cái áo, có khi là một chiếc trâm cài đầu rất xinh. Thói quen ấy theo ông cho đến mãi bây giờ.

Đã hàng chục năm rồi, cứ chiều chiều, người ta lại thấy ông Tiền đọc báo cho vợ nghe trên bậc thềm trước nhà, thỉnh thoảng họ lại chuyện trò rồi cười rất vui vẻ. Mắt ông cụ đã mờ nên đọc câu được, câu mất, có khi không rõ tiếng nhưng bà Hai vẫn lắng nghe xem chừng thích thú lắm. Dù có với nhau 9 người con với tổng cộng 27 cháu chắt nội ngoại nhưng ông bà nhớ mặt từng đứa. Biết ông có thói quen đi ngủ không chịu bỏ màn nên lúc nào bà cũng đợi đến đêm, khi ông ngủ say lại lặng lẽ đắp chăn và bật quạt cho ông. Bây giờ, ông vẫn giữ thói quen chỉ ăn cơm do chính tay bà nấu. Biết ông ăn ngọt, bà bảo các con luôn mua sẵn bánh, sữa để khi nào ông thích thì dùng.

“Tui đã sống ở đây nhiều năm nhưng không thấy khi nào ông bà to tiếng với nhau, các con, cháu đều kính yêu hai cụ”, bà Nguyễn Thị Na, hàng xóm ông bà cho biết. Sống chỉ với số tiền phụ cấp khoảng gần 1 triệu đồng, các con cũng làm nghề tự do nên không phụ giúp được gì nhiều nhưng chưa bao giờ thấy ông bà buồn rầu về chuyện đó. “Vợ chồng mình ăn cũng đâu có nhiều. Chỉ mong sớm tối có nhau, có các cháu, các con xung quanh là vui rồi”, cụ Hai cắt nghĩa giản dị về ý nghĩa cuộc sống mà sao tôi thấy thấm thía quá chừng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Vy (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN