Tác giả những quả mìn hẹn giờ đầu tiên của Khu V

Năm 1951, kho xăng Nại Hiên (Sơn Trà) của Pháp bị nổ tan tành. 2 triệu lít xăng, 16 vạn lít dầu bị tiêu hủy. Pháp loan tin “kho xăng bị một đại đội Việt Minh sử dụng vũ khí tối tân tấn công”. Song chúng không thể ngờ rằng “loại vũ khí tối tân” đó được một chiến sĩ chế tạo từ một xưởng quân giới dã chiến đóng giữa rừng...

Tác giả của “loại vũ khí tối tân” là ông Phạm Văn Thạnh, hiện trú tổ 70, P.  Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu, Đà Nẵng.

62 năm trôi qua, nhưng sự kiện “kho xăng Nại Hiên” với ông Thạnh vẫn là những ký ức còn nóng hổi. Tham gia cách mạng, có năng khiếu chế tạo nên ông Thạnh trở thành chiến sĩ quân giới, đầu tiên là xưởng quân giới Nho – Bán (lấy tên cả 2 liệt sĩ Nguyễn Văn Nho và Trần Văn Bán, sau này được đổi tên thành Xưởng quân giới QB 160), từ Thanh Chiêm (Điện Bàn). Sau đó, ông Thạnh theo chân xưởng di chuyển khắp nơi, hết Mỹ Sơn, đến Tí Sé – Dùi Chiêng đến Quế Bình (Hiệp Đức, Quảng Nam).

Thời đó, tiếng là xưởng quân giới nhưng máy móc rất thô sơ, cũ kỹ. Rồi một ngày, xưởng nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh mặt trận tiền phương “chế tạo gấp một quả mìn hẹn giờ, nhưng phải đúng 30 phút mới phát nổ…”. “Nhận được lệnh ấy, anh em chúng tôi ai cũng như ngồi trên đống lửa. Bởi có ai biết quả mìn hẹn giờ mặt mũi nói ra sao, cách chế tạo như thế nào đâu. Tìm hiểu tài liệu thì biết chỉ có cách chế mìn hẹn giờ bằng đồng hồ nhưng lúc đó bói không ra chiếc đồng hồ thì lấy đâu chế mìn?”, ông Thạnh nhớ lại.

Tác giả những quả mìn hẹn giờ đầu tiên của Khu V - 1

Ông Thạnh vẽ kết cấu quả mìn hẹn giờ ngày nào làm nên “tiếng nổ Nại Hiên” vang dội

Nếu chế mìn không thành, đồng nghĩa với một kế hoạch tác chiến nào đó của Bộ Tư lệnh mặt trận tiền phương cũng phá sản… Suy nghĩ ấy cứ ám ảnh ông Thạnh và đồng đội. Và rồi một ý tưởng lóe lên trong đầu ông, khi ông nhớ lại một chuyến đi lấy thuốc nổ từ quả thủy lôi của quân Nhật thả ở vịnh Đà Nẵng về chế tạo lựu đạn vào năm 1946. Loại thủy lôi này có 4 vú thủy tinh chứa axít, khi tàu bè đụng phải làm vỡ những chiếc vú thủy tinh, axít sẽ chảy ra ăn mòn dây kim loại giữ cò nổ… Khi đó quả thủy lôi sẽ… “Tôi đề xuất ý tưởng đó lên chỉ huy và tiến hành chế tạo thử, song nhiều người vẫn không tin tôi làm được. Theo nguyên lý của quả thủy lôi của Nhật, tôi chế quả mìn đầu tiên, nhưng quả này mất 1 giờ mới phát nổ. Thế là tôi giũa dây cáp giữ cò nổ mỏng hơn, rồi mang ra thử. Cứ thế… cho đến quả mìn thứ 5 thì canh đúng 30 phút là nổ. Tôi mừng hết lớn”, ông Thạnh kể.

Sau khi chế tạo mìn hẹn giờ thành công, ông Thạnh và đồng đội “nhân bản” ngay 10 quả và giao cho cơ sở nội thành Đà Nẵng 2 quả để đánh kho xăng Nại Hiên. Hai quả mìn đó đã được trao cho bà Phạm Thị Biên (P. Nại Hiên Đông, Sơn Trà) bí mật cài và nổ banh kho xăng Nại Hiên của Pháp, tạo nên sự kiện chấn động vào mùa xuân năm 1951. “Mãi sau ngày đất nước giải phóng tôi mới biết mìn do mình chế tạo được bà Biên dùng đánh kho xăng Nại Hiên. Bà Biên mới mất cách đây hai năm”, giọng ông Thạnh xúc động.

Tác giả những quả mìn hẹn giờ đầu tiên của Khu V - 2

Ông Phạm Văn Thạnh – kể lại chuyện chế tạo mìn

Như bao cựu binh khác, những tháng ngày oanh liệt trên chiến trường vẫn vẹn nguyên trong ký ức ông Thạnh, nhất là những đồng đội đồng cam cộng khổ đã hy sinh. Chính vì thế, gần 20 năm qua ông đã lặn lội khắp nơi để tìm kiếm và quy tập hài cốt đồng đội. Xúc động nhất là chuyện ông Thạnh đi tìm hài cốt liệt sĩ quân giới Hồ Phước Đào, hy sinh ở xã Bình Kiều (Thăng Bình, Quảng Nam) cuối năm 1951. Một lần trở lại thăm chiến trường xưa, ông Thạnh vẫn còn thấy mộ liệt sĩ Đào nằm hiu hắt ven rừng. Thế là ông Thạnh quyết tâm tìm người thân của liệt sĩ Đào. Chỉ với thông tin ít ỏi rằng bạn mình sống gần bến đò Hà Thân (Đà Nẵng), ông Thạnh lần dò tìm hỏi. Phải mất mấy năm, ông Thạnh mới tìm được và đưa người thân liệt sĩ Đào đến quy tập hài cốt về nghĩa trang. Với chiếc xe đạp cũ, ông Thạnh lóc cóc đến Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam) tìm mộ đồng đội, rồi đạp xe đi tìm nhà người thân của họ, nhiều lúc phải ra các tỉnh phía Bắc… Cứ thế, 20 đồng đội đã được ông góp sức để “đoàn tụ” với gia đình.

Xuân này, ông Thạnh bước vào tuổi 86 nhưng giữ thói quen ngày ngày lần tìm các địa chỉ để viết thư gởi cho người thân liệt sĩ kết nối thông tin. “Sức già không còn vượt rừng, băng suối nữa nên chỉ làm được vậy thôi”, ông Thạnh tiếc rẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.A (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN