Phát triển hạ tầng hệ thống Logistics

Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa đến Đà Nẵng gồm rất nhiều loại hình thông qua đường sông, đường biển, đường bộ, đường sắt, đường hàng không... và gắn liền với đó là bộ phận kho bãi, nơi lưu trữ hàng hóa, nguyên liệu.

Dịch vụ kho bãi hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng chủ yếu được cung cấp bởi các doanh nghiệp (DN) như Cty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng, Cty CP Logistics Cảng Đà Nẵng, Cty CP Dịch vụ tổng hợp Cảng Đà Nẵng, DA kho bãi KCN Thủy sản Thọ Quang, DA kho bãi tổng hợp tại Khu hậu cần Cảng địa phương. Bên cạnh đó, còn có hệ thống kho bãi của các DN cổ phần, tư nhân và liên doanh khác cung cấp dịch vụ hậu cần logistics tại Đà Nẵng nhưng hầu hết có quy mô và diện tích nhỏ.

Ở một góc độ khác, kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở Đà Nẵng cũng có nhiều điểm lợi thế. Cảng Đà Nẵng nằm trong vùng vịnh, kín gió, rộng 12km2, luồng lạch vào cảng sâu 10-17m, được bao bọc bởi núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà cùng với đê chắn sóng dài 450m là một thuận lợi rất lớn cho tàu neo đậu và làm hàng quanh năm. Ngoài khu bến Cảng Tiên Sa, khu bến sông Hàn của Cảng Đà Nẵng, thành phố còn có một số cảng chuyên dụng khác. Trong khi đó, mạng lưới đường bộ tại TP Đà Nẵng, kể cả các tuyến QL chính và hệ thống các đường tỉnh lộ, đường đô thị có tổng chiều dài 480km. Cùng với việc xây dựng cầu đường bộ mới và nâng cấp các cây cầu đã cũ là một điều kiện hết sức cần thiết để không chỉ phục vụ lưu thông mà đây còn là hạ tầng nhằm cân bằng nhịp độ phát triển trên các lĩnh vực KT-XH của khu vực bờ Đông và bờ Tây sông Hàn.

Phát triển hạ tầng hệ thống Logistics - 1

Hàng container được vận chuyển qua hệ thống đường sắt tại Đà Nẵng

Ngược lại, hệ thống đường sắt được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX nên cơ sở hạ tầng không còn phù hợp với quá trình phát triển hệ thống logistics so với các phương tiện vận tải khác. Một bất cập nữa của hệ thống đường sắt Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng là chưa tiếp nối được với các cảng. Nếu nhìn ở một bình diện khác thì Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã được cải tạo, mở rộng nhiều lần nhưng hiện vẫn không có ga hàng hóa mà chỉ có một kho kín để chứa hàng (chủ yếu là hải sản) với diện tích nhỏ. Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO), sân bay Đà Nẵng là sân bay dự bị của đường bay quá cảnh từ Châu Âu qua Châu Á - Thái Bình Dương và là một sân bay ở trung độ Châu Á nằm sát bờ biển với tầm bay lý tưởng nên việc đầu tư xây dựng trở thành sân bay đạt tiêu chuẩn quốc tế là điều hết sức cần thiết. Hiện đã có hơn 30 hãng hàng không của hơn 20 nước có máy bay bay qua vùng trời Đà Nẵng, trong đó có nhiều hãng hàng không quốc tế có máy bay hạ, cất cánh từ Đà Nẵng.

Những điều đề cập ở trên cho thấy, TP Đà Nẵng có sự vượt trội về số lượng hàng hóa vận tải bằng đường bộ và đường biển so với các loại hình vận tải khác. Đây cũng chính là thế mạnh của Đà Nẵng khi có hệ thống hạ tầng giao thông liên kết thuận tiện từ cảng đến các khu vực khác của thành phố cũng như các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Do vậy, phát triển dịch vụ logistics lấy loại hình vận tải đường bộ kết hợp với vận tải biển cần xác định là hướng phát triển chính. Xuất phát từ điều này, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, việc giao thương hàng hóa ngày càng tăng và Đà Nẵng là trung tâm kinh tế của miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời là cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics các nước ASEAN và Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hiện nay việc quy hoạch phát triển hệ thống logistics tại Đà Nẵng còn nhiều vấn đề cần quan tâm hơn, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, kho bãi, trạm trung chuyển điểm dừng tại các KCN. Nhiều giải pháp để phát triển ngành dịch vụ này cũng đã được thành phố đặt ra. Đó là, nâng cấp và phát triển chuỗi các trạm trung chuyển, trạm dừng chân, kho hàng, bến bãi tại gần các điểm Cảng Tiên Sa, Nhà ga Đà Nẵng, Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, các bến xe hiện có và quy hoạch mới trên địa bàn thành phố. Xây dựng các tuyến hành trình vận tải kết nối các điểm đến của các loại hình vận tải như: xác định hành trình vận tải kết nối giữa các bến xe với các điểm đến của các loại hình vận tải khác như cảng, nhà ga đường sắt, nhà ga hàng không và các điểm trung chuyển khác; trên cơ sở các hành trình xác định đề xuất các tuyến đường cho phép xe tải được đi và thời gian cho phép đi vào tuyến đường đó.

Như vậy, việc định hướng phát triển hệ thống logistics cách làm đúng đắn sẽ giúp sự phát triển của thành phố nhanh hơn so với các địa phương khác và sẽ thu hút nhiều sự đầu tư của các tổ chức kinh doanh trong và ngoài nước vào thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Kiếm (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN