Người dân tiếp tục thắt chặt “hầu bao”
Đó là điều dễ nhận thấy tại các chợ bán lẻ và siêu thị trên địa bàn TP Đà Nẵng. Mặc dù giá của các loại hàng hóa đã có chiều hướng giảm nhẹ so với các tháng trước, song người dân cho biết, kinh tế khó khăn nên họ đang phải thắt chặt “hầu bao”.
Cách đây chừng 1 tháng, tại các khu chợ bán lẻ, hoạt động mua bán vẫn diễn ra khá nhộn nhịp, nhưng gần đây lại trở nên ảm đạm. Chị Lê Thị Phượng (35 tuổi) tiểu thương bán cá tại chợ Đống Đa trả lời câu hỏi của chúng tôi về tình hình kinh doanh: “Em cứ nhìn đi, 10 giờ rồi mà đếm trên đầu ngón tay chỉ có trên dưới vài chục người đi chợ. Như thường ngày, tầm 9 giờ là chợ đã náo nhiệt, đông kín, không có chỗ chen chân. Vậy mà nay thưa thớt, èo uột rứa đó”. Một tiểu thương khác kế bên chị Phượng chỉ vào mớ cá: “Hằng ngày người mua phải xếp hàng chờ làm cá, rứa mà bữa ni làm sẵn rồi cũng ít người hỏi”.
Không chỉ có tại hàng cá, các loại thực phẩm thiết yếu hằng ngày cũng trong tình trạng tương tự. Tại quầy thịt heo, nhiều tiểu thương đang ngồi chờ khách tâm sự: “Thời điểm này tình hình buôn bán khó khăn, dễ “bể” như chơi. Nhưng trước mắt, tụi tui vẫn tìm cách bám trụ gian hàng, chờ qua thời điểm này còn hy vọng có cơ hội làm ăn”. Còn tại chợ Nại Hiên Đông, một số tiểu thương đã đóng cửa nghỉ bán. Họ cho biết, do buôn bán khó khăn, mới đây chợ lại tăng giá thuê mặt bằng nên một số quầy đã tạm thời không hoạt động.
Những gian hàng thực phẩm tại các chợ kém sôi động so với trước
Sở dĩ xu hướng tiêu dùng tiết kiệm đang được các bà nội trợ áp dụng là do vừa qua các loại mặt hàng như giá gas, điện, nước, xăng... đều tăng đáng kể. Từ đó, tiết kiệm một phần chi phí của nhóm thực phẩm thiết yếu trong gia đình cũng là điều dễ hiểu. Chị Phan Bích Thư (37 tuổi, trú Q. Thanh Khê) nói: “Vợ chồng làm công chức, lương thấp, lại nuôi 2 đứa con và mẹ già nên phải cân đối chi tiêu phù hợp. Nói cân đối, nhưng để không thâm trước, hụt sau cũng chẳng phải dễ dàng gì, nhất là trong thời điểm giá cả thị trường tăng nhanh mà lương tăng chậm”.
Một số quầy, hàng tại các chợ phải tạm ngưng hoạt động
Không như gia đình chị Thư, nhiều hộ khác có công việc không ổn định, hoặc công nhân thu nhập thấp thì phải tiết giảm chi tiêu tối đa. Anh Bình - công nhân kỹ thuật điện của một Cty trên địa bàn Đà Nẵng đang loay hoay tìm mua những sản phẩm giá rẻ tại siêu thị BigC, cho biết: “Đợt này, gia đình tôi thường xuyên chọn mua các sản phẩm có giá thấp hơn so với trước. Thậm chí, dùng mì gói cho rẻ, các loại thực phẩm như cá, thịt thì mua ít lại, hay sữa cho con tôi cũng đã thay đổi loại rẻ hơn để phù hợp với mức thu-chi của gia đình. Đó là chưa kể tới phòng trọ, tiền học hằng tháng của con... đều tăng giá”.
Không chỉ sức mua đối với các loại thực phẩm đang có xu hướng giảm, các loại hàng hóa như quần áo, giày dép, điện gia dụng... cũng có vẻ như “hụt hơi”. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố, nhiều chương trình khuyến mãi được tung ra với lý do: Xả hàng, chào mừng năm học mới, khuyến mãi mùa hè... giá “sốc” chỉ từ 50-200 ngàn đồng trên một sản phẩm (tùy loại) nhằm kích cầu mua sắm, nhưng không còn thu hút khách nữa. Hiện nay, Co.op Mart và BigC Đà Nẵng đều có hàng loạt sản phẩm khuyến mãi, giảm giá, tặng quà... khi mua hàng nhưng các “thượng đế” vẫn tỏ ra thờ ơ. Đại diện một siêu thị cho hay: “Một số chương trình khuyến mãi kéo dài hàng tháng nhưng số lượng người mua rất ít, doanh số không cao”. Đây là thực tế khó khăn chung của nền kinh tế, chưa kể “hiệu ứng” khi đã có quá nhiều chương trình khuyến mãi được tung ra thì sức hấp dẫn cũng không còn mạnh như trước.
Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn thành phố ước khoảng 24.900 tỷ đồng (tăng 16,2% so với cùng kỳ). Song, nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng trưởng chỉ khoảng 7%, được đánh giá không mang tính tích cực, thể hiện sự kém sôi động của thị trường. Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, đó là thực trạng chung trong bối cảnh kinh tế đứng trước muôn vàn khó khăn.