Nắng nóng sợ nhất tâm thần
14 giờ 45 ngày 15-5, người dân thôn Khương Mỹ (Hòa Phong, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bàng hoàng trước vụ việc ông Đặng Công Trung (1957, làm thủy nông viên của thôn) bị ông Nguyễn Em (1962, trú địa phương, người bị bấn loạn thần kinh) sát hại trên cánh đồng.
Ông Thiều Bốn, người chứng kiến vụ việc kể lại, trong lúc ngồi nghỉ mát, thấy ông Em chăn dắt bò phía trước tự động trổ nước từ mương thủy lợi vào đám ruộng bỏ hoang quá lãng phí nên ông Trung đến ngăn. Không những không nghe, bất ngờ ông Em xô ngã ông Trung rồi giật chiếc cuốc từ tay ông Trung bổ nhiều nhát vào đầu nạn nhân. Diễn biến vụ việc quá nhanh, lúc ông Bốn chạy đến thì ông Trung đã bị thương tích nặng, sau đó tử vong tại bệnh viện. Còn ông Em, sau khi gây án thì ném chiếc cuốc xuống mương nước, trở về nhà như không có chuyện gì cho đến khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, đưa vào Bệnh viện Tâm thần. Anh Nguyễn Hữu May – CA viên thôn xác nhận, ông Em bị bệnh tâm thần đang hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên…
Trước đó, ngày 26-8-2011, tại thôn Văn Dương 1 (Hòa Liên, Hòa Vang) cũng xảy ra trường hợp tương tự. Trong lúc chuẩn bị bữa cơm trưa, bà Lê Thị Nguyện (1940) bị con trai là Phạm Dũng (1978) lên cơn “điên” dùng dao chém liên tiếp nhiều nhát từ đầu đến tay. Nghe tiếng bà Nguyện kêu cứu, chị Phan Thị Hồng chạy đến ứng cứu thì bị Dũng cầm dao rượt đuổi. Rất may, nhiều người hàng xóm kịp thời phát hiện ngăn chặn, báo tin cho CA địa phương đến khống chế, cách ly Dũng. Bà Nguyện được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng thương tích rất nặng, các bác sĩ phải mổ gấp…
Từ các vụ việc trên cho thấy, việc gia đình không kiểm soát được người bệnh như trường hợp của ông Em, Dũng đã để lại nhiều nỗi lo, nếu không có biện pháp tức thời trong quản lý, điều trị nhóm đối tượng trên, mức độ nguy hại của họ gây ra cho cộng đồng rất nặng nề. Hơn lúc nào hết, để chủ động phòng ngừa một cách hữu hiệu mối hiểm họa người bệnh tâm thần xâm hại sức khỏe, tính mạng người khác, các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương sớm có danh tính cụ thể số người mắc bệnh, tập trung vào số đã có tiền sử hoặc đang có biểu hiện liên quan đến bạo lực cá nhân. Trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với gia đình người bị bệnh tâm thần để có biện pháp quản lý, giám sát theo đúng quy định, phòng ngừa những hậu quả đau lòng…
Hình ảnh những người bị bệnh tâm thần lang thang trên những con phố, các nẻo đường trong những làng quê giờ đây không hiếm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn họ đến với những chuỗi ngày bất hạnh này. Nhiều bệnh nhân sau khi được gia đình tận tâm điều trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm nên dần nản chí và đành bỏ mặc.
Đại úy Nguyễn Văn Thắng – Đội trưởng Đội CSĐTTPVTTXH CAH Hòa Vang chia sẻ: Thời tiết nắng nóng dễ gây kích động cho những người có trạng thái thần kinh kém, hoặc có tiền sử bệnh tâm thần nên họ không còn khả năng nhận thức hành vi. Những vụ án hình sự mà người tâm thần là thủ phạm vẫn diễn ra đau lòng như thế. Điều đáng nói là những vụ án này sẽ không xảy ra nếu chúng ta ngăn chặn kịp thời. Trách nhiệm ngăn chặn này không thuộc về riêng một tổ chức nào mà là của mọi người, trước hết là những người thân của các bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tâm thần được điều trị đúng phương pháp và được sống trong một môi trường có sự giám sát chặt chẽ thì chắc chắn họ không có khả năng gây hại cho ai.