Mưu sinh dưới đáy sông Hàn
Người dân và du khách lâu nay vào quán xá, nhà hàng vẫn quen gọi món chíp chíp hấp, nướng bởi đây là món khoái khẩu nhưng giá cả vừa phải... Ít ai biết rằng, để duy trì số lượng hải sản này cung cấp cho các quán, nhiều ngư dân ở Q. Sơn Trà (Đà Nẵng) đã gắn cuộc sống với đáy sông Hàn. Công việc tuy mang lại thu nhập không nhỏ cho nhiều gia đình, nhưng cũng lấy đi nhiều nước mắt.
Món quà thiên nhiên
4 giờ sáng, khi mặt trời còn chưa ló dạng, anh Lê Phước Sắt (trú tổ 99, P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) cùng với những thành viên trong gia đình đã xuống chiếc ghe máy để thẳng tiến ra sông Hàn. Lúc này, đã có rất nhiều những thuyền khác đã thả neo. Mang khối chì nặng hơn 10 kg quanh bụng, ngậm ống thở vào miệng, anh Sắt lặn xuống sông, bắt đầu cho một ngày mưu sinh dưới đáy sông Hàn. Loài hải sản mà anh Sắt cùng bao ngư dân khác cất công lặn bắt là con chíp chíp. Vào mùa này, trên sông Hàn và vịnh Đà Nẵng, loài chíp chíp sinh sản rất nhiều, tập trung chủ yếu từ cầu Rồng ra đến cửa Vịnh. Vì vậy, những ngư dân tranh thủ lặn bắt, bất kể cái nắng thiêu đốt trên đầu. Công việc thường bắt đầu từ 4 giờ và kết thúc vào 15 giờ cùng ngày.
Sau đợt lặn đầu, tranh thủ nghỉ lấy sức, anh Sắt kể: “Nghề lặn được người dân Nại Hiên Đông làm được 20 năm rồi, trước đây không máy trợ thở nên chỉ lặn được vài phút là phải lên ngay, giờ thì có thể lặn cả tiếng đồng hồ dưới sông để bắt chíp chíp. Mỗi ngày tôi lặn 3 lần, có khi hai tiếng đồng hồ mới ngoi lên để nghỉ lấy sức, mỗi lần như vậy bắt được 10 đến 20 kg, nếu gặp đoạn sông có nhiều chíp chíp thì... có thể hơn”.
Để bắt được những con chíp chíp ẩn mình dưới đáy sông Hàn, ngoài việc có ngậm ống dưỡng khí, bộ đồ lặn thì những người thợ lặn phải nhờ rất nhiều vào đôi bàn tay. “Dưới đáy sông tối om, phải dùng tay rà liên tục vào lớp bùn, khi nào đụng phải chíp chíp thì bắt bỏ vào giỏ, loài này nó không chạy được nên bắt khỏe re”, anh Sắt tươi cười kể công việc hằng ngày nhẹ như không.
Đoàn thuyền lặn bắt chíp chíp trên sông Hàn
Nghề lặn lắm công phu
Nghe kể thì đơn giản, nhưng để lặn bắt chíp chíp dưới sông Hàn quả thật không dễ. Ngoài hơn 10 kg chì đeo quanh người, người thợ lặn phải có sức khỏe dẻo dai và cả những kỹ năng để không phải gặp tai nạn. Đưa đôi bàn tay chai sạm với những vết thương chưa lành để chứng minh cho sự vất vả của nghề lặn, anh Huỳnh Văn Em (Tổ 21, P. Nại Hiên Đông) kể: “Nghề lặn nguy hiểm lắm, nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá mà. Chuyện bị thương tích tay chân là nhỏ, sợ nhất là lúc đang lặn thì gặp phải tàu chạy ngang qua làm đứt dây hơi, kéo mình đi. Dù có am hiểu luồng lạch hoặc lặn giỏi cỡ mô mà gặp trường hợp như thế mà xử lý không kịp thì chết chắc, Ở đây đã có nhiều người gặp nạn như thế rồi”. Trên mỗi ghe lặn bắt chíp chíp, thường có hai người lặn thì có một người ngồi trên ghe làm nhiệm vụ canh ống hơi và cảnh giới. “Mỗi khi có tàu lớn chạy qua thì giật dây làm tín hiệu để người lặn ngoi lên để tránh tàu. Nhưng nhiều khi vẫn ngoi lên không kịp. Năm trước, hai thợ lặn tên Hùng và Đây khi đang lặn ở vịnh thì bị tàu lớn bươn dây hơi, xử lý không kịp nên tử nạn. Cũng có lần tôi bị tàu kéo nhưng may thoát kịp”, anh Sắt kể.
Dù biết nghề lặn hiểm nguy luôn rình rập, thế nhưng những ngư dân Nại Hiên Đông vẫn bám lấy nó. Bởi nó là nguồn thu nhập chính, là cơm áo gạo tiền của họ. Hiện nay, chỉ tính riêng P. Nại Hiên Đông đã có hơn 60 ghe thuyền chuyên lặn bắt chíp chíp, sau mỗi ngày, số chíp chíp mà ngư dân bắt được vào khoảng 5 tấn. Tại bến cảng Thọ Quang, từ đầu giờ chiều nhiều thương lái đã chờ ở đây để mua chíp chíp, vì vậy sản phẩm mà những ngư dân như anh Sắt, anh Em mang về không lo bị ế. Tùy theo loại chíp chíp lớn nhỏ mà thương lái mua với giá khác nhau, chíp chíp lớn là 20 nghìn đồng/1kg, còn nhỏ hơn thì khoảng 15 hoặc 16 nghìn đồng . “Mùa này chíp chíp nhiều nên bắt cũng khá, mỗi chuyến ghe của tôi bắt được trên dưới khoảng 50 kg, trừ hết chi phí thì cũng được ba bốn trăm nghìn. Nhờ có nghề này mới cho mấy đứa nhỏ ăn học, lo chi phí hằng ngày, chứ chúng tôi toàn ghe nhỏ không thể ra biển đánh bắt được”, anh Em tâm sự.
Chíp chíp về bến (ảnh: Đức Thọ)
Dù số chíp chíp lặn bắt được đều được các thương lái mua hết, thế nhưng ngư dân luôn chịu thiệt vì bị ép giá, trong khi bán ra thị trường với giá cao gấp đôi. Ngoài chuyện thương lái ép giá, thì những người lặn bắt chíp chíp trên sông Hàn còn một nỗi lo khác. “Sợ nhất là thuyền cào, chỉ cần nó cào qua sông Hàn thì chíp chíp lớn nhỏ đều bị bắt hết, đến mùa sau thì không còn. Vừa rồi những thuyền cào đã cam kết là không cào ở sông Hàn nữa thế nhưng vẫn có nhiều người lén lút hoạt động”, anh Sắt bức xúc.
Cứ đến mùa này, người dân và du khách đến Đà Nẵng đều muốn thưởng thức món chíp chíp ngon rẻ mà bổ dưỡng. Chíp chíp nấu canh dưa hồng, nấu cháo hoặc đơn giản là hấp với sả, rồi chấm với muối tiêu chanh thôi cũng trở thành món ngon khó tưởng. Thưởng thức những món ngon từ chíp chíp nhưng mấy ai biết rằng, để bắt được nó nhiều ngư dân phải nhọc nhằn mò lặn dưới sông Hàn cả ngày. Chẳng biết có phải vì cách bắt thủ công ấy đã làm cho món chíp chíp ở Đà Nẵng ngon hơn nơi khác không?