Một đêm trên cung đường gỗ lậu
Biết tôi có ý định “săn” tình hình “lâm tặc” vận chuyển gỗ lậu bằng xe máy trên tuyến ĐT604 từ H. Đông Giang (Quảng Nam) về Đà Nẵng, anh X. - người dân Cơ Tu thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) nhận lời giúp đỡ nhưng không quên dặn dò: “Phải đề phòng bọn “chim lợn” nếu chúng phát hiện nhà báo lên thì công sức bỏ ra trở thành… công cốc”.
Cung đường gỗ lậu
Để có mặt tại điểm hẹn, 18 giờ ngày 9-11, tôi phải ngụy trang như những người lao động sau một ngày mưu sinh vất vả dưới phố về. Mới sẩm tối nhưng đường khá vắng vẻ, thỉnh thoảng có vài chiếc xe máy, ô-tô ngược xuôi. Đoạn đường từ Ngầm Đôi lên Dốc Kiền (xã Ba, H. Đông Giang), ngoài các khu du lịch sinh thái nằm sâu bên trong, còn lại bạt ngàn rừng keo. Ngồi sau xe, tôi nghe X. nói khẽ: “Anh đợi chút nữa đi! Đêm nào “lâm tặc” cũng vận chuyển gỗ, rộn ràng nhất là nửa đêm. Chúng đi theo từng tốp nhỏ, mỗi lần từ 5-10 chiếc. Hễ thấy động tĩnh gì là thông báo cho nhau để tìm cách đối phó, tẩu tán gỗ lậu. Lúc cao điểm lên gần 20 xe, hầu hết đều là Dream, Wave cũ “độ” lại và chạy với tốc độ chóng mặt. Điều đáng nói là, tình trạng vận chuyển gỗ lậu diễn ra gần tháng nay, người dân ở đây ai cũng thấy, cũng biết, nhưng không dám ngăn cản vì sợ bị trả thù”.
22 giờ, tiếng động cơ nổ dồn từ Dốc Kiền đổ xuống. X. bấm tay tôi ngồi yên. Một chiếc xe máy lướt qua, tôi căng mắt nhìn. Vài phút sau, chiếc ô-tô khách 12 chỗ ngồi pha đèn ì ạch leo dốc. “Xe máy chạy trước dò đường, ô-tô chở gỗ theo sau” - X. bảo với tôi. “Trạm Kiểm lâm chốt chặn phía dưới như thế làm sao đi được?”. “Có nhiều cách để qua trạm, nếu không nhận được tín hiệu tích cực, chủ xe thuê người tập kết gỗ dưới sông Lỗ Đông, rồi kéo vòng qua trạm” - X. giải thích cho tôi hay. Thấy tôi sốt ruột chờ đội ngũ xe máy chở gỗ, X. trấn an: Mình cắm “đề-lô” ở xã Ba rồi, khi nào trên đó “mở” cổng sẽ báo về. X. kể, lịch hoạt động hằng đêm của lâm tặc trong vòng 1 tháng trở lại đây rất đều đặn, đêm nào cơ quan chức năng tăng cường tuần tra thì chúng lùi thời điểm hoạt động lại rạng sáng, nếu thấy tình hình căng quá thì nghỉ. Với những hộ dân ở ven đường, “lâm tặc” thường đem đến cho họ những nỗi kinh hoàng, khiếp đảm. Vào ban đêm, rất ít người dám ra đường.
Dừng xe nghe ngóng tình hình
Trời càng về khuya, chúng tôi càng thấp thỏm chờ đợi trong màn đêm đặc quánh. Chuông điện thoại của X. reo. Sau vài giây trao đổi bằng tiếng bản địa với người bạn làm nhiệm vụ “đề-lô”, X. dắt xe máy ra sát lề, nhắc tôi chuẩn bị máy ảnh tác nghiệp. Liếc nhìn đồng hồ, lúc đó là 2 giờ 30 ngày 10-11. Không chờ lâu, khoảng 10 phút sau, tiếng động cơ xe máy rền vang, từ xa xuất hiện nhiều ánh đèn pha. Khi đoàn xe chạy qua, chúng tôi đếm được 6 chiếc, trên mỗi xe chất 2-3 súc gỗ. X. phóng xe đuổi theo, tôi ngồi sau liên tục bấm máy. Thấy ánh đèn flash, các đối tượng trên càng nẹt pô, rú ga phóng như điên. Nhưng chỉ được khoảng 4km thì một số xe dừng lại, cuống cuồng quay đầu. X. nói nhỏ “Bị chặn phía dưới rồi”, rồi vội lao xe xuống rãnh sâu nhường đường cho xe chở gỗ đang vun vút phóng ngược lại.
Bỏ lại những tiếng chửi thô tục sau lưng, chúng tôi tiếp tục xuống Ngầm Đôi và phát hiện 1 xe máy chở 3 súc gỗ cùng 2 đối tượng đã bị lực lượng Kiểm lâm Hòa Vang mai phục, bắt giữ.
Lực lượng Kiểm lâm Hòa Vang bắt giữ xe chở gỗ
Rủi nhiều, may ít
Tuy đường vận chuyển đã được “lâm tặc” toan tính để dễ bề đối phó với lực lượng chức năng, nhưng quả đáng lo ngại khi các con đường đi qua đều hẹp, các phương tiện lưu thông ngược lại chỉ có cách dạt ra lề nếu kịp phát hiện, còn không đâm vào các đối tượng chở gỗ thì chỉ có thiệt thân. Như trường hợp xảy ra năm 2006, Phan Dũng (trú Phú Túc) chở phách gỗ trên đường liên thôn đã va vào xe máy chạy ngược chiều do chị Ngô Thị Thanh Vân (trú Hòa Thọ, Hòa Phú) điều khiển làm chị chết oan uổng. Bên cạnh đó, nguy hiểm mà đội ngũ chạy xe chở gỗ cũng thường gặp phải là tai nạn trên đường vận chuyển, do không ràng buộc gỗ (để dễ tẩu tán khi bị phát hiện) nên gặp những đoạn cua gấp, gỗ nghiêng về một bên làm người và xe đổ nhào, không ít trường hợp bị gỗ đè gãy chân. Tháng 8 mới đây, một đối tượng ở xã Ba chở gỗ xuống đến Cung 2 Phú Túc tự gây tai nạn chết tại chỗ, ngay lập tức được “đồng nghiệp” đưa về...
Nhiều đối tượng chở gỗ cho biết, để đưa được phách gỗ trót lọt từ H. Đông Giang về rất gian khổ. Hàng đặt trước tại khu vực suối Vàng, A Ting với giá 300-500 ngàn đồng tùy theo khối lượng, đợi đến đêm thuê trâu kéo ra Dốc Kiền, rồi mới vận chuyển bằng xe máy xuống Đà Nẵng bán cho các xưởng mộc “xẻ thịt” với giá 600-900 ngàn đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được thuận lợi, khi gặp lực lượng chức năng phát hiện truy đuổi thì phải chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”. Tất nhiên, trên cung đường gỗ lậu này đều có các trạm kiểm tra, kiểm soát lâm sản của lực lượng KL, liên ngành dày đặc ở Đông Giang, vậy mà gỗ lậu vẫn vượt qua được chốt về xuôi. Các cơ quan quản lý chỉ biết biện minh và đùn đẩy trách nhiệm với nhiều lý do như: Địa hình khó quản lý, “lâm tặc” lì lợm, ranh xảo, lực lượng quá mỏng... Dù lực lượng chức năng có ra sức biện luận thì việc ai làm sai? làm sai chỗ nào sẽ không che mắt được người dân.
Khi mà gỗ lậu từ các địa bàn Quảng Nam vận chuyển bằng ô-tô qua Đà Nẵng không còn “nóng” như trước nữa, thì việc xe máy vận chuyển xuất hiện trở lại đã làm cho cư dân sống dọc các tuyến đường liên xã, bê-tông nông thôn lo sợ mỗi khi đêm về. Phi - đối tượng chở gỗ thừa nhận, làm nghề này tuy rủi nhiều, may ít nhưng mỗi đêm trên địa bàn Đông Giang cũng có hàng chục xe máy là người địa phương và vùng giáp ranh Hòa Phú, Hòa Phong tham gia chở gỗ. Mặc dù không ít người đã bị lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện, thu giữ phương tiện nhưng do lợi nhuận không nhỏ nên nhiều người vẫn tiếp tục “tậu” xe về tiếp tay cho các “đầu nậu” phá rừng... Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác TTKS, sớm xóa bỏ nạn chở gỗ lậu bằng xe máy trên các tuyến đường nông thôn nhằm đảm bảo sinh mạng cho người dân.