Mặt trái của cầm đồ (3): Siết chặt là cần thiết!

Trước những phức tạp mà dịch vụ cầm đồ gây ra cho đời sống xã hội, TP Đà Nẵng đã kịp thời, tiên phong có những động thái tăng cường công tác quản lý dịch vụ này.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ năm 2012 của Đà Nẵng được HĐND TP thông qua ngày 23-12-2011, nêu rõ: từ năm 2012 tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở cầm đồ vi phạm pháp luật...

Trong bối cảnh nhà nhà đua nhau mở hiệu cầm đồ, số lượng cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này tăng nhanh, thậm chí xuất hiện nhiều cơ sở núp dưới danh nghĩa cầm đồ để tiêu thụ tài sản trộm cắp, cá cược, đánh bạc... Nhiều chủ hiệu cầm đồ sẵn sàng nhận cầm cố đủ loại mặt hàng từ đồ cao cấp đến đồ bình dân mà không cần phải chứng minh nguồn gốc và số tài sản là tang vật vụ án được tẩu tán qua cách cầm đồ sẽ rất khó thu hồi được, gây khó khăn cho hoạt động tố tụng...

Dù nhận cầm hiện vật hay tất cả các loại giấy tờ thì các dịch vụ cầm đồ đều tùy thuộc vào nhu cầu của khách cầm dài hạn hay ngắn hạn mà tính lãi tháng hay lãi ngày. Tuy nhiên, một điều thấy rõ nhất dù lãi suất theo tháng hay theo ngày thì mức lãi ở những tiệm cầm đồ cũng là mức lãi “cắt cổ”. Hầu hết các điều khoản trong biên nhận thỏa thuận cầm tài sản đều có lợi cho chủ cầm đồ, chủ yếu các quy định như: Đúng hẹn phải đến lấy, hoặc trả lãi để gia hạn, đi xa phải báo. Nếu đến hẹn không đến tôi đồng ý để tiệm thanh lý để thu hồi vốn. Khách hàng không được khiếu nại. Tôi không hề thắc mắc và cam kết số tài sản mà tôi mang đến chính là của tôi. Nếu có gì sai tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật...

Mặt trái của cầm đồ (3): Siết chặt là cần thiết! - 1

Việc thành phố siết chặt công tác quản lý đối với dịch vụ cầm đồ là rất hợp lý

Thực tế là dịch vụ cầm đồ hiện nay còn tồn tại một số điểm bất hợp lý, tạo kẻ hở để kẻ gian tiêu thụ tài sản bất minh nhưng lại đang được hợp pháp hóa, gây rất nhiều bức xúc cho xã hội. Điều nghịch lý nhất hiện nay là hoạt động phi pháp của những hiệu cầm đồ (cầm cố tài sản trộm cắp, cầm lãi suất cao...) lại được cấp giấy phép kinh doanh, được Nhà nước thừa nhận. Hơn nữa, từ một giấy phép kinh doanh, có không ít các chủ hiệu cầm đồ đã photocopy thành nhiều bản và mở rất nhiều cửa hàng dịch vụ cầm đồ khác nhau. Thêm nữa, những văn bản pháp luật quy định chưa đủ chặt, chưa đủ mạnh, để xử lý hình sự tương xứng với vi phạm của họ. Phần lớn các hiệu cầm đồ vi phạm mới chỉ xử lý hành chính, mà tiền phạt hành chính tối đa chỉ là 500 nghìn đồng. Một cán bộ CAQ Ngũ Hành Sơn cho rằng: “Có thể khẳng định ngoài việc thường tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì hầu hết các hiệu cầm đồ chẳng khác mấy so với cho vay nặng lãi vì lãi ở những điểm này bao giờ cũng cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng và luôn vượt khung mức quy định mà pháp luật cho phép. Thế nhưng, rất khó xử lý các hiệu cầm đồ về hành vi tiêu thụ của gian và cho vay nặng lãi bởi việc chứng minh tội phạm này không đơn giản. Chính vì vậy, với kiểu hoạt động biến tướng như thế của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ đang nảy sinh nhiều yếu tố pháp lý phức tạp và gây phức tạp đến tình hình ANTT trên địa bàn thành phố”.

Mặt trái của cầm đồ (3): Siết chặt là cần thiết! - 2

Tang vật liên quan đến một vụ án trộm cắp tài sản đem cầm tại hiệu cầm đồ được CQĐT thu hồi

Mới đây, Giám đốc CATP Đà Nẵng có kế hoạch chỉ đạo CA các đơn vị địa phương phối hợp Phòng CSQLHC về TTXH tổ chức tổng rà soát, kiểm tra tất cả các điểm kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn. Tại Q. Cẩm Lệ, đại tá Lê Tấn Dơn, Phó trưởng CAQ cho biết, qua tổng kiểm tra các dịch vụ kinh doanh có điều kiện như tiệm cầm đồ, khách sạn, nhà nghỉ nhà cho thuê, từ ngày 29-2 đến 20-4, Đội CSQLHC về TTXH CAQ đã phát hiện, lập biên bản xử phạt hành chính 24 trường hợp/100 cơ sở. Trong số này, có 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ vi phạm, phạt 4,1 triệu đồng, chủ yếu là lỗi cầm tài sản không chính chủ sở hữu. Thượng tá Trần Viết Liêu, Trưởng phòng CSQLHC về TTXH cho biết thêm, về mặt quản lý Nhà nước, Giấy phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ là do UBND cấp quận, huyện cấp. Cơ quan CA chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Theo cơ quan CSĐT CA các cấp, dịch vụ cầm đồ là mảnh đất màu mỡ để các loại tội phạm và tệ nạn xã hội sinh sôi nảy nở. Giả định, nếu các băng nhóm tội phạm trộm cắp được tài sản, không được các dịch vụ này tiêu thụ thì liệu chúng có đất sống? Ấy vậy nhưng đến khi bị phát hiện, thu hồi tang vật là tài sản trộm cắp, các chủ hiệu cầm đồ đều có chung “điệp khúc”: không biết đó là tài sản gian; không ngờ bị bọn chúng lừa, nói là tài sản của gia đình mang đi cầm tạm vài ngày. Có trường hợp còn khẳng định bị khách hàng mang tài sản gian đến lừa đảo, làm giả giấy tờ đứng tên chủ sở hữu để cầm... Xét về lý, khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi việc kinh doanh này đã được Nhà nước cấp phép, ngoại trừ xe máy, ô-tô và một số tài sản giá trị gắn liền với chủ sở hữu, còn lại đa phần không thể xác định được.

Có thể nhận thấy, việc siết chặt công tác quản lý và tạm ngừng đăng ký mới dịch vụ cầm đồ kể từ năm 2012 là một động thái tích cực của lãnh đạo TP Đà Nẵng. Bởi xét cho cùng, nếu dịch vụ này ngày càng phát triển lớn mạnh mà không được kiểm soát chặt chẽ sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, nhất là gây ra bất ổn về ANCT và TTATXH.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đ.Vinh – T. Dũng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN