Lừa xuất khẩu lao động
Nhận hơn 1,5 tỷ đồng để đưa 57 người dân ở các xã nghèo của tỉnh TT-Huế đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng Trần Thị Thanh Phương (1959, trú TT Mộc Châu, H. Mộc Châu, Sơn La) - nguyên Giám đốc chi nhánh Cty CP Du lịch Hà Tây đã không thực hiện và chiếm đoạt số tiền nói trên. Cơ quan CSĐT CA tỉnh TT-Huế vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam Phương về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Dân nghèo điêu đứng
Tháng 10-2007, Văn phòng LOD tại Huế với danh nghĩa là đại diện của Cty CP Du lịch Hà Tây (gọi tắt là chi nhánh) tuyển 57 LĐ trên địa bàn tỉnh TT-Huế đi làm việc có thời hạn tại Cộng hòa Czech. Với mong ước thoát nghèo, cải thiện kinh tế, theo yêu cầu, 57 LĐ đã nộp cho chi nhánh số tiền 16 triệu đồng/người để làm thủ tục XKLĐ. Đến tháng 9-2008, chi nhánh và 57 LĐ chính thức ký hợp đồng đi làm việc tại Cộng hòa Czech, đồng thời có giấy xác nhận tuyển dụng 57 LĐ tại TT-Huế để người lao động (NLĐ) làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Tiếp đến, từ ngày 5 đến 8-11-2008, chi nhánh gửi 3 công văn đến NHCSXH Hương Thủy (TT-Huế) với nội dung các LĐ đã có Visa (nhưng thực tế chưa có) để NLĐ được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng/người và nộp cho chi nhánh. Tuy nhiên, ngày 25-11-2008, chi nhánh tiếp tục gửi thông báo đến NLĐ với nội dung “thị trường lao động tại Czech đóng cửa và chi nhánh đã chuyển số LĐ này sang thị trường Slovakia” mà không có sự thỏa thuận với NLĐ theo quy định. Từ đó đến nay, tất cả những người đã ký kết hợp đồng chưa có người nào được XKLĐ và số tiền hơn 1,5 tỷ đồng chi nhánh đã thu từ 34 NLĐ (một số người khác đã được chi nhánh hoàn trả tiền) vẫn chưa được hoàn trả.
Cơ quan CA lấy lời khai của Trần Thị Thanh Phương.
Ông Lê Viết Song (trú thôn 8A, xã Thủy Phù, TX Hương Thủy), bố của Lê Văn Tài, một trong những người ký hợp đồng XKLĐ với chi nhánh trên bức xúc: “Để có tiền cho con đi XKLĐ, gia đình tôi đã vay mượn hơn 40 triệu đồng để nộp cho chi nhánh. Từ năm 2008 đến nay, gia đình tôi chìm trong nợ nần, cả nhà vất vả xoay xở trả nợ nhưng vẫn chưa hết. Ngoài số tiền 46 triệu đồng nộp cho chi nhánh, chúng tôi còn phải trả hàng chục triệu đồng cho rất nhiều khoản chi phí ăn, ở, đi lại, học phí trong quá trình ra Hà Nội học ngoại ngữ và đào tạo nghề trước khi đi XKLĐ”.
Tương tự, bà Lê Thị Viễn (54 tuổi) - mẹ của anh Phan Văn Tuấn (26 tuổi) cũng trở thành con nợ khi bị lừa, cho biết: “Khi huyện, xã đứng ra vận động đi XKLĐ, người dân ai cũng mừng vì nghe nói qua bên đó nếu chịu khó sẽ làm được nhiều tiền. Vợ chồng tui đã thế chấp sổ đỏ vay 2 ngân hàng tổng cộng 80 triệu đồng để nộp và cho con đi Hà Nội học nghề theo yêu cầu của Cty. Nhưng không ngờ mấy năm trời vẫn không đi được. Tháng mô vợ chồng tui cũng phải chạy đôn chạy đáo để có tiền trả lãi ngân hàng”.
Được biết, trong số 57 LĐ, chỉ riêng xã Thủy Phù (TX Hương Thủy) đã có tới 35 người tham gia ký kết hợp đồng XKLĐ với Cty CP Du lịch Hà Tây.
Người thân của những nạn nhân bị lừa đi XKLĐ điêu đứng vì dính vào nợ nần.
Sử dụng hợp đồng hết giá trị
Thiếu tá Trần Văn Sung - điều tra viên Phòng CSĐTTPVTTQLKT&CV CA tỉnh TT-Huế cho biết: “Sau thời gian nghiên cứu, xác minh, thu thập chứng cứ, CQĐT CA tỉnh TT-Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Thanh Phương - Giám đốc Chi nhánh Cty CP Du lịch Hà Tây về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mới đây, cơ quan CA bắt tạm giam đối tượng để tiếp tục điều tra, xử lý. Thủ đoạn lừa đảo trong vụ án này là Cty CP Du lịch Hà Tây sử dụng hợp đồng cung ứng LĐ đã hết giá trị để tuyển và thu tiền của NLĐ rồi chiếm đoạt.
Cụ thể, tháng 1-2008, chi nhánh đã thực hiện xong hợp đồng 01/2007/HATTOCO-VIETVANDA với Cty TNHH Vietvanda - Cộng hòa Czech về việc cung ứng 14 LĐ Việt Nam cho chủ sử dụng LĐ tại Cộng hòa Czech, nhưng vẫn dùng hợp đồng này để tiếp tục tuyển 57 LĐ tại TT-Huế. Ngoài ra, theo quy định, khi NLĐ được cấp thị thực nhập cảnh (Visa) tại nước tiếp nhận LĐ, doanh nghiệp mới được phép thu các khoản chi phí, nhưng trong vụ án này, chi nhánh Cty CP Du lịch Hà Tây đã đồng loạt thu tiền của NLĐ khi chưa có Visa.
Theo cơ quan CSĐT, qua vụ án này cho thấy, hiện nay, một số quy định trong quản lý XKLĐ vẫn còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ. Theo quy định, mỗi doanh nghiệp được tuyển dụng LĐ phải đảm bảo những tiêu chí sau: Có chức năng tuyển LĐ; có hợp đồng cung ứng LĐ với nước ngoài; hợp đồng LĐ phải còn giá trị hiệu lực; hợp đồng được đăng ký tại Cục Quản lý LĐ ngoài nước (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) và được sự cho phép mới có hiệu lực. Tuy nhiên, Cty CP Du lịch Hà Tây chưa đáp ứng được những tiêu chí nói trên nhưng vẫn tiến hành việc tuyển dụng và thu tiền của người LĐ.
Vụ việc hiện đang được CQĐT CA tỉnh TT-Huế tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ và truy tố các đối tượng ra trước pháp luật.