Lời nhắn từ Bàu Bàng
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng về tác hại của ma túy luôn được các cấp, các ngành chú trọng. Ở nhiều địa phương trên cả nước, tình hình tội phạm về ma túy, tệ nạn về ma túy vẫn vô cùng phức tạp, lực lượng CA cùng các ngành chức năng trong thời gian qua đã phát hiện, khám phá, bắt giữ hàng chục vụ án về tội phạm ma túy với mức độ hành vi phạm rất lớn kể cả về con người lẫn số lượng ma túy.
Song, vì siêu lợi nhuận của ma túy, tội phạm trên lĩnh vực này ngày càng tỏ ra liều lĩnh hơn, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn... sẵn sàng điên cuồng chống trả lực lượng chức năng kể cả việc đánh đổi tính mạng của mình. Theo số liệu của ngành chức năng, tình hình tội phạm ma túy ở Đà Nẵng cũng ngày càng phức tạp, số vụ án về ma túy được khám phá trong 6 tháng đầu năm 2012 tăng 104% so với cùng kỳ năm 2011.
Điều đó nói lên rằng, Đà Nẵng cũng là mảnh đất mà tội phạm ma túy luôn tìm cách xâm nhập. Bên cạnh đó, với vị trí là trung tâm của dải đất miền Trung, Đà Nẵng vô hình trung trở thành nơi “quá cảnh” của tội phạm ma túy, nhằm tiếp cận các địa bàn miền núi, các điểm khai thác lâm sản, đào đãi vàng trái phép, thậm chí, còn tiếp cận đến các huyện đảo miền Trung.
Xin đơn cử trường hợp như em Nguyễn H. quê ở vùng biển Quảng Ngãi, H. là thanh niên mới lớn cường tráng khỏe mạnh, là lao động chính trong gia đình, từng theo tàu đi đánh bắt hải sản xa bờ nhiều năm qua.
Vậy mà ma túy đã tràn vào vùng biển quê H., biến H. trở thành con nghiện, dặt dẹo, bỏ hết công ăn việc làm...Gia đình H. rất lo lắng, nhưng thương con, định đưa H. đi “tạm lánh” ở địa phương khác để “trốn” ma túy. H. đã đi TPHCM, Hà Nội...nhưng gia đình H. đâu có hiểu rằng, ma túy đâu có chừa chỗ nào để một con nghiện không tìm đến.
Tham gia sinh hoạt văn nghệ trong buổi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cuối năm 2011. Ảnh: H.T
Vào đầu tháng 8/2012 vừa qua, khi H. đang lang thang tìm kiếm bạn nghiện trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) thì bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ, lập hồ sơ, ra quyết định đưa H. vào tập trung cai nghiện tại trung tâm 05-06. Hôm chúng tôi gặp H. em vừa trải qua giai đoạn điều trị cắt cơn nghiện 15 ngày trong Trạm xá trung tâm, đã được chuyển sang phân ban học tập về nhân cách, pháp luật, lao động để rèn luyện...
Em vui vẻ cho biết: “Sức khỏe em đã khá hơn rất nhiều, vào trung tâm, lúc đầu em rất lo, đã có lúc em điện cho ba mẹ ra “xin” cho em về, nhưng được các bác các chú cán bộ động viên, an ủi, chăm sóc chu đáo, em rất cảm động và đã yên tâm, em quyết tâm cai nghiện bằng được...Ba em nói, nếu em cai nghiện thành công, khi về sẽ cho em đi học lớp lái tàu, rồi trao hẳn con tàu đánh bắt xa bờ cho em quản lý...em sẽ quyết tâm...”.
Phó Giám đốc trung tâm 05-06 Phạm Tạo cho biết, theo QĐ 40 của UBND TP Đà Nẵng, quy định về thời gian cai nghiện, đối với các trường hợp mới chỉ sử dụng thuốc lắc, ma túy đá dạng đá nhẹ (ma túy tổng hợp), thời gian bắt buộc cai nghiện là 3 tháng. Tái sử dụng lần 1, thời gian cai là 6 tháng, lần 2 là 12 tháng, lần 3 là 24 tháng.
Các trường hợp sử dụng ma túy là heroin, lần đầu thời gian cai nghiện là 12 tháng, tái sử dụng lần 2, thời gian cai nghiện 24 tháng. Bất kể trường hợp nào, khi tập trung cai nghiện tại trung tâm, học viên đều phải qua các giai đoạn bắt buộc: Sau khi đã cắt cơn nghiện, học viên được chuyển sang học tập giáo dục nhân cách, đạo đức, trường hợp nào mù chữ sẽ được học lớp xóa mù chữ. Tiếp đó là học tập, giáo dục về pháp luật, luyện tập đội hình, đội ngũ để quen với nếp sinh hoạt có kỷ cương, kỷ luật, tiếp tục điều trị chữa bệnh do hậu quả ma túy gây ra...
Tiếp đó, những học viên nào chưa có nghề nghiệp, hoặc có nhu cầu học nghề sẽ được sắp xếp vào các lớp dạy nghề. Trong những năm qua, 100% học viên tại trung tâm đều chấp hành tốt các nội quy, quy định, kỷ luật, tỷ lệ học viên học tập, rèn luyện, lao động đạt thành tích tốt chiếm tỷ lệ khá cao. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm hết mình vì công việc, tình thương yêu đối với những người một thời lầm lỡ của đội ngũ cán bộ công nhân viên của trung tâm. Từ đó đã làm cho các học viên nhận rõ lỗi lầm của mình, đoàn kết, thương yêu nhau, động viên nhau cùng học tập, rèn luyện để từ bỏ, đoạn tuyệt với ma túy.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin nhắc lại những tâm sự đầy trăn trở, đầy lo lắng bằng tinh thần trách nhiệm cao cả của anh Phạm Ngọc-Trưởng Ban Quản giáo Trung tâm 05/06 Đà Nẵng: “Các học viên khi còn ở trung tâm, tất cả đều chấp hành tốt, từ bỏ hoàn toàn với ma túy. Nhưng khi được ra ngoài xã hội, nếu không được sống trong một môi trường tốt, lại tiếp xúc quan hệ với bạn bè nghiện ngập cũ, thiếu sự quản lý của gia đình, người thân, và cả chính quyền, ban ngành đoàn thể của địa phương nơi cư trú, thì việc lại tái nghiện là rất dễ dàng. Vì vậy để cho tội phạm ma túy không còn đất gây tội ác, để người nghiện không còn có cơ hội tái nghiện, vẫn cần sự chung tay quyết liệt hơn nữa tất cả cộng đồng trong xã hội. Ma túy không bỏ ai và ai cũng có thể từ bỏ được ma túy nếu toàn thể cộng đồng đều quyết liệt chung tay trong cuộc chiến phòng chống đấu tranh với ma túy...”.