Giữ chân chất xám

Tìm được người tài không dễ, giữ được người tài càng khó. Chất xám đôi khi không tuân theo quy luật tự nhiên “chảy chỗ trũng”, mà bị hút bởi các hấp lực khác nhau, không chỉ bằng sự ưu đãi về vật chất, công việc, mà còn bởi các yếu tố tinh thần, thậm chí cần sự khắt khe, nghiêm túc...

Bên cạnh phát hiện, chăm chút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, trong những năm qua, Đà Nẵng đã rất quan tâm đến việc thu hút nhân tài. Bên cạnh việc chiêu hiền đãi sĩ, việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ CNH-HĐH cũng được Đà Nẵng quan tâm. Ngoài ra, chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” còn được thể hiện qua các quy định về chính sách ưu đãi đối với các đối tượng được tiếp nhận và bố trí công tác theo chính sách thu hút nguồn nhân lực của thành phố...

Kết quả là, nhờ thực hiện một số chính sách thu hút chất xám, thành phố đã thu hút được nhiều nhân tài về làm việc tại những cơ  quan, đơn vị Nhà nước. Tuy nhiên, những ưu đãi được đưa ra dường như vẫn chưa đủ sức hút cần thiết, cần phải tiếp tục có những điều chỉnh về chính sách, chế độ đãi ngộ mới, mở hơn, thoáng hơn để  những người tài thật sự có đất phát huy sở trường. Bên cạnh những thành quả rất đáng ghi nhận vẫn còn một số bất cập, tồn tại trong chính sách ưu đãi đối với những người được “trải thảm đỏ” về với thành phố. Vẫn  còn những người thật sự có tài nhưng chưa được tạo “đất” để phát huy hết khả  năng cũng như chế độ đãi ngộ về thu nhập, về nhà ở chưa tương xứng.

Giữ chân chất xám - 1

Nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh gặp mặt thân mật các tiến sĩ về làm việc tại Đà Nẵng

Một thực tế đáng lo ngại là đang có hiện tượng “chảy máu chất xám” trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước. Xu hướng người tài, người có trình độ xin chuyển qua doanh nghiệp, ra mở công ty tư nhân, làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc tìm đường đến các thành phố lớn  như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... không còn là cá biệt. Đã có những sinh viên khá giỏi được nhận về và phân bổ trong các cơ quan Nhà nước “lặng lẽ ra đi” không một lời từ biệt. Một số Sở đã có tình trạng tìm không ra người mới, trong khi người có kinh nghiệm làm được lại tìm mọi lý do để ra đi. Đành rằng, nói là làm ở đâu cũng là phục vụ cho  đất nước, dù làm Nhà nước, làm cho tư nhân, cho nước ngoài..., miễn là kiếm đồng tiền chính đáng, không vi phạm pháp luật.

Nhưng nếu cứ “mở cửa thông thoáng” để ai muốn ra đi cũng được trong khi lại không có nhiều người có năng lực trình độ được tuyển dụng mới, thì tất yếu bộ máy Nhà nước sẽ ngày càng già cỗi, suy yếu đi. Đó là chưa kể  trường hợp một số bạn trẻ lấy cơ quan Nhà nước là nơi tạm dừng chân để tìm kiếm những suất học bổng nước ngoài hoặc để làm “trạm quan sát” tìm kiếm một chỗ làm mới “màu mỡ” hơn. Quả là một thực tế rất đáng suy ngẫm.

Với đối tượng được chọn lựa kỹ ở khâu đầu vào mong muốn của chính quyền thành phố là họ sẽ cống hiến hết mình cho quê hương bằng kiến thức đã tiếp thu được ở nước ngoài... Tuy nhiên, muốn đạt được mục đích đó thì trên hết vẫn cần có môi trường làm việc tốt và thu nhập tương xứng với năng lực, hay cụ thể hơn là phải có “đất sống” tốt để có điều kiện phát huy hết óc sáng tạo.

Trung bình, chi phí để một SV du học ở các nước phát triển khoảng từ 20 đến 25 ngàn USD/1 người/1 năm, phí sinh hoạt khoảng 12 ngàn USD/1 người/1 năm. Tổng cộng 1 suất học bổng nước ngoài thời hạn 4 năm mà thành phố cấp tốn từ 2,5 đến 3 tỷ đồng/1 người/1 khóa học (tùy theo nước-PV).

Một vấn đề cần đề cập nữa là đối với diện sinh viên khá giỏi đã nhận về tại các cơ quan Nhà nước, ngoài chính sách đãi ngộ hiện hành, nên quan tâm để các em sớm được đứng vào hàng ngũ công chức, để có điều kiện đề bạt, đào tạo đối với những người có năng lực thực sự, tránh tình trạng làm 5 – 6 năm mà vẫn là diện “sinh viên khá giỏi”, tương lai mờ mịt, năng lực bị thui chột và... thu nhập khiêm tốn. Cũng tránh tình trạng lấy mục tiêu tinh giản biên chế mà “tiết kiệm nhân lực” quá mức, dẫn đến nhiều người phải làm quần quật, kể cả ngoài giờ trong khi thu nhập thêm từ khoản tiết kiệm không cao cho lắm, mặc dù việc tuyển dụng thêm người là rất bức thiết. Thiết nghĩ, đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc “chảy máu chất xám” do không chịu nổi áp lực về công việc trong khi thu nhập cũng không phải là vượt trội hơn ai.

Tóm lại, trong việc thu hút nhân lực chất lượng, bên cạnh  việc thu hút tốt người tài phải đi đôi với giữ chân được họ. “Chiêu hiền” tốt phải đi đôi với “đãi sĩ” hay. Và cũng phải thẳng thắn đối mặt với thực tế hiện nay là thu nhập quá thấp từ đồng lương công chức cùng với môi trường làm việc không phù hợp, đôi khi có cả sự đố kỵ của  một số cán bộ có thâm niên công tác nhưng năng lực sáng tạo đã cạn... từ đó đã làm cho hiện tượng “chảy máu chất xám" ngày càng trở nên phổ biến... Đáp số cho bài toán “giữ gìn chất xám” vẫn đang còn ở phía trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN