Đau đầu vì “điện tặc”

Có vô vàn lý do dẫn đến việc thất thoát điện năng. Chuyện bị người dân, đơn vị sản xuất, kinh doanh “câu” trộm hay dùng mọi cách để sử dụng điện “chùa” đã trở thành nỗi ám ảnh cho ngành Điện lực.

Cạnh đó, vật tư thiết bị điện trị giá cả trăm triệu đồng bị “tùng xẻo” từng phần đã gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế. “Điện tặc” hết sức tinh vi, việc “bắt tận tay, day tận trán” đã khó, để xử lý một trường hợp vi phạm cũng không hề đơn giản.

Trộm điện nhanh như... điện!

Đối với “điện tặc”, có 3 thủ đoạn chủ yếu sẽ được sử dụng tùy vào tình hình dân cư, địa hình cũng như thói quen của hộ gia đình hay nơi sản xuất. Đó là bứt con niêm để điện không chạy qua phía trong đồng hồ, mổ cáp để đấu nối phía trước đồng hồ và các thao tác để kim đồng hồ không thể quay. Mỗi tháng, chỉ áp dụng một trong ba chiêu trên trong khoảng thời gian 15 đến 20 ngày là ngành Điện cũng đủ đau đầu. Một cán bộ Phòng Thanh tra bảo vệ pháp chế của Cty Điện lực Đà Nẵng (ĐLĐN) cho biết: “Đối với những trường hợp câu trộm điện, mọi chuyện đâu vào đấy khi có cán bộ điện lực quận, huyện kiểm tra, ghi số đồng hồ vào những ngày định kỳ. Nhưng trước và sau đó dăm bảy ngày thì đồng hồ đo điện không có tác dụng gì cả”.

Đau đầu vì “điện tặc” - 1

Hiện trường một vụ “câu” trộm điện bằng cách lợi dụng chip đấu dây phía trước đồng hồ

Theo ông Đào Xuân Thuận - Phó Giám đốc Cty ĐLĐN, năm 2011, Cty ĐLĐN đã phát hiện, xử lý 32 vụ vi phạm trong sử dụng điện, với sản lượng điện năng bồi thường là hơn 95.500kWh, tương đương với gần 277 triệu đồng. Cty cũng đã chuyển hồ sơ cho Sở Công Thương xử phạt hành chính 83 triệu đồng. 4 tháng đầu năm 2012, đã có 9 vụ vi phạm sử dụng điện bị phát hiện với sản lượng điện năng phải bồi thường là 4.907kWh, tương đương hơn 11 triệu đồng. Trên thực tế, số điện năng thất thoát do vi phạm sử dụng điện chắc chắn lớn hơn rất nhiều so với những gì cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Không chỉ thất thoát điện năng, những năm qua, ngành Điện cũng hết sức đau đầu với vấn nạn trộm cắp vật tư thiết bị. Nếu như hành vi “câu” trộm điện nhằm hạn chế số tiền phải chi trả của người sử dụng thì chuyện trộm cắp thiết bị lại gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. Hầu hết các vụ trộm hướng tới dây cáp, đồng hồ tại các trạm biến áp. “Không rải rác như những năm trước, thời gian gần đây, các vụ cắt trộm dây cáp điện diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế” - ông Đào Xuân Thuận nói.

Anh Hùng - một người dân ở KDC Đại La (Q. Liên Chiểu) kể: “Đang giữa đêm, tự nhiên cả KDC bị cúp điện, mọi người nghe tiếng ô-tô phóng đi, một lúc thì tá hỏa vì phát hiện cả chục mét dây cáp ở trạm biến áp đã bị cắt trộm”. Theo lãnh đạo Cty ĐLĐN thì hiện trường các vụ trộm cắp đều cho thấy đối tượng thực hiện là những người có kiến thức, hiểu biết về ngành Điện nên mới nắm được quy luật vận hành cũng như thực hiện nhanh chóng. Năm ngoái, chỉ có Điện lực Hòa Vang và Ngũ Hành Sơn là không bị tấn công, các địa phương còn lại xảy ra 37 vụ với tổng thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, đã có 3 lần kẻ gian tấn công các trạm biến áp tại Liên Chiểu và Cẩm Lệ.

Đau đầu vì “điện tặc” - 2

Hiện trường một vụ cắt trộm cáp điện tại trạm biến áp (Ảnh do Điện lực Đà Nẵng cung cấp)

Phát hiện khó, xử lý không dễ

Về xử lý hành chính, mức phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm về điện là 40 triệu đồng. Nếu sử dụng “chùa” từ 3.000kWh trở lên thì sẽ xử lý hình sự. Nhưng trên thực tế, chưa có trường hợp nào bị xử lý như vậy. Vì cho dù hành vi có xảy ra thì để chứng minh bằng các con số cụ thể là quá khó khăn. Ông Ngô Phú Việt - Trưởng phòng Thanh tra bảo vệ pháp chế Cty ĐLĐN nói: “Có nhiều vụ việc rất nghiêm trọng nhưng chúng tôi chuyển qua cơ quan CA để xử lý hình sự thì không đủ cơ sở để khởi tố vì cả ngành Điện cũng không thể chứng minh được cụ thể lượng điện năng đã bị thất thoát của vụ việc đó”. Ông Nguyễn Đức Tuyến - Phó Chánh thanh tra Sở Công Thương cũng lắc đầu: “Khi bị phát hiện, người sử dụng thường bứt dây, xóa dấu vết, không hợp tác đã đành, có xong hồ sơ xử lý thì để truy thu đã khó, bắt họ nộp phạt còn khó hơn. Nhiều trường hợp đã mấy năm rồi không thu được tiền phạt”.

Theo thanh tra sở, quy trình để xử lý một vụ việc bắt đầu bằng việc kiểm tra thiết bị sử dụng, sau đó cộng tổng công suất của các thiết bị đó rồi xác định số ngày “trộm điện” bằng cách tính từ lần kiểm tra chỉ số đồng hồ gần nhất đến thời điểm phát hiện rồi trừ đi số ngày có chủ trương cắt điện trong thời gian đó. Lượng điện năng “câu” trộm sẽ bằng tổng lượng điện năng tiêu thụ trừ đi điện năng theo hóa đơn trong thời gian đó. Cơ quan chức năng coi đây là một việc vô chừng vì bóng đèn chẳng biết người ta thắp mấy giờ trong ngày, quạt thì mùa đông lại khác mùa hè, bàn ủi, tivi cũng chẳng biết họ sử dụng thế nào nữa.

Mặc dù Nghị định 68 của Chính phủ đưa ra những mức quy định cụ thể cho mỗi thiết bị phải “gánh” nếu người sử dụng bị phát hiện “câu” trộm điện, nhưng mức “áp trần” cho thiết bị chiếu sáng là 6 giờ/ngày, thông gió là 10 giờ, điều hòa 8 giờ... cũng chỉ mang tính ước lệ. Nghĩa là nếu họ dùng trộm cả ngày cũng chịu phạt từng đó mà sử dụng 5 phút cũng vậy. Theo danh sách các thủ phạm mà chúng tôi được cung cấp từ Sở Công Thương, không chỉ các hộ gia đình nghĩ ra các chiêu để câu trộm điện mà Cty, DN cũng cố tình xài “chùa”.

Dự kiến, năm 2012, sản lượng điện TP Đà Nẵng tiêu thụ sẽ là 1,617 tỷ kWh, tăng gần 13% so với năm ngoái. Việc cung ứng điện cho nhu cầu của người dân đang là một vấn đề nóng, trong khi đó điện thất thoát hằng ngày, một phần vì hành vi “câu” trộm, xài “chùa” là không nhỏ. Bên cạnh đó, việc mất trộm cáp, các thiết bị quan trọng tại các trạm biến áp luôn là mối lo thường trực của ngành ĐIệN. Tuy nhiên, về biện pháp xử lý, theo ngành chủ quản, trước mắt vẫn là phương pháp tuyên truyền, vận động người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Khanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN