Chuyển địa điểm, TT Cấp cứu 115 gặp khó
Sức khỏe của người dân không được bảo vệ, tốn kém kinh phí Nhà nước, hiệu quả hoạt động yếu kém..., là những khó khăn, bất cập đang tồn tại tại Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng khi đơn vị này chuyển về làm việc tại địa điểm mới...
Người dân kêu ca, thầy thuốc phàn nàn
TP Đà Nẵng có cả thảy 5 trạm cấp cứu 115, gồm: Trung tâm cấp cứu chính và 4 trạm vệ tinh là Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và Hòa Vang. Trong đó, trung tâm chính ở đường Hải Phòng đảm nhiệm công việc nhiều nhất do phục vụ nhân dân 3 quận trung tâm là Hải Châu, Thanh Khê và một phần quận Sơn Trà. Ngoài ra, khâu đảm bảo sức khỏe, phục vụ nhu cầu tại các sự kiện như hội nghị, hội thảo, lễ hội diễn ra trên địa bàn cũng do trung tâm đảm trách.
Đang hoạt động khá hiệu quả thì cuối tháng 5-2012, UBNDTP Đà Nẵng có Công văn số 3547/UBND – QLĐTư về việc di dời Trung tâm cấp cứu tại 126 - Hải Phòng tới địa chỉ mới tại khu dân cư Trung Nghĩa, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu để chỉnh trang Bệnh viện Đà Nẵng. Làm việc ở vị trí rộng rãi hơn tuy có thoải mái hơn, song cũng từ đây phát sinh hàng loạt bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, còn đội ngũ y, bác sĩ thì mang tâm lý căng thẳng trước phản ứng của người nhà và bệnh nhân.
Đang có rất nhiều bất cập khi Trung tâm cấp cứu 115 chuyển lên Hòa Minh
Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, lãnh đạo trung tâm trăn trở: Trong số gần 100 ca cấp cứu sau hơn 1 tháng trung tâm chuyển đến địa điểm mới thì có đến 80% số ca bị người dân phàn nàn, tỏ thái độ bức xúc khi các bác sĩ có mặt xử lý cấp cứu muộn do đường vận chuyển khá xa so với trước đây. Nhiều người còn hiểu nhầm cho rằng bác sĩ thờ ơ, vô trách nhiệm (thậm chí có người còn dọa đánh bác sĩ ngay giữa đường). Những lúc như vậy, họ phải giải thích cho người dân hiểu rằng, trung tâm mới ở địa điểm rất xa nên không thể đến nhanh được.
Có trường hợp một bệnh nhân bị suy hô hấp cấp rất nguy kịch nên người nhà gọi tới 115 trợ giúp. Ngặt nỗi, sau 20 phút đến nơi (nếu ở vị trí cũ chỉ cần 3-4 phút–PV) thì đã muộn, bác sĩ cho thở ô-xy nhưng vẫn không cứu được bệnh nhân, khiến người nhà khá bức xúc, la lối, mắng mỏ cho rằng bác sĩ thiếu trách nhiệm... Sau lần đó, mỗi lần có yêu cầu trung tâm chở cấp cứu, bác sĩ Hồng phải nói với người nhà bệnh nhân nên chủ động sử dụng phương tiện khác gần hơn để kịp thời đưa người bệnh đi cấp cứu.
Việc chuyển Trung tâm cấp cứu 115 lên Hòa Minh khiến các y, bác sĩ đang gặp nhiều trở ngại khi tham gia cấp cứu cho người bệnh tại các khu vực Hải Châu, Thanh Khê và một phần Q. Sơn Trà.
Việc di chuyển địa điểm hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 dẫn đến nhiều bất cập, hệ lụy, cụ thể là chi phí đi lại cao lên, hiệu quả phục vụ, bảo vệ sức khỏe cho người bệnh thấp do quá xa bệnh viện. Như vậy việc tiếp cận, cấp cứu kịp thời bệnh nhân rất thấp, thậm chí nhiều người bệnh nặng như viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, suy hô hấp cấp... rất dễ tử vong nếu không kịp thời sơ cứu, cho thở ô-xy.
Chi phí tăng, hiệu quả phục vụ thấp
Thống kê trong 1 tháng chuyển vị trí trung tâm cho thấy, với 125 ca cấp cứu trung tâm nhận tin báo của nhân dân thì chỉ có 69 ca được cấp cứu (tức có bệnh), còn lại người dân phải tự xoay xở, tìm cách vận chuyển bằng phương tiện khác đến bệnh viện khi xe cấp cứu chưa tới. Thêm một so sánh khác, tỷ lệ không có bệnh khi trung tâm chuyển đến địa chỉ mới rất cao (gần 50%), trong khi đó thời gian khi trung tâm chưa chuyển tỷ lệ này chỉ khoảng 15%. “Quận Hải Châu, Thanh Khê và Sơn Trà do trung tâm 115 chính đảm nhận, trong khi đó, các khu vực này dân đông, số người già, hưu trí, lão thành cách mạng tập trung nhiều nên nhu cầu cần cấp cứu hằng ngày cao. Mỗi lần cần xe tới trễ các y, bác sĩ bị hiểu nhầm, bị người nhà bệnh nhân la mắng, trách cứ”–bác sĩ Hồng tâm sự.
Không chỉ ảnh hưởng đến khâu phục vụ, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân mà chi phí nhiên liệu, hao mòn xe cũng hao tổn đến chóng mặt. Trung bình, mỗi năm trung tâm tham gia cấp cứu khoảng 6.000 -7.000 ca bệnh (cả bệnh cấp cứu và tai nạn giao thông) trước đây, chi phí xăng dầu khoảng 1-1,2 tỷ đồng, thì hiện tại tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 do đường đi xa hơn, từ 5-7km lên 15-20km. Trong khi đó, hiệu quả phục vụ lại thấp hơn 3-4 lần. Bên cạnh đó, từ khi trung tâm không còn ở đường Hải Phòng, tình trạng các xe cấp cứu 115 “dỏm” giả danh 115 thật lại đang có chiều hướng nhen nhóm trở lại (vấn đề này Báo CATP Đà Nẵng từng có bài viết phản ánh về xe 115 “dỏm” hoạt động, bắt chẹt giá vận chuyển cao khi người nhà bệnh nhân có nhu cầu thuê xe chở người bệnh hoặc bệnh nhân tử vong về nhà hòng trục lợi, khiến cơ quan CA phải vào cuộc dẹp bỏ).
Được biết, trước những bất cập từ sự thay đổi vị trí, lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 đang có tờ trình gửi lãnh đạo thành phố xem xét, bố trí lại trụ sở hoạt động của trung tâm một cách phù hợp, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu cho nhân dân. Điều này, tại kỳ họp HĐND mới đây, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng đã từng nhắc đến, đồng thời chỉ rõ việc đưa Trung tâm cấp cứu từ Hòa Minh về là không hợp lý, ảnh hưởng lớn đến khâu cấp cứu người bệnh.
Để giải quyết những bất cập này, thiết nghĩ lãnh đạo thành phố cần phải có sự thay đổi kịp thời, cụ thể là di chuyển vị trí trung tâm về lại một địa điểm hợp lý để phục vụ hiệu quả nhất nhu cầu người bệnh.