Châu chấu nuôi... người

Ở Đà Nẵng hiện có khoảng 30 gia đình hành nghề bắt châu chấu. Thu nhập tuy không cao nhưng tương đối ổn định, có những gia đình bắt châu chấu chuyên nghiệp, mỗi ngày có khi kiếm tiền triệu...

Tôi đi bắt châu chấu

3 giờ sáng chúng tôi đứng “phục kích” ở con đường hướng thẳng lên đèo Hải Vân. Chưa đầy 15 phút sau, một cặp vợ chồng chở nhau trên chiếc xe máy xuất hiện, đằng sau xe gắn theo hai chiếc vợt. Phải rất lâu chúng tôi mới có thể tiếp cận trò chuyện và xin được đi bắt châu chấu cùng với hai vợ chồng ông Trương Ngọc Cương và bà Nguyễn Thị Khanh (ở khối Hải Hà, P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu).

Địa điểm bắt châu chấu hôm nay của vợ chồng này ở cánh đồng thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, H. Phú Lộc, TT Huế. Ông Cương kể: “Trước đây, ở Đà Nẵng còn có nhiều ruộng đất nông nghiệp thì có nhiều châu chấu, dần dần đô thị hóa nên muốn bắt châu chấu phải đi đến những vùng có ruộng lúa ở hai tỉnh lân cận là Quảng Nam và Huế”.

Đến địa điểm khi trời mới tờ mờ sáng, hai vợ chồng ông Cương đã bắt đầu vào cuộc săn châu chấu. Mỗi người cầm một cây vợt nặng chừng 3kg, một chiếc túi đan bằng lưới được thiết kế đựng châu chấu giắt ngang hông, chia ra hai hướng. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, chỉ cần nhìn qua, ông Cương hiểu rõ đám cỏ nào có châu chấu, đám cỏ nào nhiều ít. “Tôi chỉ cần đưa chân đạp đạp mà thấy có châu chấu bay lên mới vào đánh. Châu chấu nhiều ở những đám cỏ già và hơi xơ xác một chút, chứ những đám cỏ xanh ngắt thì rất ít!”.

Châu chấu nuôi... người - 1

Châu chấu nuôi... người - 2

Ông Cương-bà Khanh vẫn dẻo dai trên từng cú vợt.

Mặc dù đã 65 tuổi, trông ông Cương vẫn còn rất trẻ và khỏe mạnh, những cú vơ tay của ông hết sức dũng mãnh. Nhìn thấy dễ nhưng muốn vợt được châu chấu không hề đơn giản, nếu không vợt đúng kỹ thuật thì châu chấu sẽ không vào vợt mà bay ra ngoài. “Nghe tiếng động châu chấu sẽ bay lên, khi đưa ngang cây vợt thì nó sẽ tự động bay vào trong, chứ không biết mà úp lại thì vào trong rồi nó sẽ văng ra ngoài. Săn châu chấu cũng là cả một nghệ thuật”- ông Cương hóm hỉnh.

Theo ông Cương, châu chấu có vòng đời khoảng 3 tháng từ khi sinh ra đến khi chết. Khi cây lúa bắt đầu lớn là lúc châu chấu đẻ trứng, đến ngày gặt lúa cũng là lúc châu chấu trưởng thành, châu chấu mẹ sau khi đẻ trứng sẽ chết. Vì thế, mùa gặt lúa cũng là mùa làm ăn lớn của người săn châu chấu. Châu chấu vừa nhiều, vừa đẹp, khách hàng rất ưa chuộng nên thu nhập khá hơn.

Châu chấu nuôi... người - 3

Hơn 10 năm săn châu chấu, hai vợ chồng ông Cương trải qua nhiều kỷ niệm vui buồn với nghề.

Tầm 7 giờ sáng, khi bắt đủ lượng châu chấu mà khách đã đặt hàng, hai vợ chồng ông Cương quay về. Bà Khanh cho biết, hôm nay may mắn hơn mọi ngày vì gặp địa điểm có nhiều châu chấu, bình thường phải đánh đến 8 giờ mới có số lượng châu chấu vừa đủ. Nếu thừa ra sẽ bỏ ở những quán cà-phê nuôi chim. Số châu chấu bắt được, vợ chồng ông Cương mang về nhà phân loại ra thành châu chấu già và châu chấu mỡ, bỏ vào túi ni lông chờ khách đến lấy. Mỗi túi sẽ có 20 con to nhỏ đều nhau được bán với giá 4.000 đồng, mỗi ngày trung bình vợ chồng ông Cương bắt được khoảng 80 túi, tính hết chi phí, vợ chồng ông kiếm được gần 300.000 đồng.

Ăn của trời, rơi nước mắt

Theo ông Cương, nghề này bất kể ngày nắng mưa, quanh năm suốt tháng, trừ lụt bão và ngày tết. “Làm ăn chủ yếu là có uy tín, người ta đã đặt mua với số lượng cố định theo từng ngày, nếu không có châu chấu cho chim họ ăn thì mất hết uy tín. Nhiều hôm về không phải mua lại châu chấu của người khác cho bạn hàng”.

Châu chấu nuôi... người - 4

Châu chấu sau khi đóng gói được bán ở các cửa hàng.

Đang tranh thủ vơ vợt qua một đám cỏ thì bất ngờ ông Cương vứt vợt bỏ chạy, chúng tôi không hiểu chuyện gì cũng vứt dép chạy theo. Hóa ra vợt ông Cương vơ trúng tổ ong. “Người ngoài nhìn vào cứ nghĩ rằng đơn giản, cứ sáng sớm đi, khoảng 9 giờ về đến nhà, thời gian còn lại ăn chơi cũng kiếm được một ngày 200 đến 300.000 đồng. Tuy nhiên, những rủi ro khi gặp phải cũng rất nhiều”.

Tìm đến cửa hàng buôn bán châu chấu trên đường Hoàng Diệu, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Tín, chủ “đại lý” châu chấu cho biết, mỗi ngày anh thu mua khoảng 400 túi châu chấu để phân phối cho những người nuôi chim trên địa bàn. Hiện tại, ở Đà Nẵng có khoảng 30 gia đình hành nghề bắt châu chấu. Có nhiều gia đình bắt châu chấu chuyên nghiệp mỗi ngày có khi kiếm tiền triệu. Họ không chỉ bắt ở các tỉnh lân cận mà còn đi các tỉnh phía ngoài như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... rồi đóng thùng gửi xe khách về Đà Nẵng cho bạn hàng.

Cũng theo anh Tín, gần một năm nay những người bắt châu chấu cũng vất vả hơn vì châu chấu được nhập ở các tỉnh miền Tây về với giá rẻ, châu chấu to đẹp nên việc cạnh tranh cũng rất gay gắt. Mấy năm trước bắt được chừng nào cũng có người mua hết nhưng hiện nay có nhiều hàng, người nuôi chim tha hồ lựa chọn nên có khi bán ế. Vì thế, lượng châu chấu mua vào ở địa phương cũng ít hơn. Một số người bắt châu chấu không tìm được bạn hàng đành phải bỏ nghề...

Hóa ra, thời buổi cạnh tranh, đến cái nghề bắt châu chấu cũng “lên bờ, xuống ruộng”...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trương Thành (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN