Câu cá nục ở biển Sơn Trà

Một ngày chủ nhật, tôi được mấy người bạn rủ đi câu cá ở biển, khu vực bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.

Chiếc ghe chở mọi người xuất phát ở bến Sông Hàn từ 7 giờ sáng, đối tượng câu được nhằm đến là cá nục. Thuyền chở mọi người ra một khu vực xa. Nơi neo đậu để câu là nơi có những đám chà, được thả để dụ cá tụ. Chà dụ cá thường được làm bằng cây muồng, tàu dừa, cành tre và nhiều loài cây to còn cả lá thả xuống, tạo bóng râm cho cá vào trú ẩn.

Thuyền buông neo cạnh cái chà xong là tiến hành “tác nghiệp”. Cần câu cá nục phức tạp và có vẻ hiện đại, nôm na là cần câu máy, nó dài 2,5 đến 3m, có hệ thống máy quay thu cước, quăng mồi đi xa cả mấy chục mét. Đặc biệt, mồi câu cá nục là mồi giả, còn được gọi là mồi lông. Đoạn dây cước câu phía đầu (còn gọi là thẻo câu), dài 1,5 đến 2m, cứ cách 20 phân có một sợi dây cỡ 7 phân tóm một cái lưỡi với chùm lông tơ rất mịn màu trắng. Chùm lông này khi xuống nước sẽ phất phơ như những chùm rong rêu, có tác dụng dụ các loài cá biển chuyên ăn rong rêu đớp vào và dính lưỡi câu. Lưỡi câu lông là loại lưỡi tương đối nhỏ và thường không có ngạnh để hạn chế tình trạng rối cước. Phía dưới cùng của dây câu được buộc một viên chì hoặc bằng sắt cỡ 1 đến 2 lạng.

Ngồi trên thuyền thả câu cho quả chì chìm sát đáy, sau đó cuốn lên vài vòng và cứ nhấp cần, rung cần sao cho sợi lông tóm ở các lưỡi phất phơ trong nước như những sợi rong biển là được. Khi cá ăn lông, thì không giật như cách câu rê mà vừa thu cước, vừa rung cần để cả đàn cá tiếp tục ăn các lưỡi câu còn lại. Về lý thuyết, một đường câu như vậy, với một đoạn cước gắn 12 lưỡi câu, có thể bắt được 12 con cá  là chuyện thường.

Câu cá nục ở biển Sơn Trà - 1

Thú vị không?

Nghe kể là như vậy, nhưng khi bắt tay vào mới biết không phải dễ. Là người lần đầu tiên đi câu nục nên tôi cứ lóng nga lóng ngóng, khi thì quăng cước chẳng chạy do quên mở hãm máy quay,  lúc thì chỉ quăng rơi cái chũm ở ngay cạnh, vui nhất là có lần ngã chỏng vó trên lòng thuyền, may mà chưa rớt xuống nước. Được mấy “thợ” hướng dẫn, thị phạm, quăng giúp, thậm chí là giúp quăng đến khi cá mắc câu rồi mới chuyển trả lại cần... Cuối cùng rồi tôi cũng đã làm được và đã có sản phẩm là những chú cá nục đầu tiên.  “Thừa thắng xông lên”, có đợt tôi đã kéo được 8 con một lúc, còn lại  phổ biến là 3 -5 con.

Cá nục thường tụ cả đàn lớn xung quanh chà, nên khi vừa buông câu, rất dễ có cảm giác cá ăn mồi khi nghe sần sật đầu cần. Vừa quay máy thu dây vừa rung rung đầu cần, những chú cá sẽ lao theo táp vào những lưỡi câu còn lại cho đến khi không còn lưỡi nào trống. Khi kéo lên khỏi mặt nước, trước mặt sẽ là một đoạn cước câu đầy cá giãy đành đạch, lấp lánh dưới ánh mặt trời trông rất đẹp mắt. Ai cũng hì hục quăng và kéo, không khí thật vui và sôi nổi. Loại nục câu lần này là loại nục ít thấy ở chợ, được gọi là “Nục thuôn”, thỉnh thoảng có xen vào vài con nục gai, nục hoa và cả cá trích...

Gần 10 giờ, người ai cũng ướt sũng mồ hôi do trời nắng chói chang, và do “lao động” cật lực nữa. Tuy câu được nhiều nhưng mọi người bảo vẫn chưa “đã”, vì những lần trước còn nhiều hơn. Thú nhất là được ăn cá tại chỗ, những món “nóng hổi” là nục nướng, nục nấu thơm cà ăn với bún, còn mỗi người cũng được gần  4kg cá nục đem về.

Một buổi câu “chuyên đề” thật thú vị, người câu đỏ au, nhất là những chỗ da bị hở nhưng nói chung là một chuyến đi đáng nhớ, có sản phẩm đem về ăn thoải mái và còn cho bà con hàng xóm nữa. Dù sao thì mọi người cũng có buổi thưa giãn cuối tuần thật thú vị và bổ ích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dân Hùng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN