Cảnh giác với “phóng viên điều tra” và khách mua hàng vội vã

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra nhiều vụ dàn cảnh chiếm đoạt tài sản hết sức tinh vi và xảo quyệt.

Thủ đoạn chung của kẻ gian là đi thành nhóm 2-4 đối tượng, nhắm vào các cửa hàng quần áo, quầy tạp hóa, quán cà-phê, nước mía... lợi dụng khách đông, hoặc lúc vắng khách, một đối tượng vờ xem và mua hàng, hối thúc làm người bán mất cảnh giác để tạo điều kiện cho đồng bọn ra tay trộm cắp. Bên cạnh đó, vừa qua, một số đối tượng đã tự xưng là nhà báo của tạp chí này, tòa soạn kia đến liên hệ làm việc để... vay tiền của giám đốc ngân hàng, doanh nghiệp rồi “lặn mất tăm”. Những câu chuyện chúng tôi phản ánh thêm một lần nữa gửi đến bạn đọc như một lời cảnh tỉnh trước các thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm.

Khách mua hàng vội vã

14h ngày 12-5, có 2 người khách, một nam một nữ trẻ tuổi đi xe máy loại Dream đến quán nước mía trên đường Nguyễn Nhàn của chị Nguyễn Thị Thủy (trú tổ 16, P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Vào quán, khách luôn miệng kêu nóng, hỏi chủ quán có quạt không rồi gọi 2 ly nước mía. Chừng 5 phút sau, tiếp tục có đôi nam nữ khác đi xe máy đến hỏi mua card ĐTDĐ, loại MobiFone mệnh giá 20.000 đồng. Trong lúc chị Thủy lấy gói card ĐTDĐ trong tủ ra thì khách uống nước mía gọi tính tiền, đưa tờ 100.000 đồng và nhận tiền thối lại 90.000 đồng.

Thấy chị Thủy không có card mệnh giá theo yêu cầu, 2 khách vào sau nói không cần nữa, bảo chị Thủy làm gấp cho một bịch nước mía. Chị Thủy bỏ vội tập card ĐTDĐ và tiền vào tủ, đi ép nước mía cho khách. Xong một bịch, khách yêu cầu làm thêm bịch nữa và móc ra 10.000 đồng đưa qua đưa lại trước mặt chủ quán hỏi 10 ngàn đã đủ chưa. Cùng lúc đó, 2 người khách ngồi uống nước mía trước đó lễ phép chào chị Thủy ra về. Khi chị Thủy làm bịch nước mía thứ 2 xong thì khách bảo “để đó, em sang quán khác mua card điện thoại rồi quay lại lấy”. Khách đi rồi, đợi mãi không thấy quay lại, sinh nghi, chị Thủy kiểm tra tài sản thì phát hiện mất tập card điện thoại và tiền, tổng giá trị 1,4 triệu đồng. Xâu chuỗi lại toàn bộ sự kiện, lúc này chị mới biết đã bị 4 người khách vờ mua hàng để che mắt, chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác với “phóng viên điều tra” và khách mua hàng vội vã - 1

Quán nước mía của chị Thủy, nơi các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo

Một nạn nhân khác là bà K., chủ quán cà-phê gần ngã tư Cẩm Lệ kể: Hôm ấy, khoảng 12h trưa, quán vắng khách nên các nhân viên đi nghỉ, chỉ còn mình bà trông coi, dọn dẹp thì có 4 khách vào mua cà-phê, thẻ cào ĐTDĐ và liên tục hối thúc khiến bà K. cuống lên. Mặc dù có linh tính không hay, bởi từ trước đến nay, vào thời điểm trên, quán chưa bao giờ có khách như hôm ấy. Lúc đầu bà K. cũng có chút cảnh giác, nhưng các vị khách liên tục hối thúc, phần thì cà-phê, phần thì thẻ cào điện thoại khiến bà bận rộn với công việc và mất cảnh giác.

Khi bán hàng xong, khách đã đi, bà kiểm tra lại thì phát hiện số thẻ cào điện thoại trị giá gần 7 triệu đồng đã không cánh mà bay. Vài ngày trước đó, cũng tại quán cà-phê này, một thanh niên vào hỏi mua thuốc lá, đưa tờ tiền polymer mệnh giá 500 ngàn đồng. Loay hoay trả lại tiền thừa, chẳng hiểu sao khi khách đi rồi, bà phát hiện tờ polymer mệnh giá 500 ngàn đồng cũng đã bị bà trả lại vị khách kèm theo số tiền thừa.

Tương tự như bà K., bà T. (trú Q. Cẩm Lệ) tuy chỉ bán cà-phê vỉa hè nhưng cũng bị mất trộm gần 2 triệu đồng. Theo lời bà kể, lúc đó cũng đã gần tối, bà chuẩn bị dọn dẹp quán thì có 2 thanh niên vào bảo làm nhanh 5 ly cà-phê bỏ vào túi ni-lông. Sau đó, 2 thanh niên bảo bà làm thêm 5 ly nữa, rồi hối thúc làm nhanh. Lợi dụng lúc chủ quán mất cảnh giác, bọn chúng lấy trộm của bà 2 triệu đồng. Cùng thủ đoạn tương tự, một quầy tạp hóa khu vực chợ Hòa Cầm cũng bị kẻ gian chiếm đoạt hơn 10 triệu đồng.

Theo nhận định, thời điểm từ nay đến cuối năm, tình hình các loại tội phạm còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là vấn nạn lừa đảo, trộm cắp. Trước thực trạng trên, CAQ Cẩm Lệ khẩn trương vào cuộc điều tra, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này đến các ngân hàng, cơ sở kinh doanh, người dân... đồng thời tuyên truyền để nhân dân nâng cao cảnh giác. Nếu phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn phạm tội theo phương thức này, đề nghị người dân báo ngay cho cơ quan CA nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

"Phóng viên điều tra"

Cách đây khoảng 3 tháng, anh Nguyễn Văn A. - Giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng tiếp một người tự xưng là phóng viên tạp chí X. thuộc một bộ ở T.Ư. Trong quá trình tiếp chuyện, người này giới thiệu mình được lãnh đạo tạp chí X. phân công phụ trách địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, đồng thời đưa ra giấy chứng nhận của tạp chí X. chứng nhận là phóng viên nhưng phía dưới cùng của giấy chứng nhận có một dòng chữ nhỏ, nhìn kỹ mới thấy đó là “Giấy chứng nhận này không phải là giấy giới thiệu”.

Trong quá trình trò chuyện với Giám đốc A., “phóng viên” cho biết mình là cây viết phóng sự điều tra, đưa lên mặt báo nhiều vụ việc tiêu cực của các sở, ban, ngành, địa phương. Để chứng minh, anh ta đưa ra dẫn chứng vừa mới “đánh” Cty N. tại Đà Nẵng và ban lãnh đạo Cty phải gọi điện xin được thông cảm, đừng đưa lên mặt báo nữa... Tất nhiên, “phóng viên” này cũng đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” của các ngân hàng và bóng gió rằng mình đang được lãnh đạo tạp chí giao tìm hiểu viết bài điều tra...

Chừng một tháng sau, chàng “phóng viên” này trở lại gặp giám đốc A., nhưng lần này không phải để trò chuyện mà là... mượn tiền. Anh ta cho biết, do bất cẩn nên vừa gây ra vụ đụng xe, nhưng vì để quên ví tiền ở nhà, việc thì gấp, lại tiện đường nên tạt vào mượn tạm giám đốc A. 2 triệu đồng để bồi thường cho nạn nhân, hẹn hôm sau sẽ mang tiền trả lại ngay. Mặc dù công ty không có hoạt động gì sai phạm để mà phải “sợ” anh ta, nhưng chẳng lẽ thấy nguy mà không giúp nên ông A. lấy tiền túi cho “phóng viên” mượn. Từ đó đến nay đã mấy tháng trôi qua, ông A. chẳng thấy chàng “phóng viên” đến liên hệ làm việc cũng như trả tiền như đã hứa, gọi điện thoại thì “ngoài vùng phủ sóng”.

Không chỉ có giám đốc A., chủ một DN khác ở Đà Nẵng cho biết thêm, một tháng trước đây, anh cũng tiếp một phóng viên đến liên hệ làm quảng cáo, “ứng” trước 5 triệu đồng rồi cũng một đi không trở lại, nội dung quảng cáo chẳng thấy đâu.

Chúng tôi nêu trường hợp trên đây để các cơ quan, ban, ngành, địa phương và người dân cần nâng cao cảnh giác với các đối tượng giả danh nhà báo để tránh thiệt hại cho bản thân, gia đình và đơn vị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Vinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN