Bếp năng lượng mặt trời: Lãng phí cả... làng

Nhằm ứng dụng thiết bị tiện ích vào môi trường tự nhiên, năm 2007, Tổ chức Phục vụ năng lượng mặt trời (Solar Serve) Việt Nam hỗ trợ cho 300 hộ dân ở khối phố Bình Kỳ và Bá Tùng (P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) các bếp dùng năng lượng mặt trời để nấu nướng, phục vụ sinh hoạt.

Do một số nguyên nhân khác nhau, nhiều hộ dân đã ngừng sử dụng hoặc bán phế liệu bếp năng lượng mặt trời, gây lãng phí một dự án.

Khối phố Bình Kỳ 2 và Bá Tùng, trước kia là làng thuần nông, do đó các loại chất đốt chủ yếu dùng rơm rạ, lá dương liễu, củi... Thấy người dân một mặt tìm chất đốt khó khăn, mặt khác lại khá vất vả trong nấu nướng nên Solar Serve tài trợ bếp năng lượng mặt trời để người dân giải quyết vấn đề về chất đốt và có ý thức bảo vệ môi trường. Gần 300 hộ thuộc diện khó khăn nằm trong dự án này được dùng bếp từ năm 2007 đến năm 2009. Nhưng sau dự án, tổ chức sẽ tặng bếp miễn phí cho bà con sử dụng lâu dài (bếp có giá 1 triệu đồng).

Từ khi sử dụng loại bếp trên, làng được gọi với tên thân thiện với môi trường: “Làng năng lượng mặt trời”. Ban đầu dự án được người dân nơi đây hồ hởi đón nhận, bởi giải quyết khó khăn trong việc đun nấu và tiết kiệm tiền chất đốt. Chị Thái Thị Xảo (trú tổ 8, Bình Kỳ 2, Hòa Quý) nhớ lại: “Hồi đó, gia đình nhận được bếp mừng lắm, vì có thể nấu các loại nồi cỡ lớn mà bếp gas không nấu được, như đun nước sôi hoặc các loại thức ăn cho các loại gia súc, gia cầm phục vụ cho việc chăn nuôi”. Nhẩm tính một năm gia đình chị Xảo cũng tiết kiệm được 3 đến 4 triệu đồng tiền gas.

Thế nhưng, sau một thời gian dùng bếp chị phát hiện các nhược điểm: “Nấu được một thời gian thì chân bếp bị gỉ sét, hư bánh xe nên không thể dùng tiếp. Vả lại, đây là loại bếp chủ yếu dùng vào mùa nắng to, hết nắng lại bỏ không một chỗ trong khi diện tích bếp lớn, không có chỗ đặt, thường xuyên phải để bếp ngoài trời. Do mưa nắng nên bếp nhanh hư”. Nói thêm một số nhược điểm của bếp, bà Phùng Thị Tuyết (trú tổ 12, khối phố Bình Kỳ) cho biết: “Dù tiết kiệm nhưng loại thiết bị này bất tiện ở chỗ phải đưa ra nơi có nhiều nắng, nhiệt độ cao, vừa nấu phải vừa đứng trông vì sợ lửa lớn, dễ bị cháy nồi mà nếu trời nắng, đứng cả tiếng đồng hồ thì rất mệt mỏi, mất thời gian”. Mặt khác, đây là địa bàn có nhiều hộ gia đình thuộc diện quy hoạch giải tỏa, trước đây nhiều hộ dân có đất rộng nhưng hiện nay diện tích đất bị thu hẹp, do đó nguồn năng lượng từ ánh nắng mặt trời cũng không đủ để sử dụng bếp. Đặc biệt, khi đang đun nấu, trẻ em không biết chạy đến xem, rất nguy hiểm...

Do tính tiện ích của bếp mang lại không cao nên nhiều người dân ở khu phố Bình Kỳ và Bá Tùng đã đem bếp đi... bán phế liệu. Với giá đầu tư của tổ chức Phục vụ năng lượng mặt trời là 1 triệu đồng/bếp nhưng khi bán phế liệu người dân chỉ thu được 100 đến 120 ngàn đồng/ bếp. Nhiều gia đình còn bỏ không lâu ngày nên các bộ phận của bếp bị gỉ sét. Ông Hồ Thăng Bình, người dân ở tổ 9, P. Bình Kỳ lý giải: “Trước đây, diện tích đất canh tác của người dân còn nhiều, các hộ nuôi gia súc gia cầm cũng đông, chứ bây giờ ít có trường hợp nào như thế vì đã giải tỏa hết rồi. Không có chỗ để đặt bếp, bán đi chứ biết để làm gì. Hiện, làng này chỉ còn 2 nhà sử dụng bếp để đun nước”.

Ông Nguyễn Tấn Bích, Giám đốc Doanh nghiệp của Tổ chức Solar Serve tại Đà Nẵng cho biết: Đây là thiết bị tiện ích và tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường, nhằm giúp người dân có một môi trường tự nhiên, thân thiện. Sản phẩm này đã đến với người dân ở các địa phương khác như Phan Rang, Quảng Nam. Tuy nhiên, việc sản phẩm bị bỏ không, không dùng là do những hộ này thuộc diện giải tỏa, không có đất để đặt bếp, cũng như ánh nắng mặt trời để sử dụng. Chính vì vậy nhu cầu sử dụng bếp ít dần. Dự án làng năng lượng mặt trời với sản phẩm thân thiện môi trường một thời bị lãng phí do không được tiếp tục sử dụng và mục đích ban đầu của dự án không đạt hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo H.Giang – K.Oanh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN