Bất lực nhìn cá chết hàng loạt

Liên tiếp những ngày qua, nhiều người dân nuôi cá bè tại vịnh Mân Quang, P. Thọ Quang, TP Đà Nẵng thấp thỏm như ngồi trên lửa bởi cá chết hàng loạt, tính ra thiệt hại mỗi ngày khoảng 50 triệu đồng. Lại một lần nữa vấn đề quy hoạch vùng nuôi thủy sản an toàn được đặt ra với một TP biển như Đà Nẵng.

Cá chết trắng bè

Anh Trần Văn Minh (1977) buồn bã kể: Tôi thả 2.000 con cá diêu hồng, mú, dìa, tính cả tiền giống, thức ăn, tới nay tốn phí hơn 100 triệu đồng. Vậy mà mấy bữa ni chuẩn bị thu hoạch, cá lăn ra chết, từ 2.000 con giờ chỉ còn 300 con. Nhưng đâu đã yên chuyện, hằng ngày cá vẫn cứ chết đều đều, phải vớt đem chôn. Nhìn cá chết, thấy tiền bạc vốn liếng đổ vào cứ rơi rớt dần, trong khi tiền nợ ngân hàng chưa trả được, anh Minh bảo mình đang sống thoi thóp theo cá. Gần chỗ anh Minh là 2 lồng cá của ông Lê Văn Mao, nuôi đã lớn bằng bàn tay, nhưng cũng lăn ra chết, tổng cộng 2 lồng chết tới 500 con. Ông Mao tính sơ, chỉ một ngày cuối tuần cá chết đã mất trắng 20 triệu đồng.

Hầu hết các hộ nuôi cá với trên 60 lồng tại đây đều chung cảnh ngộ. Ông Nguyễn Thanh (P. Nại Hiên Đông), có kinh nghiệm nuôi cá tại đây 14 năm cho biết, đây là vựa nuôi cá lớn nhất của Đà Nẵng. Các loại cá nuôi ở đây ăn ngon hơn nhiều so với cá nuôi vịnh ở miền Trung. Tuy nhiên đó là khi môi trường còn chưa ô nhiễm, việc nuôi còn thuận lợi, chứ như bây giờ, ngay cả một người có kinh nghiệm như ông nhiều lúc cũng chỉ biết ôm đầu nhìn cá chết. Ông Thanh nuôi 4 bè, hơn 7.000 con, nếu thuận lợi mỗi năm xuất 4-5 tấn cá, thu về vài trăm triệu đồng. Nhưng do môi trường ô nhiễm nặng quá, nên dù có trang bị bình ô-xi, dù có nhiều kinh nghiệm cứu cá, thì những ngày qua cá của ông Thanh vẫn chết trắng bè, tính ra thiệt hại gần 100 triệu đồng.

Bất lực nhìn cá chết hàng loạt - 1

Đà Nẵng cần có một vùng nuôi trồng thủy sản quy củ thay vì để tình trạng tự phát như hiện nay

Đâu là nguyên nhân?

Theo nhiều ngư dân nuôi cá tại đây, hiện tượng cá chết hàng loạt này có hai yếu tố, một phần do độ mặn nguồn nước năm nay cao bất thường, một phần vì môi trường nước bị ô nhiễm do các nhà máy thủy sản xả thải. Ông Lê Đức Bụi (67 tuổi), Trưởng hội Nông dân Vũng Thùng (P. Nại Hiên Đông) cho biết, dù ông chỉ nuôi 1 bè (100m2) nhưng tổng vốn đầu tư cũng gần 300 triệu đồng. Cách đây 2 ngày, cá của ông cũng đột ngột lăn ra chết, thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Ông Bụi nói: Trước đây nước ở vịnh này sạch sẽ lắm, chúng tôi xuống tắm được, nhưng giờ mà xuống thì nổi sẩn hết cả người, ô nhiễm trầm trọng. Cơ thể người còn chịu không nổi, nói gì tới cá. Cứ vào sáng cuối tuần, thể nào cá cũng chết nổi lềnh bềnh phải vớt đem đổ. Vì đêm cuối tuần các nhà máy thủy sản thường xả thải, nước ô nhiễm, cá thở không được, chết nổi hết. Những gia đình nào trang bị bình ô-xi kịp thời đem ra xục nước thì còn cứu được, bằng không bất lực nhìn cá chết. Theo giải thích của ông Bụi, đêm cuối tuần (thứ 7), các cơ quan Nhà nước nghỉ, điện thoại đường dây nóng cũng “nguội”, lúc đó các nhà máy họ mới yên tâm xả.

Anh Trần Văn Minh rầu rĩ, khổ nhất là họ cứ xả thải lúc 2 - 3 giờ sáng. Lúc đó mình ngủ dậy nếu thấy mùi hôi mới phát hiện, kịp thời cứu thì cá sống. Nhiều người có bình ô-xi cứ gắn vào là xong, còn như anh Minh điều kiện khó khăn nên phải huy động cả nhà dùng xô, chậu múc nước đổ vào lồng liên tục tạo bọt sủi, cá mới thở được, và chỉ những con khỏe mạnh mới sống.

Bất lực nhìn cá chết hàng loạt - 2

Ngư dân bất lực nhìn cá chuẩn bị thu hoạch chết hàng loạt

Tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực này đã được phản ánh nhiều, nhưng vẫn chưa được cải thiện triệt để. Vì thế nhiều người dân nuôi cá luôn sống trong thấp thỏm như chơi một canh bạc.

Quy hoạch vùng nuôi thủy sản?

Bà Lê Thị Kim Thương - Chủ tịch Hội Nông dân P. Thọ Quang cho biết, hầu hết các hộ nuôi cá tại đây trước đều làm nghề chài lưới trên sông Hàn, sau đó họ được giải tỏa, không có việc làm nên họ chuyển về vịnh Mân Quang nuôi thủy sản. Do khu vực này có quy hoạch cho mục đích khác nên địa phương cấm không cho họ nuôi. Năm 2012, UBND phường đã tiến hành cưỡng chế, song tới nay mọi chuyện lại đâu vào đó. Người dân lấy lý do không có việc làm nên phải nuôi và họ cam kết sẽ di chuyển nơi khác khi TP thu hồi để thực hiện quy hoạch. Phường cũng đã nhiều lần vận động các hộ dân không nên nuôi thủy sản tại đây vì nguồn nước ô nhiễm, sẽ thiệt hại lớn, song người dân vẫn cố tình nuôi.

Các hộ nuôi cá tại đây cho biết, dù bị cấm, dù biết nguồn nước ô nhiễm, rủi ro cao nhưng vẫn chấp nhận làm, bởi nếu nghỉ thì không biết làm nghề gì. Ông Bụi nói: “Nếu may mắn trúng một vụ có thể thu về 3-4 trăm triệu đồng/năm, thử hỏi nông dân như chúng tôi làm gì ra số tiền đó!”. Tuy nhiên, điều lo ngại hơn là chất lượng cá nuôi tại khu vực ô nhiễm này. Bởi trong môi trường sống bị ô nhiễm, cá không chết cũng nhiễm một số chất độc hại như asen, thủy ngân, chì... và sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Thiết nghĩ, hiệu quả kinh tế của việc nuôi thủy sản rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngư dân ở Đà Nẵng sau giải tỏa rất khó kiếm việc làm. Thế nên TP cần quy hoạch vùng chuyên nuôi thủy sản, điều rất cần của một TP biển. Nếu cho rằng việc nuôi cá lồng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới du lịch cũng chưa hẳn thấu đáo. Bởi, có một khu nuôi thủy sản được quy hoạch quy củ, đảm bảo các tiêu chuẩn, ngoài mang lại lợi ích cho ngư dân, có thể còn là điểm tham quan của du khách. Chí ít khi tới một TP biển, thưởng thức những món hải sản, nhiều du khách cũng muốn tò mò được xem cái cách mà ngư dân đã tạo ra nguồn hải sản thế nào. Và có lẽ điều đó còn hợp lý hơn là tình trạng cấm cứ cấm, nuôi cứ nuôi, còn địa phương biết nhưng... “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Hậu (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN