3 mẹ con sống trong toilet công cộng

Trời vừa ngớt cơn mưa, chúng tôi có mặt tại khu nhà vệ sinh (NVS) công cộng khu vực thuyền Rồng trên đường 2-9, khu vực đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Những dòng nước chảy ra từ các thùng rác tập kết quanh khu vực tạo ra luồng không khí nồng nặc; các vết nứt trên trần nhỏ nước xuống nên nền không lúc nào khô ráo… Ấy vậy mà 3 mẹ con chị Lê Thị Cẩm (1963, trú tổ 44, P. Hòa An. Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đang sống ở đây vì không còn nơi nào khác để trú thân...

Trong phòng trực của NVS, chị Cẩm kể: “Đêm nào trời mưa to nước tràn vào NVS thì tôi phải ngủ ngồi trên chiếc bàn, nhường chỗ khô ráo cho hai cháu nằm. Thế nhưng, mỗi buổi sáng ngủ dậy đứa nào cũng tỏ ra mệt mỏi vì hơi đất ẩm ướt. Mấy tuổi đầu mà nó kêu nhức xương, đau khớp. Thấy con như thế tôi cũng xót xa nhưng chỉ biết động viên các cháu cố gắng vượt qua”.

3 mẹ con sống trong toilet công cộng - 1

Đây là nơi tá túc của 3 mẹ con chị Cẩm

13 năm trước, vợ chồng chị Cẩm ly dị. Tài sản của chị là ngôi nhà cha mẹ đẻ để lại tại tổ 44 Hòa An và 5 đứa con. Tòa xử chị nuôi 3 đứa. Cũng từ đó, chồng chị về quê tại Gia Lai sinh sống và đưa theo 2 con lớn. Cuộc sống dù thiếu đi người trụ cột gia đình, nhưng chị Cẩm vẫn hằng ngày lao động chăm chỉ với niềm mong mỏi và hy vọng nuôi con cái nên người. Việc gì chị cũng làm, từ phụ hồ, dọn vệ sinh, tưới cây... Ai gọi gì làm nấy.

Ham công, tiếc việc lại thường xuyên phải lao động nặng nhọc nên năm 2009 chị lâm bệnh nặng. Chi phí điều trị quá nhiều, nợ nần chồng chất chị đành bán đi ngôi nhà nhỏ cha mẹ cho để lấy tiền chữa bệnh, số còn lại gửi cho 2 đứa con đang ở với chồng vừa đỗ đại học tại TPHCM, như một món quà nhỏ động viên con. Qua được cơn hiểm nghèo, nhưng cũng đồng nghĩa với việc chị không còn tài sản gì giá trị. Chị cùng 3 con là Nguyễn Mạnh Cường (1994), Nguyễn Thị Cẩm Lệ (1998) và Nguyễn Thị Sao Mai (2002) thuê một căn phòng nhỏ để ở tại tổ 14, P. An Hải Đông, Q. Sơn Trà.

Gánh nặng tiền nhà cộng với chi phí 3 con ăn học trong khi công việc không ổn định, làm lụng vất vả khiến chị kiệt sức. Do Sao Mai thường xuyên đau ốm nên chị đành gửi lên Gia Lai nhờ ông bà nội nuôi giùm và chu cấp đều đặn hằng tháng...

3 mẹ con sống trong toilet công cộng - 2

Trung thu với Cẩm Lệ là chiếc đèn tự làm từ giỏ hoa bỏ đi mà em nhặt được

Cường kể: “Vừa học lớp 12 em vừa đi làm phụ hồ để giúp đỡ mẹ trang trải hằng ngày. Em cũng ước mơ được bước chân vào giảng đường như các anh ở với ba nhưng thấy mẹ quá vất vả nên không đành lòng đặt thêm gánh nặng lên vai mẹ nữa. Em đang học nghề dành cho thanh niên nghèo do Thành đoàn tổ chức”.

Mùa nắng, Cường cũng vất vả mưu sinh như một người thợ nề thực thụ nhưng mùa mưa đến, không còn ai thuê nữa. Thu nhập hằng tháng của chị Cẩm không đủ chi phí cho các khoản, nào tiền nhà, gửi cho con gái út, nuôi con ăn học, thuốc men vì bệnh cũ tái phát... dù đã cố gắng tằn tiện. Mỗi sáng, Cường và Lệ đến trường đều được mẹ cho 5 ngàn đồng điểm tâm sáng. Vậy nhưng, theo Cường: “Em không ăn, lớn rồi nên nhường phần ăn đó cho mẹ vì mẹ lao động vất vả cả ngày”.

3 mẹ con sống trong toilet công cộng - 3

Chị Cẩm quét dọn nhà vệ sinh

Những tháng gần đây, hết khả năng chi phí cho việc thuê nhà trọ, chị Cẩm xin Cty vệ sinh cho ở tại phòng trực NVS công cộng tại khu vực nói trên. Nói là phòng trực nhưng chỉ là lối ra vào, đủ kê 2 chiếc bàn gỗ cho nhân viên Cty vệ sinh ngồi đồng thời cũng là nơi để cung cấp giấy vệ sinh nếu ai có nhu cầu sử dụng NVS công cộng. Nơi tốt nhất chị dành cho con ngủ mỗi tối là 1 phòng vệ sinh dành cho người khuyết tật chưa đưa vào sử dụng. Chiếc bồn cầu thiết kế dành cho người khuyết tật được Cường lấy bàn nhựa che lại và phủ những tấm vải, chăn, chiếu lên phía trên... để đỡ phải đập vào mắt. Cường bộc bạch: “Em thương mẹ lắm, mỗi lần nhìn khuôn mặt xám đen của mẹ in hằn những vết nhăn, hình như đã hơn 10 năm qua mẹ không có nụ cười”. Có lẽ vì suy nghĩ nhiều nên những ngày chuyển tới đây ở, Cường mắc bệnh trầm cảm, không nói cười, thậm chí có bữa bỏ ăn. Nhưng một hôm thấy cô em loay hoay làm chiếc đèn lồng Trung thu, Cường đã bày vẽ cho em rồi nói chuyện trở lại, tiếp tục tới trường nên đã đỡ phần trầm lặng...

Hình ảnh 3 mẹ con cùng ở trong toilet công cộng làm chúng tôi không khỏi xốn xang: chẳng lẽ với họ “tới đâu cũng là nhà, ngả đâu cũng là giường” giữa nơi phồn hoa, đô thị này? Ước mong có được một chỗ ở ổn định dành cho phụ nữ nghèo đơn thân và tấm sổ hộ nghèo để gia đình bớt phần cơ cực, nuôi con ăn học là khát khao của 3 mẹ con chị Cẩm trong lúc này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Giang (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN