Quần áo lính: Thú chơi lạ của người Hà thành

Không ồn ào, nổi bật và thu hút nhiều người tham gia song thời trang lính (đồ lính) vẫn được bộ phận nhỏ tín đồ Hà thành yêu mến.

Thời trang phong cách quân đội không còn là khái niệm quá xa lạ với giới mộ điệu trên toàn thế giới. Ao khoác kappi, họa tiết rằn ri hay jacket military... trở thành những món đồ quá "kinh điển" của phong cách này. 

Tuy nhiên, thời trang lính (đồ lính) ở Hà Nội không được quá nhiều người biết tới, có lẽ bởi thói quen mua sắm của người Hà Nội vẫn là mua những đồ hợp mốt, dễ dùng.

Đi dọc các con phố sầm uất ở Hà Nội như Hàng Bông, Lê Duẩn, Thái Thịnh… nếu để ý sẽ thấy những cửa hàng đồ lính tấp nập khách hàng vào ngày cuối tuần. “Những người chơi đồ lính có phần hoài cổ và ít nổi bật, họ giống dân chơi đồ cổ vậy”, chủ một cửa hàng thời trang đồ lính trên phố Hàng Bông nhận xét.

Đồ lính không chỉ dành cho dân phượt

Tìm kiếm trên mạng với từ khóa “đồ lính”, “thời trang lính” nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên với rất nhiều hình ảnh, trang bán hàng và cả những diễn đàn bình luận về chủ đề này xuất hiện. Trong đó, diễn đàn dành riêng cho dân phượt – phuot.vn đầy đủ thông tin nhất,

Từ lâu, dân phượt ngầm coi đồ lính như một món đồng phục ghi dấu ấn riêng. Thành viên Tung_nk21 viết: “Đồ lính giá cả phải chăng, bền bỉ, không bám bẩn lại dễ mặc nên rất hợp cho việc đi du lịch bụi. Không ai dại gì mà sắm hàng hiệu hay đồ chợ đi phượt cả vì chả mấy mà rách.”

Còn LinhNam lại khẳng định: “Đi phượt mặc đồ lính mới ra chất. Chất liệu đồ cũng tốt không ngại nắng, mưa hay bục hỏng khi leo núi, ngủ rừng”

Quần áo lính: Thú chơi lạ của người Hà thành - 1

Cửa hàng thời trang phong cách quân đội đa dạng về mẫu mã, chủng loại và giá cả.

Quần áo lính: Thú chơi lạ của người Hà thành - 2

Mẫu quần áo khỏe khoắn, bụi bặm, chất liệu bền bỉ.

Quần áo lính: Thú chơi lạ của người Hà thành - 3

Một số biến tấu dành cho nữ giới và trẻ em.

Dạo qua một số cửa hàng đồ lính sẽ thấy đồ lính cũng đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, giá cả không kém một nhãn hiệu thời trang nào. Từ kiểu dáng quần thụng, quần ôm túi hộp, quần côn ôm sát… hay áo phông, áo khoác, áo sơ mi cho cả nam và nữ đến chất liệu kaki, thô, jean đều có.

Điểm nhấn đặc biệt của những món đồ này là màu sắc và họa tiết. Đồ lính thường có màu xanh đậm, họa tiết rằn ri mang đến vẻ khỏe khoắn, gọn gàng cho người mặc.

Nhiều người mặc định đây là tủ đồ dành riêng cho dân phượt nhưng một số chủ cửa hàng đồ lính không đồng tình với quan điểm này.

Chủ cửa hàng thời trang đồ lính trên phố hàng Bông khẳng định: “Dân phượt chỉ là một số nhỏ trong cộng đồng chơi đồ lính. Người yêu mến đồ lính còn có những tay chơi moto phân khối lớn, dân chơi xe minsk thậm chí có những người họ mặc đồ lính như một thói quen, chỉ đơn giản là thích… Và có cả dân anh chị.”

Cũng theo ông chủ này, có nhiều khách hàng chuyên sưu tập đồ lính với đủ các kiểu dáng, thương hiệu. Họ sẵn sàng mạnh tay chi tiền cho những một đôi giày cao cổ có ""thâm niên" 20 năm hay một chiếc túi đeo hông chuẩn hãng.

Thời gian gầy đây, đồ lính phát triển cả mặt hàng cho nữ giới với những biến tấu, cách điệu nhẹ nhàng hơn. Thậm chí những kiểu mẫu mới như áo thun chui, áo sơ mi dáng ngắn… cũng được phá cách trên nền vải lính để phù hợp với nhu cầu ứng dụng trong đời sống của tín đồ.

Tuy nhiên, dòng thời trang này cũng phong phú không kém bất kì món hàng nào khi người mua dễ dàng tìm thấy đồ lính giá "bèo" tại nhiều kiot trên đường Lê Duẩn (Hà Nội).

Thứ hạng không kém hàng hiệu

Nếu tín đồ thời trang thường phân bậc: nhãn hiệu cao cấp, nhãn hiệu bình dân (trong hoặc ngoài nước) và hàng chợ thì người yêu đồ lính cũng có cách phân chia riêng của mình.

Hàng chuẩn, hàng cổ, hàng dựng và hàng gia công là những khái niệm không người chơi đồ lính nào không biết.

Theo Minh Hòa kĩ sư xây dựng tại Lĩnh Nam (Hà Nội) một người yêu đồ lính thì, hàng chuẩn là loại quần áo, phụ kiện được nhập khẩu từ một số nước lớn như Mỹ, Nga với chất liệu bền bỉ, đường may chắc chắn, tem mác đàng hoàng giá trung bình từ 2 đến 3 triệu đồng.

Hàng cổ rất hiếm, quý chủ yếu là phụ kiện của lính Mỹ còn sót lại từ trước năm 1975 có món giá từ 4 đến 5 triệu chỉ dành cho tay chơi chính hiệu.

Quần áo lính: Thú chơi lạ của người Hà thành - 4

Một số mẫu áo thun biến tấu rất dễ để phối với đồ thường ngày.

Quần áo lính: Thú chơi lạ của người Hà thành - 5

Quần áo lính: Thú chơi lạ của người Hà thành - 6

Giầy da và mũ luôn là phụ kiện được tín đồ yêu thích.

Mặt hàng được những bạn trẻ ưa chuộng nhất là hàng dựng. “Nói nôm na nó giốngnhư quần áo Việt Nam xuất khẩu vậy”, Minh Hòa giải thích. Đó là những mẫu quần áo được may lại trong nước theo mẫu có sẵn với mức giá dễ chấp nhận từ 500 ngàn đến hơn 1 triệu đồng tùy sản phẩm.

Hàng gia công (hay còn gọi là hàng chợ) được cắt may y hệt trang phục dùng trong quân đội nhưng mức giá rất thấp chỉ vài trăm ngàn đồng, chất vải cũng không được tốt. Ở Hà Nội khu vực đường Lê Duẩn là thiên đường quần áo lính gia công.

Theo chị Phạm Hòa, chủ một cửa hàng trên đường Lê Duẩn thì: “Khách hàng mua đồ gia công chủ yếu là người lao động vì quần áo dễ mặc, giá rẻ, chất lượng không đến nỗi nào. Những bạn sinh viên mê du lịch bụi cũng đến đây mua hàng, nhưng dân phượt chuyên nghiệp lại không chọn mặt hàng này.”

Có thể thấy rằng, thị trường đồ lính cũng đa dạng, phong phú về mẫu mã lẫn nhu cầu sử dụng không kém gì bất cứ món hàng thời trang nào ở Hà Nội. Nếu không phải là người yêu phong cách này, tín đồ vẫn có thể chọn một món đồ cách điệu để nhấn nhá, làm mới tủ quần áo của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đinh Trang ([Tên nguồn])
Thời trang đường phố Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN