Nghề vá áo đắt khách thời hàng hiệu
Nghề mạng, sang sợi quần áo trở nên đắt hàng hơn bao giờ hết khi những tín đồ thời trang thích sưu tầm và không nỡ xa rời những món hàng hiệu cả khi chúng đã cũ sờn.
Sửa lại hàng hiếm và lưu giữ kỉ vật
Vá quần áo tưởng chừng như chỉ tồn tại ở thời bao cấp khi cả năm dài mới có một bộ quần áo mới. Gia đình nào cũng có sẵn một hộp những mảnh vải cũ sờn cùng kim, chỉ nhiều màu. Vá quần áo cho lành rất dễ, ai cũng có thể làm được, nhưng vá mà không thấy miếng vá và mạng, sang sợi những loại quần áo vải quý hiếm thì cần những người thợ khéo tay và có nghề.
Cuộc sống thay đổi cũng là lúc mua quần áo dễ như mua đồ ăn ngoài chợ. Chỉ cần vài trăm nghìn thậm chí vài chục nghìn là có thể mua được một bộ quần áo mới. Quần áo cũ bỏ đi cũng nhiều hơn trước nên hình ảnh những mảnh vải vá cũng trở nên xa lạ và thành khái niệm mới mẻ với người trẻ. Nhưng nghề vá quần áo không mai một và từ lâu đã là “món đặc sản” để nhớ đến ngõ Thanh Miến (đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Nhiều người còn gọi đây là ngõ mạng, sang sợi.
Giá mạng, sang sợi phổ biến từ 10.000 đến 15.000 đồng/cm2. Có khi sửa một bộ comple bị gián nhấm, tiền công đến 300 ngàn đồng. Mỗi ngày chủ cửa hiệu trung bình nhận sửa chục chiếc quần, áo thu nhập không dưới 300 ngàn đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng đã gắn bó với nghề mạng, sang sợi quần áo hơn 30 năm nay
Người làm nghề mạng sang sợi lâu nhất ở đây (cũng có thể ở Hà Nội này) là cụ Tạ Huê Diệp năm nay đã 94 tuổi, một phụ nữ Hà Nội gốc nổi tiếng khéo tay. Thời Pháp, cụ Diệp từng học nghề của một người thợ Trung Hoa, sau đó mở một cửa hiệu mạng, sang sợi quần áo. Khách hàng của cụ thời đó là những ông Tây, bà Đầm sang trọng. Để giữ nghề, từ xưa đến nay cụ chỉ truyền dạy cho con dâu và con trai trong gia đình. Hiện tại, ngõ Thanh Miến có ba cửa hiệu chuyên sang sợi đều là con của cụ Diệp. Gánh hàng cũ của cụ nay là cửa hàng của bà Nguyễn Thị Hồng con dâu cụ ngày nào cũng rất đông khách.
Từ sáng sớm, trong căn nhà nhỏ chưa đến hai chục mét vuông đã lác đác khách đến sửa và nhận quần áo. Bà Hồng gắn bó với nghề mạng sang sợi quần áo đã hơn ba chục năm nay kể từ khi về làm dâu trong gia đình. Bà kể, “Thời tôi mới làm nghề, quần áo rách chủ yếu mọi người tự vá, chỉ có quần áo quý lắm mới mang ra cửa hàng. Chục năm trở lại đây, nhiều người dùng hàng hiệu, quần áo đắt tiền không nỡ bỏ đi nên cửa hàng đông khách hơn”. Nghề này không chỉ nuôi sống gia đình bà những năm 90 với đồng lương công nhân eo hẹp mà còn giúp bà có nguồn thu nhập ổn định khi đã ở tuổi hưu.
Quần áo khách cần vá mang tới có đủ loại, từ chất liệu vải bình thường như jean, ka ki đến những loại vải khó chiều như tơ lụa, len, sợi hay cả những bộ veston sang trọng và váy dạ tiệc đắt tiền. Với những yêu cầu khá đa dạng, từ co lại những chiếc áo len mặc lâu bị dão đến mạng lại quần áo thủng, rách hay cháy bà Hồng đều có thể làm lại đẹp và không bị lộ.
Cửa hàng của bà Hồng không lúc nào ngớt hàng khách đặt sửa, chủ yếu là những món đồ độc, đắt tiền khách hàng không muốn bỏ đi.
Để mạng lại một chiếc áo bị thủng, bà Hồng phải rút chỉ từ mặt trong của gấu áo, túi áo nối lại, dùng chính chỉ ấy để mạng. Phải đưa chỉ thật đều mới không lộ rõ khi nhìn ngoài sáng. Nhưng khó nhất là đồ tơ lụa bởi chất vải mềm trơn lại dễ bị lộ. Một chiếc áo lụa thủng lỗ nhỏ có khi bà Hồng phải tháo ra mạng lại cả ngày mới ưng ý.
Áo len cũng có thể sửa theo yêu cầu của khách hàng mà không lộ đường kim mũi chỉ
Khách hàng tìm đến đây khi là cô nàng sành điệu với cái váy mới không may bị rách, khi là một đôi vợ chồng muốn giữ vật kỷ niệm như áo dài, váy trắng trong ngày cưới thậm chí một người đàn ông có chiếc áo đẹp là món quà đã cũ nhưng không nỡ rời xa. Song đa phần bà Hồng nhận được những món hàng hiệu đắt tiền không dễ gì tìm mua được, có cả cô ca sĩ nổi tiếng cũng tìm đến cửa hàng này. Bà khẳng định quần áo của khách hàng ít có cái nào giá rẻ, hoặc không có giá trị vật chất cũng như tinh thần.
Nghề chỉ dành cho người kiên trì
Trong trí nhớ của bà Hồng, khoảng chục năm trước, khi quần áo hàng hiệu bắt đầu tràn vào Việt Nam ngoài ngõ Thanh Miến, một số cửa hàng trên phố Hàng Gai, Hàng Hòm cũng nhận vá, mạng, sang sợi quần áo. Đến nay khách hàng vẫn nhiều nhưng chủ hàng hầu hết đã chuyển nghề. Bởi công việc đòi hỏi sự kì công, tỉ mỉ và không thu được giá tiền cao.
Chiếc khăn hàng hiệu sau khi được mạng nhìn như mới
Nghề mạng sang sợi quần áo không cần đồ làm nghề quá cầu kì, đắt đỏ chỉ một hộp kim đủ kích cỡ, chỉ, kim đan len và vải vá. Người thợ làm nghề lâu năm càng sưu tập được nhiều vải vá với đủ màu sắc, chất liệu. Người có tay nghề càng cao, sửa áo quần càng không lộ chỗ vá, chỗ mạng.
Nhìn qua thì việc vá áo, quần tưởng chừng đơn giản, nhưng bắt tay vào làm thì không dễ chút nào. Muốn trở thành thợ thạo nghề phải học việc thật kiên trì, tỉ mỉ đến ba, bốn năm.
Để giữ nghề gia truyền, chưa bao giờ gia đình bà Hồng nhận người học việc mà chỉ muốn dạy lại cho con cháu. Nhưng con cháu bà cũng ít người thiết tha học nghề bởi quá mất thời gian. Bà Hồng chỉ có mong muốn, khi mắt kém phải nghỉ ngơi sẽ có người tiếp quản cửa hàng nhỏ này để giữ lại nếp nghề đã gắn bó với gia đình qua ba đời nay. Bởi biết đâu đấy, bà và hai người em của mình sẽ là người cuối cùng lưu giữ nghề này.