Hàng thời trang Nhật: “Đắt xắt ra miếng”!
Quần áo, phụ kiện Nhật Bản là “món hời” cho chị em Việt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều biến tướng xấu xí.
Thời trang Nhật chinh phục người Việt
Vì “bão hòa” hàng Trung Quốc, hoang mang trước hàng nội địa, thời trang Nhật trở thành một lựa chọn an toàn của người dân Việt.
Người Việt chọn hàng Nhật một phần vì không ưa hàng Trung Quốc, hoang mang trước hàng nội địa (ảnh minh họa)
Trong thời gian ngắn trở lại đây, các mặt hàng quần, áo, giày, tất… nhập từ Nhật Bản chinh phục được người tiêu dùng ở nước ta. Chỉ cần lướt một vòng trên những trang bán hàng online, có thể thấy những kiểu áo len, áo lông vũ, quần tất… Nhật được đặt hàng với số lượng ngày càng lớn.
Trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc các mặt hàng Nhật vẫn “chạy như tôm tươi” dù mức giá cao hơn nhiều lần so với hàng Trung Quốc và gấp 20 – 30% hàng Việt Nam xuất khẩu là một hiện tượng khá thú vị trên thị trường tiêu dùng. Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu về dòng hàng này, dễ nhận thấy việc hàng Nhật bán tốt là hoàn toàn dễ hiểu.
Chị Nhung (Đống Đa, Hà Nội), người từng kinh doanh mặt hàng này khá lâu cho biết: “Hàng Nhật đắt nhưng xắt ra miếng, nếu so với chất lượng thì thực ra cũng chẳng đắt. Lấy áo phao lông vũ làm một ví dụ, mặc vào thấy nhẹ như chưa mặc. Quần áo Nhật chất rất mịn, hàng Trung Quốc, thậm chí hàng mà Việt Nam nói là xuất dư cũng không bằng được.”
Nhiều khách hàng đã dùng thử đồ của cửa hàng chị đều đồng ý với nhận định này và khẳng định hàng Nhật tuy giản dị nhưng làm rất kỹ, không bỏ sót một lỗi nào, cũng là nhờ vào tính cách cẩn thận của người dân nước này. Mỗi đợt hàng Nhật mới nhập của chị Nhung đều bán hết veo.
Những mặt hàng bán chạy nhất là áo phao lông vũ, quần áo trẻ em, sơ mi nam và quần tất.
Phương Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) bén duyên với hàng Nhật gần 1 năm nay. Khi được hỏi lý do nào dẫn cô đến với nghiệp kinh doanh quần áo Nhật, Huyền tâm sự: “Bản thân tôi là người rất hâm mộ đồ Nhật vì người Nhật rất tỉ mỉ, cẩn thận trong khâu sản xuất. Hàng Nhật có thể tóm gọn trong 3 chữ: tốt, bền, đẹp!”
Những mặt hàng bán chạy nhất hiện nay là đồ đông như áo khoác lông vũ, áo nỉ, áo len… của các hãng U. và G. Các loại tất, quần tất, quần áo trẻ em… cũng được ưa chuộng.
Chị Lan (quận Bình Thạnh, TP.HCM) là khách hàng trung thành của các cửa hàng bán đồ Nhật. Chị cho biết: “Quần áo cho ông xã và nhất là của bé tôi chỉ tin dùng hàng Nhật, vì đồ trẻ con mềm mại, bền, sờ vào đã thấy họ rất tôn trọng khách hàng rồi.”
Ngoài những mặt hàng phổ thông, một số cửa hàng bán đồ Nhật truyền thống theo đơn đặt hàng như kimono, yukata mới và cũ, guốc Nhật… cũng thu hút được sự chú ý của đông đảo bạn trẻ, những người đã quá quen và yêu thích văn hóa Nhật qua những cuốn truyện tranh, phim hoạt hình…
Những biến tướng xấu xí của cơn sốt hàng Nhật
Việc người Việt “sốt xình xịch” với hàng Nhật cũng tạo điều kiện cho không ít kẻ xấu lợi dụng để kiếm lời, nhất là khi nguồn hàng Nhật vào Việt Nam hiện nay còn khá mông lung, chủ yếu dựa vào niềm tin của khách hàng và đạo đức của người bán.
Hàng Nhật vào Việt Nam theo nhiều ngả khác nhau: hàng do du học sinh, người đi công tác tại Nhật xách về hoặc hàng gửi bưu điện…
Chị Nhung (Đống Đa, Hà Nội) khẳng định rất ít người có điều kiện đi khảo sát trước thị trường tại chính nước sở tại như chị. “Mỗi lần bán hàng, chị đều chụp và cho khách hàng xem kỹ các hóa đơn mua hàng xịn. Đây là cơ sở để người tiêu dùng tin tưởng hơn vào người bán”.
Phương Huyền cũng đồng tình với quan điểm này. Cô cho biết bản thân dấn thân vào nghiệp kinh doanh hàng Nhật cũng vì muốn tự đi tìm nguồn hàng thật, có xuất xứ rõ ràng, trước là để cho mình dùng và sau đó là bán cho những người tiêu dùng khác. Chỉ nên tin tưởng nếu nguồn hàng là người thân quen, hoặc có hóa đơn rõ ràng cho từng mặt hàng.
Hàng đáng tin cậy phải có hóa đơn rõ ràng.
Những trường hợp kinh doanh có tâm như chị Nhung hay Huyền không nhiều. Có một sự thật đáng buồn còn tồn tại là thị trường Việt hiện đang tràn lan rất nhiều quần áo xuất xứ từ… đồ ăn cắp. Chỉ mới tháng trước, 6 người Việt Nam đã bị bêu danh trên kênh truyền hình của Nhật vì tội thực hiện hơn 100 vụ đánh cắp hàng thời trang Nhật.
Những mặt hàng này được “tuồn” về nước để bán qua mạng xã hội. Đáng ngạc nhiên là rất nhiều khách hàng vẫn lao vào như thiêu thân dù không được kiểm chứng hóa đơn hay không phải nguồn hàng do người quen thuộc, tin cậy bán.
Đây không phải lần đầu tiên người Việt chịu xấu mặt ở xứ sở hoa anh đào. Những vụ việc tiếp viên hàng không tiếp tay cho đường dây ăn cắp cũng một thời gây nên sự ồn ào trên các trang mạng.
Ngoài ra, dù chưa thực sự áp đảo như hàng Thái Lan nhưng hàng Nhật xứng đáng là một đối thủ cạnh tranh tầm cỡ của hàng nội địa trên thị trường thời trang ứng dụng đang rất rối ren hiện nay. Tất nhiên, điều này không có nghĩa người dân phải tẩy chay hàng Nhật mà cần tiếp thu những tinh hoa và cách làm việc của người dân nước này để áp dụng cho các mặt hàng quần áo tại Việt Nam.
Chất lượng quần áo cũng là một điểm tham chiếu để người tiêu dùng lựa chọn được hàng thật, chất lượng tốt.
Yêu nhưng cần "tỉnh"
Với vô vàn ưu điểm không thể chối cãi, hàng Nhật chắc chắn sẽ tiếp tục thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam. Đây là dấu hiệu đáng lo cho hàng nội địa nhưng cũng là đáng mừng nếu người Việt có thể tiếp cận với những mặt hàng an toàn hơn, nâng cao chất lượng đời sống.
Tất nhiên, vấn đề muôn thuở đặt ra vẫn là làm thế nào để khách hàng có thể được cầm trên tay những hàng hóa với chất lượng tốt, giá cả hợp lý và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Để không trở thành “con mồi” cho những kẻ kinh doanh trục lợi bất chấp lương tâm, người yêu hàng Nhật cần tỉnh táo, mua hàng tại những nơi quen biết, đáng tin cậy.
Nên yêu cầu chủ cửa hàng cho xem hóa đơn của từng mặt hàng và kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm bởi hàng Nhật thật rất cẩn thận, sờ mịn tay, khác hoàn toàn với hàng kém chất lượng. Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chi tiền vừa đem lại lợi ích cho bản thân, vừa hạn chế việc gián tiếp tiếp tay cho vấn nạn ăn cắp tại Nhật Bản nói riêng và nhiều quốc gia khác trong khu vực nói chung.