Clip tín đồ thời trang khóc ngất khi làm ở xưởng may
3 thanh niên Bắc Âu háo hức tìm hiểu về thời trang, để rồi ngã ngửa vì sự thật đau lòng.
Thường xuyên chi tiền cho những khoản mua sắm quần áo, phụ kiện… nhưng không phải tín đồ thời trang nào cũng biết để có được những gì họ khoác lên, không ít người đã phải đổ mồ hôi, nước mắt để nhận đồng lương rẻ mạt.
Một kênh truyền hình thực tế ở Na Uy đã đưa 3 tín đồ thời trang là Anniken Jorgensen, Frida Ottesen và Ludvig Hambro tới Campuchia để có những trải nghiệm xương máu nhất.
Clip tín đồ thời trang "khóc ngất" ở xưởng may Campuchia
Jorgensen - 17 tuổi, Ottesen – 19 tuổi và Hambro – 20 tuổi đều là những nam thanh, nữ tú với niềm đam mê thời trang lớn bản thân Jorgensen còn thường xuyên viết blog thời trang được nhiều bạn trẻ Na Uy yêu thích. Họ không tiếc tiền chi mạnh đầu tư cho diện mạo của mình.
Hào hứng trước ý tưởng tìm hiểu về cách thức hoàn thành các trang phục thấy tại quầy hàng, họ đã tới sống ở Campuchia trong vòng 1 tháng vào năm 2014.
Trái với những mộng tưởng của 3 tín đồ thời trang, cuộc sống của các thợ may Campuchia không hề xa hoa, lý tưởng. Jorgensen, Ottesen và Hambro đều phải ngỡ ngàng khi tới ở nhờ nhà của Sokty, một nhân công may giày ở Phnom Penh. Căn nhà của cô nhỏ hẹp, bẩn thỉu và cả chủ lẫn khách đều phải ngủ trên nền đất lạnh. Hambro, chàng trai 20 tuổi thậm chí không thể ngủ nổi suốt cả đêm.
3 tín đồ thời trang khi mới đặt chân tới Campuchia...
... và trong căn nhà nhỏ của thợ may Sokty.
Tuy nhiên, cơn ác mộng vẫn chưa chấm dứt khi họ tới làm việc tại một xưởng gia công trang phục cho một hãng hàng hiệu bình dân có tiếng của nước ngoài. Jorgensen, Ottesen và Hambro phải ngồi hàng giờ liền chỉ để khâu đi khâu lại 1 đường duy nhất. Công việc nhàm chán và lặp đi lặp lại khiến lưng họ đau nhừ.
Vào giờ nghỉ trưa, 3 vị khách đến từ Bắc Âu cũng phải choáng khi cùng ngồi ăn trưa với thợ may Campuchia. Những món ăn giúp họ “lại sức” để trên nền đất, ruồi nhặng bu quanh. Dù đã phải “ngất” trên chiếc ghế dài để chợp mắt, ngay sau giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, cả 3 lại bị gọi vào làm tiếp.
Sau 1 ngày làm việc vất vả, họ nhận khoản thù lao rất bèo bọt, không đủ để trang trải cho việc mua đồ ăn. Jorgensen đã sốc khi biết rằng có những nhân công đã chết đói vì không lo đủ bữa cơm hàng ngày.
Khi trở về Na Uy, họ đã có quyết định thay đổi cuộc đời mình. Cả 3 đều đã trở thành những người hoạt động tích cực cho phong trào đòi quyền lợi cho những thợ may, làm việc tại xưởng gia công hàng xuất khẩu cho các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Jorgensen kiệt sức khi phải lặp đi lặp lại 1 công việc nhàm chán trong hàng giờ ở xưởng may Campuchia.
Cô bật khóc vì thấy cảnh khổ của những người làm ra sản phẩm mà mình mặc trên người.
Jorgensen và Ottesen trong loạt ảnh vận động để nâng lương cho những người thợ may Campuchia. Ảnh trái là mức lương mà các nhân công được nhận để hoàn thành trang phục và ảnh phái là giá tiền mà các hãng bán ra.