"Bội thực" với việc tìm kiếm người mẫu

Chỉ trong một năm đã có đến 3 cuộc thi tìm kiếm người mẫu cấp quốc gia diễn ra liên tiếp khiến công chúng ngộ nhận: Phải chăng ngành thời trang trong nước đang khởi sắc đến mức cần thêm nhiều người mẫu?

Siêu mẫu Việt Nam 2012 vừa kết thúc với giải vàng 200 triệu đồng thuộc về cặp đôi Hữu Long và Phương Mai. Trong khi Người mẫu Việt Nam - Vietnam's Next Top Model chính thức lên sóng mùa thứ 3 và đang bị khán giả đánh giá là tẻ nhạt so với những gì quảng cáo rầm rộ trước đó. Thì đầu tháng 10 này, cuộc thi "mới toanh" Người mẫu Ngôi sao tương lai sẽ bắt đầu vòng sơ khảo tại Hà Nội và Tp HCM. Tuy là phận "em út" có mục đích khiêm tốn nhưng giá trị giải thưởng của cuộc thi này lại "hơn đứt" hai "đàn anh": Giải vàng lên tới 250 triệu đồng cùng quà tặng trị giá 100 triệu đồng.

Để cạnh tranh, chương trình nào cũng có ban bệ giám khảo khá hoành tráng. Nếu Siêu mẫu Việt Nam có người mẫu Thanh Hằng, nhà thiết kế Công Trí, đạo diễn Lê Hoàng; Vietnam's Next Top Model có người mẫu Xuân Lan, Hà Anh, giám đốc thời trang Đỗ Mạnh Cường… thì Người mẫu Ngôi sao tương lai có NSND Lê Khanh, TS nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp, TS văn hóa Nguyễn Văn Khánh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, nhà thiết kế Quỳnh Paris, nhiếp ảnh gia Lê Thanh Tùng...

Với tầm tổ chức quy mô như thế, Ban tổ chức Ngôi sao Người mẫu tương lai hứa hẹn cuộc thi cấp quốc gia thường niên này sẽ tìm được người mẫu sáng giá, có tài lẫn sắc đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người mẫu trong tiến trình hội nhập và phát triển. Nếu không tham gia sàn diễn thời trang thì cũng giúp họ tự tin trong cuộc sống. Tuy nhiên, không những mục đích nước đôi mà điều kiện tham gia cuộc thi đã gây không ít nghi ngại: Nữ thí sinh chỉ cần cao từ 1,62m trở lên là đủ tiêu chuẩn dự thi. Ngoài ra, điểm mới của cuộc thi này là chú trọng đến kỹ năng trình diễn, tạo dáng trước ống kính (70%) hơn nhan sắc (30%). Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó ban Tổ chức lý giải: "Chiều cao không quan trọng lắm, vì nếu có vẻ đẹp bề ngoài mà kỹ năng trình diễn trên sân khấu kém thì cũng khó thành người mẫu. Đây không phải là cuộc thi tìm kiếm sắc đẹp mà là tìm người có khả năng tỏa sáng trên sàn catwalk, thí sinh có chiều cao 1,62m, cộng thêm đôi giày cao trên một tấc cũng đáp ứng được".

"Bội thực" với việc tìm kiếm người mẫu - 1

Giám khảo và thí sinh cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2012

Có vẻ như cuộc thi này đang đi ngược với tiến trình hội nhập và phát triển của ngành thời trang khi các sàn catwalk trong nước (chưa kể quốc tế) luôn đòi hỏi người mẫu phải có sắc vóc, chiều cao khoảng 1,70m. Đó là lý do vì sao Vietnam's Next Top Model mùa này tăng chiều cao của thí sinh từ 1,65m lên 1,68m. Siêu mẫu Việt Nam cũng chỉ nhận hồ sơ của những nữ thí sinh cao từ 1,65m trở lên. Nhiều người nghi ngại giải thưởng "đỉnh" cộng với điều kiện khiêm nhường về chiều cao và nhan sắc là cách để Ban tổ chức thu hút, "nạo vét" những thí sinh không đủ tiêu chuẩn thi Vietnam's Next Top Model và Siêu mẫu Việt Nam. Do đó, dù mới khởi động nhưng chất lượng thí sinh của cuộc thi này đang bị đánh giá là khó sánh bằng hai "đại gia" trên.

"Bội thực" với việc tìm kiếm người mẫu - 2

Các thí sinh trong cuộc thi Người mẫu Ngôi sao tương lai 2012.

Chỉ trong một năm đã có đến 3 cuộc thi tìm kiếm người mẫu cấp quốc gia diễn ra liên tiếp khiến công chúng ngộ nhận: Phải chăng ngành thời trang trong nước đang khởi sắc đến mức cần thêm nhiều người mẫu?

Thực tế, ngay cả các cuộc thi đã có thương hiệu như Vietnam's Next Top Model và Siêu mẫu Việt Nam, số lượng các thí sinh đoạt giải cao thành danh với nghề không nhiều. Ngành thời trang trong nước đang èo uột, đìu hiu. Người mẫu không dễ gì có show diễn. Các show diễn lớn trong năm cũng chỉ khoảng 3, 4 show. Thời buổi kinh tế khó khăn, các công ty thời trang không muốn tuyển thêm người. Trong khi đó, năm nào các cuộc thi người mẫu cũng diễn ra rầm rộ, thi sinh ẵm giải rồi cất trong tủ. Sau cuộc thi, ai "bơi" được thì tự "bơi", không "bơi" được thì "chìm". Thành công của Hoàng Thùy, Tuyết Lan, Trà My (Vietnam's Next Top Model) ở sàn thời trang quốc tế còn quá ít ỏi. Những gương mặt đoạt giải cao như Võ Hoàng Yến, Quách Ngọc Ngoan… (Siêu mẫu Việt Nam), Vũ Thu Phương, Bình Minh (Người mẫu Việt Nam 2008) và nhiều người mẫu khác như Huy Khánh, Thanh Thức… được biết đến không hẳn bằng những hoạt động thời trang mà chủ yếu thông qua các hoạt động bên lề như: thi hoa hậu, ca hát, đóng phim, làm MC… Với tiền cát-xê bèo bọt, show ít, nhiều người mẫu phải làm thêm để mưu sinh: giải đồng Siêu mẫu Việt Nam 2011 Hà Việt Dũng phải bươn bả với xe nước mía vỉa hè; giải vàng Siêu mẫu Việt Nam 2009 Hoàng Long làm nhân viên của một cửa hàng thời trang.

Người ta băn khoăn: Tại sao nhu cầu thực tế không nhiều (thậm chí cung vượt cầu) nhưng các cuộc thi tìm kiếm người mẫu vẫn được tổ chức và người người vẫn đi thi? Chưa bao giờ những giá trị bề nổi và danh vọng lại có sức hút ghê gớm đối với giới trẻ khiến họ bỏ bê những giá trị vốn có để chạy theo. Đây đó lướt qua facebook dễ dàng nhận thấy rất nhiều bạn trẻ thích tạo dáng, post hình để khoe với bạn bè. Thậm chí có người sẵn sàng chụp khỏa thân, ảnh "nóng" hòng được nổi tiếng, được ca tụng là hot-girl, hot-boy. Các cuộc thi đang khiến cho giới trẻ ngộ nhận về thần tượng, sự nổi tiếng và giá trị bản thân. Danh xưng siêu mẫu đang được dùng vô tội vạ và đại chúng hóa ở nước ta. Chỉ cần đoạt giải ở một vài cuộc thi, sải chân trên sàn catwalk vài lần là được phong (hoặc tự phong) siêu mẫu. Bên cạnh những người có tố chất trở thành người mẫu chuyên nghiệp, không hiếm các bạn trẻ ghi danh thi thố chỉ mong muốn sớm nổi tiếng, sớm ấn mác siêu mẫu. Sự ra đời ồ ạt của các cuộc thi tìm kiếm người mẫu (đa phần tôn vinh những giá trị bề nổi) phần nào đã đáp ứng nhu cầu "một bước thành sao" của giới trẻ. Rất nhiều bạn trẻ bỏ bê học hành để chạy theo danh vọng. Thực tế, nhiều người mẫu nước ta khi vươn ra đấu trường thế giới vấp phải khó khăn chủ yếu do trình độ học thức. Các cuộc thi này còn là cơ hội để những người mẫu chưa mấy tiếng tăm "săn" danh hiệu nhằm tạo đà nâng mức cát-xê; là chiêu thức để cá nhân, tổ chức nào đó lợi dụng để đánh bóng tên tuổi.

Ánh hào quang của sân khấu là nơi dễ khiến người mẫu trẻ bồng bột, thiếu kinh nghiệm sa ngã. Cách đây không lâu, ông T.B.D, người tổ chức đêm thời trang định kỳ của nhãn thời trang M. lên tiếng chỉ trích thái độ làm việc thiếu nghiêm túc và vô kỷ luật của hai gương mặt siêu mẫu sáng giá: Lê Kiên Định - giải bạc Siêu mẫu 2011 và Hoàng Gia Ngọc - giải bạc Siêu mẫu 2010. Trong chương trình này, hai người mẫu đều không chịu hợp tác với nhà thiết kế, tự làm kiểu tóc và ăn mặc theo ý mình. Trong khi Hoàng Gia Ngọc bỏ về nửa chừng thì Lê Kiên Định tức tối nhắn tin chửi đổng Ban tổ chức, nhà thiết kế… Mới đây, Top 5 Siêu mẫu Việt Nam 2011 Vũ Hoàng Việt cũng không ngại ngần công khai mối quan hệ kiểu "phi công trẻ lái máy bay bà già" của mình với nữ tỷ phú Việt kiều. Đặc biệt, hàng loạt đường dây chân dài, người đẹp bán dâm cho đại gia với giá ngàn đô bị triệt phá gần đây càng khiến cái nhìn định kiến của công chúng về nghề người mẫu thêm nặng nề.

"Bội thực" với việc tìm kiếm người mẫu - 3

Sàn catwalk là nơi có quá nhiều thị phi, cạm bẫy. Vậy nhưng, các cuộc thi người mẫu chỉ chú trọng đến kỹ năng trình diễn, hình thức mà không chú trọng đến giáo dục, hoàn thiện nhân cách của người mẫu trẻ. Cuộc thi Vietnam's Next Top Model đan xen yếu tố này trong các vòng thi nhưng có phần mờ nhạt. Đến lần tổ chức thứ 8, Siêu mẫu Việt Nam mới có phần thi xử lý tình huống nhạy cảm, thực tế của nghề người mẫu như: bị đại gia gạ tình, mua dâm, ứng xử với đồng nghiệp, nhà thiết kế… Tuy nhiên phần thi này còn theo kiểu "thi cho vui". Cuộc thi Người mẫu Ngôi sao tương lai 2012 đến thời điểm hiện tại cũng không hề có phần thi nào liên quan đến nhân cách, ứng xử của người mẫu tương lai.

Không thể phủ nhận, các cuộc thi người mẫu đang tạo cơ hội cho bạn trẻ đam mê thời trang và cung cấp những người mẫu chuyên nghiệp cho làng thời trang Việt Nam. Thế nhưng, khi các cuộc thi tổ chức ồ ạt một cách không cần thiết theo kiểu mạnh ai người nấy làm, không chú trọng nhân cách người mẫu như hiện nay, thì chỉ khiến cho ngành thời trang thêm gánh nặng, kéo theo những ngộ nhận và hệ lụy khó lường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Uyển Phan (Văn nghệ Công An)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN