Thị trường di động: smartphone ế ẩm
Quý I là thời gian vàng của giới kinh doanh di động, nhưng hiện tại, các sản phẩm của các thương hiệu lớn như Apple, Motorola, Sony, HTC lần lượt mất giá (đối với hàng xách tay) hoặc ế ẩm (đối với hàng chính hãng). Giới dân buôn đang khóc ròng vì giá chạy đáy mà người tiêu dùng vẫn ngó lơ.
Việt Nam - thời gian gần đây - trở thành điểm đến nóng bỏng và lý tưởng của những thứ gắn mác... "siêu" đến từ các hãng dang tiếng. Một bộ phận không nhỏ người Việt đang chi tiêu bạo tay bất chấp suy thoái kinh tế. Vì thế, nhiều con buôn đang tập trung vào phân khúc cao cấp này. Điều này được thể hiện rõ nhất ở việc nhiều mặt hàng cao cấp xuất hiện trên thế giới chưa đầy 1 ngày là đã có mặt tại thị trường trong nước - thậm chí có mặt hàng có có trước cả lễ ra mắt sản phẩm ở chính quốc.
Những siêu di động hiện đang hạ giá thê thảm ở thị trường Việt Nam có thể kể đến những tên tuổi đình đám như Sony Xperia S, LG Prada 3.0, Nokia Lumia 800... Những sản phẩm này đều có mức giá từ 12 đến 14 triệu/sản phẩm (với hàng xách tay) khi mới xuất hiện ở Việt Nam. Các chủ cửa hàng cho biết đến thời điểm này thì các mặt hàng trên đang rớt giá thê thảm, chỉ còn ở khoảng 10 triệu/máy và họ đang lỗ khoảng 1 triệu cho mỗi sản phẩm.
Giới dân buôn đánh giá nhu cầu "xài sang" của người dân không hẳn là giảm mặc dù đang trong thời điểm thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, giai đoạn này, không có sản phẩm nào có tính đột phá trong cấu hình, tính năng khiến người tiêu dùng không mấy mặn mà với các sản phẩm sành điệu sang trọng mới được ra mắt. Anh Long, một "dân chơi" đam mê siêu di động, cho rằng từ năm ngoái (2011) đến nay, anh chưa thấy bất kì một dòng sản phẩm nào thực sự thuyết phục về tính thời thượng và tính năng độc đáo nên anh cũng không muốn bỏ tiền ra mua mới.
Hiện theo đánh giá của giới sành di động, các sản phẩm mới ra mắt đang bị rơi vào hoàn cảnh "rượu cũ, bình mới". Không khó để nhận thấy rằng iPhone 4 rồi iPhone 4S đến các sản phẩm của Samsung, HTC cứ na ná nhau từ cấu hình cho tới hình dáng. Giải thích cho vấn đề này, một chuyên gia công nghệ cho biết: "Sở dĩ các hãng lớn chưa thể đưa ra sản phẩm với mẫu mã mới là vì dây chuyền, nhân lực và cả nguyên vật liệu vừa xây dựng để vận hành cho sản phẩm xong, giờ khấu hao chưa hết nên đương nhiên các model di động kế tiếp hao hao nhau. Việc đầu tư một dây chuyền lắp ráp mới sẽ ngốn kinh phí khổng lồ, đó là còn chưa kể tới việc tuyển dụng thêm lao động mới, đào tạo lao động cũ để nắm bắt phương thức lắp ráp sản phẩm mới nữa".
Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, năm 2012 là thời điểm đã khấu hao xong dây chuyền sản xuất. Cuối năm 2012 sẽ là thời điểm thị trường siêu di động có nhiều khởi sắc và nhiều mặt hàng di động mới sẽ ồ ạt ra mắt người tiêu dùng sành điệu.