Xuất khẩu có thể vượt mục tiêu

Năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt trên 131 tỉ USD, tăng 14% so với năm ngoái, cao hơn 10% so với mục tiêu đề ra

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2013 ước đạt 107,97 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Các doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng xuất khẩu.

21 mặt hàng vượt 1 tỉ USD

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đã có 21 mặt hàng vượt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD. Trong đó có 11 mặt hàng đạt kim ngạch 2 tỉ USD như: dệt may, điện thoại, máy tính, linh kiện, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, phương tiện vận tải và phụ tùng… Bộ Công Thương dự báo với đà tăng trưởng hiện nay, năm nay tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt trên 131 tỉ USD, tăng 14% so với năm ngoái, cao hơn 10% so với mục tiêu đề ra và có thể kiềm chế nhập siêu ở mức khoảng 500 triệu USD.

Xuất khẩu có thể vượt mục tiêu - 1

Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty Hà Mỵ Ảnh: HỒNG THÚY

Một trong những yếu tố khiến kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng đáng kể trong điều kiện thị trường thế giới khó khăn là các doanh nghiệp đã tận dụng triệt để các thị trường sử dụng C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) ưu đãi. Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu có sử dụng các loại C/O ưu đãi trong 9 tháng đầu năm đạt khoảng 16 tỉ USD, chiếm khoảng 16,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường được đẩy mạnh lợi thế này là Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Đáng lưu ý về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng đầu năm là mặt hàng tôm với tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 2 tỉ USD. Mỹ đã trở thành quốc gia nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, vượt qua Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu tôm vào Mỹ trong 9 tháng đạt hơn 542,7 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng trong tháng 9-2013, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ đã đạt mức tăng kỷ lục 138,7% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân khiến mặt hàng tôm xuất khẩu vào Mỹ thuận lợi là con tôm Việt Nam vừa “thoát án” bán phá giá tại nước này. Mặt hàng dệt may vẫn tiếp tục vị trí quán quân với dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu 19 tỉ USD trong năm 2013.

Vẫn nhiều nỗi lo

Bên cạnh những điểm sáng trên, một số mặt hàng chủ lực lại đang trong đà giảm mạnh và chưa có dấu hiệu cải thiện.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm - thủy sản giảm khá mạnh. Tính chung nhóm hàng này và nhiên liệu khoáng sản đang có mức sụt giảm 15%-25% cho từng mặt hàng. Ngành thủy sản đang gặp thách thức lớn về nguyên liệu do một phần sản lượng nuôi trồng trong nước “chạy” qua đường tiểu ngạch. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu đều giảm mạnh về nhu cầu khiến một số mặt hàng còn có kim ngạch tăng trưởng âm. Đặc biệt là xuất khẩu cá tra đang xuống thấp, lợi nhuận của doanh nghiệp đạt mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và có nguy cơ đổ vỡ nếu không có giải pháp vực dậy kịp thời.

Cà phê cũng là một mặt hàng chủ lực đang trên đà giảm. Trong 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm 24% về lượng, giảm 23,9% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, nhiều lô hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bị trả về do không đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các thị trường nhập khẩu. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN