Vụ khởi kiện gà Mỹ bán phá giá: Chi phí có thể tới 10 tỷ đồng

“Với việc Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ chuẩn bị các bước để khởi kiện Mỹ bán phá giá gà tại Việt Nam, đây có thể coi là lần đầu tiên các đơn vị của Việt Nam đi kiện Mỹ bán phá giá” – ông Phạm Anh Tuấn - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản chia sẻ với NTNN.

Thưa ông, vừa qua đùi gà Mỹ được bán vào thị trường Việt Nam với giá rất thấp, chỉ 20.000 đồng/kg, làm ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi gia cầm trong nước. Với kinh nghiệm từng theo các vụ kiện bán phá giá cá tra, theo ông liệu có phải Mỹ đang bán phá giá gà vào nước ta?

Vụ khởi kiện gà Mỹ bán phá giá: Chi phí có thể tới 10 tỷ đồng - 1

Tập kết gà công nghiệp để xuất bán tại một trại gia cầm tại Tây Ninh. Ảnh: IT

- Theo tôi, nếu mới nhìn vào giá bán mà kết luận họ phá giá thì còn vội vàng, chưa có đủ cơ sở. Cũng giống như vụ Mỹ kiện chúng ta bán phá giá cá tra, họ phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau và khi bị kiện bán phá giá rồi, họ cũng áp mức thuế khác nhau cho mỗi doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Ở đây, chỉ sản phẩm đùi gà thôi thì chưa đủ, cần tính toán trên tổng thể con gà. Nếu họ nói bán ức gà và các bộ phận khác với giá rất cao, chỉ đùi gà là rẻ do với họ là phụ phẩm, thì cũng khó có thể kiện bán phá giá thành công.

Khi Mỹ kiện chúng ta bán phá giá cá tra, họ xem xét các vấn đề gì?

- Đầu tiên họ sẽ xem xét tổng thể các hệ thống số liệu và so sánh trước khi đưa ra những phán quyết cuối cùng. Họ sử dụng một nước thứ 3 có nền kinh tế tương tự và cũng có mặt hàng cá tra để so sánh. Chính vì thế mà có lúc họ chọn Indonesia, lúc lại chọn Philippines và có thời điểm lại chọn Bangladesh. Sau đó, họ xét từng lĩnh vực từ đầu vào như chi phí thức ăn, con giống... để tính ra giá thành sản xuất 1kg cá tra là bao nhiêu, từ đó đưa ra phán quyết Việt Nam có bán phá giá hay không.

Câu chuyện của gà cũng tương tự, muốn kiện họ bán phá giá, chúng ta cần có đầy đủ những số liệu đó để tính ra giá thành sản xuất gà tại Mỹ, chứ chỉ nhìn giá bán ra ở Việt Nam để phỏng đoán rồi kiện họ là chưa đủ.

Qua những lần tìm kiếm bằng chứng chống lại vụ kiện bán phá giá cá tra, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì?

- Khi chúng tôi được giao điều tra về mặt kỹ thuật những vấn đề liên quan tới cáo buộc bán phá giá cá tra, đúng là có rất nhiều cái hay mà chỉ khi đi vào thực tế mới biết được.

"Nếu kiện Mỹ bán phá giá gà vào Việt Nam mà thắng thì rất tốt, vì khi đó Việt Nam có thể áp thuế cho sản phẩm gà của Mỹ khi xuất vào nước ta. Trong trường hợp họ không chấp nhận mức thuế đó thì Việt Nam có quyền đóng cửa với mặt hàng gà của Mỹ. Tất nhiên, cần phải cân nhắc kỹ và có đủ dữ liệu thắng lợi mới nên khởi kiện để tránh lãng phí”.

Ông Phạm Anh Tuấn 

Ví dụ, họ lấy giá thành 1kg thức ăn cho cá tra ở Indonesia là hơn 1USD, nhưng khi chúng tôi sang Indonesia kiểm tra lại thì thấy, thức ăn của Indonesia được sản xuất tại chỗ, không phải nhập khẩu nên có giá thành khác thức ăn tại Việt Nam.

Mặt khác, mã số của thức ăn thực chất không ghi rõ cho vật nuôi gì, nhưng khi tìm hiểu thì chúng tôi được biết đó là thức ăn dành cho tôm chứ không phải cho cá tra. Chúng tôi đã yêu cầu phía Hải quan Indonesia xác nhận những thông tin này để làm căn cứ cho luật sư khi kiện tụng.

Một vấn đề nữa là trước khi quyết định khởi kiện, cần tiến hành khảo sát sơ bộ trước khi thuê luật sư. Hiện thuê luật sư quốc tế rất tốn kém, như vụ cá tra, chi phí thuê luật sư vào khoảng 400.000 – 500.000USD, chưa kể khi họ bay sang Việt Nam thu thập thông tin, chúng ta còn phải lo ăn, ở, đi lại cho họ... Để hiệu quả hơn, nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đã thuê kiểu “khoán trắng”, thậm chí nếu các luật sư giúp thắng kiện (giảm được mức thuế về 0%) thì sẽ được hưởng hoa hồng luôn ở mức thuế giảm.

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, nếu khởi kiện chi phí có thể lên tới 10 tỷ đồng. Ông có thể cho biết cơ quan chức năng có hỗ trợ gì không?

- Đối với cá tra, vụ kiện đầu tiên các cơ quan nhà nước có hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại do doanh nghiệp đóng góp. Từ các vụ kiện tiếp theo thì chủ yếu các doanh nghiệp chủ động bỏ tiền ra đi kiện. Với vụ kiện gà Mỹ bán phá giá vào Việt Nam, tôi không rõ các cơ quan chức năng có hỗ trợ hay không, vì việc này từ trước tới này vẫn chủ yếu do Bộ Công Thương phụ trách.

Tại các vụ kiện phá giá, chủ yếu thiệt thòi thuộc về doanh nghiệp và nông dân, theo ông các cơ quan chức năng cần có giải pháp gì để hỗ trợ họ?

- Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng ngoài vai trò đi đàm phán ngoại giao, mở cửa thị trường thì vấn đề thương mại cũng rất quan trọng. Hiện lĩnh vực này do Bộ Công Thương phụ trách, nhưng do có quá nhiều ngành hàng nên công tác thương mại đối với một số ngành hàng nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.

Theo tôi, Chính phủ cần uỷ quyền cho Bộ NNPTNT phụ trách tham tán thương mại một số mặt hàng nông nghiệp chủ lực ở một số thị trường chính để có người nghiên cứu chuyên sâu về thị trường hơn. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế xã hội hóa kinh phí xúc tiến thương mại.

Trước đây khi xây dựng Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, tôi đã đề xuất nên thành lập một quỹ phát triển thị trường cá tra, theo đó mỗi tấn cá tra xuất khẩu cần trích lại cho quỹ một phần nhỏ để làm công tác thương mại. Hiện các nước cũng làm theo phương pháp này rất thành công, nhưng do “khái niệm” quỹ ở Việt Nam còn mới mẻ nên không được thông qua.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Xuân (danviet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN