Vô lý giá gas

Bộ Tài chính vừa quyết định nâng thuế nhập khẩu khí hoá lỏng từ 0 lên 5% thì ngay lập tức các doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh mặt hàng gas điều chỉnh tăng mỗi bình 12kg lên 11.000 đồng. Việc giá gas tăng đều theo thuế là vô lý!

Giá bán lẻ gas được các doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối đồng loạt tăng 917 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương 11.000 đồng/bình 12 kg, lên 351 nghìn đồng/bình 12 kg. Theo ông Đỗ Trung Thành, Phó Trưởng phòng kinh doanh của Saigon Petro, giá gas tăng như vậy là do tác động của việc tăng thuế nhập khẩu lên 5% từ 20-6.

Khảo sát tại các cửa hàng, đại lý, giá gas vào sáng 22-6, nhận thấy giá bán lẻ đã đồng loạt được thay đổi. Giá gas tại cửa hàng Ngọn lửa thần (Cầu Giấy) bình 12 kg nhãn hiệu Petrolimex có giá 360.000 đồng. Shell gas có giá 365.000 đồng/bình, trong khi đó, Công ty gas Lửa Xanh bán hàng đồng giá bình 12 kg các loại là 330.000 đồng… mặc dù Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối không được lợi dụng chủ trương khôi phục thuế nhập khẩu (5%) để tăng giá bất hợp lý.

Từ việc chênh lệch giá gas giữa 2 cửa hàng, cho thấy, các doanh nghiệp đang làm xiếc với giá gas. Thứ nhất, từ trước tới nay khi chưa điều chỉnh thuế suất nhập khẩu mặt hàng khí hoá lỏng (0%), các doanh nghiệp đã được hưởng một khoản lãi lớn. Giá gas thế giới liên tục giảm, thậm chí giảm về gần 800 USD/tấn nhưng doanh nghiệp trong nước chỉ giảm 30.000 đồng/bình. Mức giảm này còn được chính Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương xác nhận là mức giảm chưa tương ứng. Thứ 2, khi thuế suất nhập khẩu được điều chỉnh thì doanh nghiệp đột ngột tăng giá. Trong các tháng từ tháng 3 đến tháng 8, theo quy luật tiêu dùng thì giá gas thường hạ nhiệt. Việc tăng giá 11.000 đồng bình 12 kg là điều đi ngược.

Từ đây có thể nhìn nhận thấy 2 vấn đề: cơ quan quản lý không quản lý chặt được công tác điều hành giá của mình. Doanh nghiệp đang tự quyết định giá. Bộ Tài chính chưa chủ động sử dụng công cụ thuế để điều tiết giá khi giá thị trường thế giới có biến động mạnh đối với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, loại hàng mà chúng ta còn phải nhập khẩu một thị phần rất lớn trong tổng mức tiêu dùng. Ngoài ra, việc để giá gas tăng khi thuế suất vừa điều chỉnh cho thấy sự thờ ơ của cơ quan quản lý. Thay vì dùng công cụ thuế để bình ổn thị trường thì gián tiếp cơ quan này lại gây tâm lý bất an cho người dân.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói, cơ quan giá phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc tăng giá của doanh nghiệp, mỗi khi có sự biến động về giá gas thế giới. Xem xét việc tăng giá gas trong nước có tương thích và phù hợp hay không. Im lặng hay là không biết thì cơ quan quản lý giá phải thể hiện rõ? Tại sao lại không cảnh báo hoặc ngăn chặn ngay sự bất hợp lý về mỗi lần tăng giá của doanh nghiệp. Điều này đã làm cho doanh nghiệp hưởng lợi cao, còn thiệt hại dành cho người tiêu dùng – ông Long nói.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, cơ quan tài chính chỉ kiểm soát giá gas thông qua đăng ký giá của doanh nghiệp, chứ không kiểm tra cụ thể cơ cấu chi phí và các yếu tố hình thành giá để thấy rõ sự bất hợp lý của giá gas. Có phải vì lợi ích nhóm mà khung bảng tính giá gas chưa bao giờ công khai để người tiêu dùng được biết chi phí, giá thành thực tế của doanh nghiệp và mức hoa hồng cho đại lý hay lợi nhuận mà doanh nghiệp đang hưởng. Trên thực tế, dù hoạt động kinh doanh gas đã bị siết lại bằng Nghị định 107/NĐ-CP nhưng chỉ mới loại bỏ các doanh nghiệp kinh doanh gas nhỏ lẻ không đủ điều kiện, mà không có tác dụng nhiều với tình trạng tùy tiện tăng giá gas.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Hằng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN