Vật nuôi đặc sản mất giá vì dịch cúm

Thuộc vùng “an toàn” không có dịch cúm gia cầm (CGC) H5N1, nhưng những con “đặc sản” như gà móng, gà Đông Tảo, gà chín cựa, chim trĩ… vẫn bị “vạ” oan khi giá liên tục giảm, khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Yên tâm với gà “đặc sản”

Cho đến thời điểm này, dù dịch CGC đã xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, song những vùng có con “đặc sản” như gà Đông Tảo, xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên); gà móng (gà sách đỏ), xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam); gà chín cựa, xã Xuân Sơn, Tân Sơn (Thanh Sơn, Phú Thọ)… đều không có dịch. Tuy nhiên, vào thời điểm này những con “đặc sản” kể trên vẫn đang chịu ảnh hưởng từ dịch của gà, vịt thường.

Ông Phạm Văn Xuân – Trưởng phòng NNPTNT huyện Duy Tiên cho biết, hiện ở xã Tiên Phong có khoảng 20.000 con gà móng, trong đó gần nửa là gà thịt, còn lại gà mái và gà choai. Theo ông Xuân, trong nhiều năm gần đây, mặc dù huyện Duy Tiên và các huyện lân cận như Kim Bảng, Bình Lục có dịch CGC, nhưng tuyệt nhiên đàn gà móng ở xã Tiên Phong không con nào mắc bệnh. “Gà móng có sức đề kháng rất tốt, khỏe, ít khi mắc bệnh, được người dân chăm sóc, tiêm phòng rất cẩn thận” – ông Xuân cho hay. 

Anh Nguyễn Văn Thắm - chủ trang trại gà móng lớn nhất xã Tiên Phong khẳng định, anh gắn bó với con gà móng hơn chục năm nay, nhưng chưa năm nào bị dịch cúm. Anh Thắm cho rằng: “Ngoài sức đề kháng tốt, công tác phòng, chống dịch bệnh tốt, xã Tiên Phong còn nằm biệt lập với các xã khác, nên dường như ít chịu ảnh hưởng dịch của các xã khác”.

Tương tự gà móng, gà chín cựa ở các xã Xuân Sơn, Tân Sơn cũng được đánh giá là một giống gà quý hiếm và có giá trị kinh tế cao. Ngoài là “linh vật” trong truyền thuyết kén rể của Vua Hùng, gà chín cựa còn có hình dáng rất đẹp mắt, có thể nuôi làm cảnh và đặc biệt thịt cũng rất ngon. Do được nuôi ở vùng rừng núi, địa hình gò đồi, khí hậu thoáng mát, nên từ trước đến nay đàn gà chín cựa chưa hề bị mắc dịch cúm.

Ông Lý Phúc Lâm (xóm Quẩy, xã Tân Sơn) nói chắc như đinh đóng cột: “Không phải chúng tôi chủ quan, nhưng từ trước đến nay đàn gà chín cựa chưa hề bị dịch cúm, bởi nó có sức đề kháng rất tốt”. Không phải là gà “sách đỏ”, nhưng giá trị của gà Đông Tảo lại cao gấp nhiều lần gà móng, gà chín cựa.

Chúng tôi về xã Đông Tảo vào đúng dịp nhiều địa phương có dịch cúm, càng thấy rõ hơn sự cảnh giác dịch bệnh của người dân nơi đây. Họ sát trùng đường sá, chuồng trại bằng vôi bột, nếu người lạ muốn vào khu chuồng phải sát trùng và mặc quần áo mưa bảo hộ... Đã nhiều năm nay đàn gà Đông Tảo “miễn dịch” với dịch cúm. Anh Nguyễn Thanh Sơn - thôn Trung Đình (xã Đông Tảo) nuôi 1.000 gà Đông Tảo các loại, cho hay: “Cũng có thể do chúng tôi tiêm phòng dịch bệnh và sức đề kháng của gà tốt, hoặc lý do nào đó. Nhưng điều chúng tôi có thể yên tâm là từ trước tới nay gà Đông Tảo chưa hề bị dịch cúm H5N1”.

Vật nuôi đặc sản mất giá vì dịch cúm - 1

Anh Nguyễn Văn Thắm, xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam) buồn rầu khi đàn gà đến lứa xuất thì bị tụt giá.

Thương lái lợi dụng ép giá

Dù con “đặc sản” đang rất an toàn về dịch bệnh cúm H5N1, nhưng nó lại đang chịu chung rủi ro với các vùng có đàn gà, vịt mắc bệnh, khi giá gà thịt, con giống liên tục giảm, khiến nhiều hộ thua lỗ hàng chục triệu đồng.

Anh Thắm buồn rầu cho hay: “Gà chúng tôi an toàn là thế, nhưng khi mua, thương lái họ cứ vin lý do đang có dịch cúm để ép giá”. Không chỉ xã Tiên Phong, mà cả tỉnh Hà Nam chưa xuất hiện ổ dịch nào, nhưng thương lái vẫn ép giá gà. Trước tết tôi bán 150.000 – 180.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 80.000 – 90.000 đồng/kg gà ngon. Lỗ nhất là gà đẻ trứng và gà giống, trước trung bình 18.000 – 22.000 đồng/con, nhưng nay chỉ bán được 5.000 – 7.000 đồng/con. Tính ra với gần 1.000 con gà, tôi lỗ 4 – 5 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể chênh lệch về giá cả”.

Theo anh Thắm, nguyên nhân giá gà giảm là do ảnh hưởng từ tin đồn dịch cúm H5N1, do đó người tiêu dùng cũng hạn chế ăn. Hơn nữa, “đục nước béo cò”, một số thương lái đã ép giá để thu lợi. Còn giá gà giống giảm là do người dân sợ dịch, không dám tăng đàn.Vì số lượng hạn chế, nên gà Đông Tảo ít chịu ảnh hưởng hơn, song giá cũng giảm 20 – 30% so với trước.

Ôm chú gà trống nặng gần 5kg, mào đỏ âu, chân to, xù xì vẩy rồng lên vuốt ve, anh Sơn chua chát nói: “Hiện gà giống Đông Tảo dao động từ 120.000 – 150.000 đồng/con 1 tháng tuổi, giảm 50.000 – 80.000 đồng so với trước đây. Còn gà thịt cũng giảm từ 250.000 đồng/kg, xuống còn 200.000 đồng/kg, gà loại hai chỉ còn 180.000 đồng/kg, rẻ nhất từ trước đến nay”.

Trung bình mỗi tháng anh Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 200kg gà thịt và khoảng 7.000 gà giống, tính ra thâm hụt hàng chục triệu đồng.Không chỉ có gà, mà cả chim trĩ, vịt trời, cuốc lủi… cũng bị “vạ” lây từ dịch cúm gia cầm.

Gần 2 tháng nay, anh Nguyễn Văn Đề, thôn Quất, xã Hợp Đức (Tân Yên, Bắc Giang), không còn hào hứng ra thăm đàn chim trĩ hơn 400 con vào mỗi buổi sáng như trước đây, bởi mỗi ngày chúng “móc túi” anh cả triệu đồng, mà giá trị của chúng thì ngày càng giảm. Nhìn đàn chim trĩ, anh Đề thở dài: “Hồi trước chim trĩ khoảng 400.000 đồng/kg, nay chỉ còn 280.000 – 300.000 đồng/kg, nhưng cũng rất ít người mua. Họ sợ dịch cúm gia cầm, nhưng chim trĩ có mấy khi bị cúm đâu?”. 

Lợn cũng giảm giá

Ông Nguyễn Thế Huy - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết, hiện đàn lợn ở huyện này có khoảng 120.000 con, giảm khoảng 80.000 con so với năm ngoái; còn gà khoảng 1,3 triệu con, giảm 1 triệu con so với năm ngoái. “Hiện đã có hàng chục hộ bỏ chuồng và hàng trăm hộ chỉ nuôi cầm chừng, bởi họ không còn đủ sức “gánh” lỗ - ông Huy nói.

Từng là một trong những người muôi lợn nhiều nhất nhì xã, nhưng ông Trần Văn Bổng ở xã Dị Chế (Tiên Lữ, Hưng Yên) giờ chỉ muôi 10 con cầm chừng do liên tục thua lỗ. Ông Bổng nói: “Đợt này giá lợn, gà tụt lâu quá, lại “dính” dịch H5N1, lở mồm long móng đang hoành hành, chưa biết đến lúc nào người chăn nuôi mới có lãi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Tùng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN