Tự vệ trước hàng TQ "thượng vàng hạ cám"
Nhập siêu từ Trung Quốc đang là một thách thức thật sự đối với nền kinh tế, cần sớm có biện pháp bảo vệ hàng trong nước
Giải quyết bài toán nhập siêu từ Trung Quốc (TQ) không thể một sớm một chiều. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt, chúng ta cần xây dựng hàng rào kỹ thuật ngăn chặn những hàng hóa kém chất lượng.
Ngày càng nghiêm trọng
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và nước láng giềng TQ đã có từ lâu đời nhưng tình trạng nhập siêu hàng hóa từ TQ chỉ nặng nề trong khoảng chục năm trở lại đây. Nếu như năm 2000, Việt Nam xuất siêu vào TQ được 135 triệu USD thì ngay năm sau (2001), chúng ta thâm hụt 200 triệu USD và con số nhập siêu không ngừng tăng lên trong các năm tiếp theo.
Giai đoạn năm 2001-2005, tỉ trọng giá trị nhập khẩu từ TQ đã tăng lên 13,4% (thay vì mức 5,4% như giai đoạn 1996-2000). Năm 2007, nhập siêu từ TQ hơn 9,1 tỉ USD nhưng đã nhảy vọt lên mức 11,53 tỉ USD vào năm 2008, bằng 90% tổng nhập siêu cả năm, trở thành “mức báo động”. Chưa dừng lại ở đó, năm 2010, nhập siêu từ nước láng giềng này tiếp tục vươn cao lên mức “khủng” 12,6 tỉ USD, bằng 105% mức nhập siêu cả năm của Việt Nam...
Đầu tháng 8/2007, Bộ Thương mại ban hành Đề án Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa với TQ giai đoạn 2007-2015 nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, giảm nhập siêu. Theo đó, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sang TQ đến năm 2015 là 11,1 tỉ USD, còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ TQ được Bộ Thương mại đưa ra phải kiểm soát ở mức 19,9 tỉ USD đến năm 2015.
Tuy nhiên, đến nay, chỉ 9 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu khối lượng hàng hóa từ TQ là 20,7 tỉ USD, vượt xa mục tiêu của năm 2015. Chỉ riêng thị trường TQ đã chiếm hơn 24,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước...
Trái cây Trung Quốc bán tại chợ đầu mối Tam Bình, quận Thủ Đức - TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Chuyên gia kinh tế cao cấp - TS Lê Đăng Doanh bình luận: Câu chuyện nhập siêu từ TQ, nhập từ cái tăm tre, cục xíu mại… nói lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn. Nhập siêu kéo dài và ngày càng nghiêm trọng là một thách thức thật sự đối với nền kinh tế Việt Nam và không thể xem thường. “Đến nay, tình hình rất nghiêm trọng nhưng không thấy cơ quan quản lý có động thái mạnh về điều này. Ngay việc bảo hộ hàng Việt trước nguy cơ bị chèn ép của hàng TQ cũng quá kém” - ông Doanh nhận xét.
Đẩy mạnh hàng rào kỹ thuật
Ông Trần Vũ Nguyên, Giám đốc dự án xúc tiến thị trường ASEAN+1, Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao, lo ngại: “Chúng ta nhập đủ loại hàng hóa, từ thực phẩm, trái cây cho đến quần áo, giày dép, nhu yếu phẩm, máy móc, trang thiết bị đến từng cái quạt điện, bóng đèn… Những mặt hàng này nền kinh tế trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được nhưng DN trong nước lại bị cạnh tranh trực tiếp từ hàng nhập khẩu.
Mối họa nhập siêu từ TQ là sự cạnh tranh không cân sức với hàng TQ sẽ bóp chết sản xuất trong nước. Và nếu các sản phẩm kém chất lượng vẫn cứ được nhập về sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - TQ có hiệu lực, hàng hóa TQ tràn vào nước ta là chuyện bình thường nhưng đáng lo là chúng ta chưa có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát loại hàng kém chất lượng. “Căn bệnh” nhập “thượng vàng hạ cám” từ TQ cần được kiểm soát.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta cần nâng cao năng lực xuất khẩu qua thị trường này, thay đổi cơ cấu theo hướng tăng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi sản xuất và trở thành “đầu vào” của thị trường TQ. Đồng thời, tăng cường nhập khẩu đầu vào từ nhiều thị trường khác nhau trên thế giới, thay vì chỉ tập trung vào nước láng giềng này...
Giải pháp tăng cường xuất khẩu vào TQ được đề cập từ lâu nhưng vì sao đến nay hàng hóa Việt Nam xuất sang TQ chưa nhiều? Theo ông Trần Vũ Nguyên, đó là do nhiều DN còn e ngại phải cạnh tranh với “người khổng lồ” ngay tại sân nhà của họ hoặc DN chọn giải pháp an toàn và đơn giản là buôn bán qua đường biên mậu. Khi TQ chỉ cần kiểm tra ngặt biên giới là hàng hóa của ta không thể vào được...
Trong lúc chờ các bộ, ngành tìm giải pháp kiềm chế nhập siêu từ TQ, các tổ chức hiệp hội cần tuyên truyền để người tiêu dùng “nói không” với hàng hóa kém chất lượng. Đồng thời, cần có biện pháp bảo vệ hàng trong nước. TS Lê Đăng Doanh |