Truyền hình trả tiền sẽ đại hạ giá
Cả nước hiện có hơn 40 doanh nghiệp, đài truyền hình kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, nhưng vai trò thống lĩnh đang thuộc về SCTV, VCTV, HCTV.
Sắp tới, với sự gia nhập của 3 “ông lớn” là VNPT, Viettel và FPT, cuộc ganh đua giành thuê bao truyền hình sẽ càng khốc liệt và hứa hẹn sẽ làm thay đổi đáng kể về giá thuê bao và chất lượng dịch vụ.
Truyền hình trả tiền mang đến nhiều thông tin bổ ích, hấp dẫn song chất lượng hình ảnh chưa được như khách hàng mong đợi
Người dùng bị áp đặt
Thị trường truyền hình trả tiền trong 3 năm gần đây có sự tăng tưởng nhanh chóng, số thuê bao tăng thêm 20-25%/năm. Đến nay, đã có khoảng hơn 4 triệu thuê bao, do hơn 42 nhà cung cấp dịch vụ thực hiện. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), dẫn đầu thị trường là Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) với 40% thị phần, Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV) chiếm 30% và Trung tâm Truyền hình cáp Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh với 15%. Do “miếng bánh” lớn nằm trong tay số ít doanh nghiệp, nên sự cạnh tranh không gay gắt và người dùng thường bị áp đặt mức giá thuê bao cũng như phải chịu chất lượng dịch vụ chưa như thỏa thuận.
"Khi cạnh tranh gay gắt hơn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền buộc phải tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ, bảo đảm cung cấp dịch vụ theo đúng chất lượng đã công bố, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về hàng hóa - thông tin mà họ cung cấp cho người tiêu dùng sao cho thông tin phải trung thực đầy đủ, chính xác, an toàn và không xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng”. Ông Vương Ngọc Tuấn Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn vàBảo vệ người tiêu dùng |
Một nghịch lý, mức giá ở nơi tập trung nhiều thuê bao lại cao hơn nơi ít thuê bao, như tại Hà Nội, giá thuê bao truyền hình cáp Việt Nam, cáp Hà Nội là 110.000 đồng/tháng, trong khi tại Hải Dương là 55.000đồng/tháng, Nghệ An 77.000 đồng/tháng… Bà Nguyễn Phương Lan - Trưởng ban Giám sát và quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, hiện tượng doanh nghiệp truyền hình trả tiền thống lĩnh thị trường, ép buộc các nhà cung cấp nội dung truyền hình phải ký hợp đồng độc quyền, đơn phương tăng giá dịch vụ hoặc buộc phải dùng dịch vụ của một nhà cung cấp nào đó (rõ nhất là tại các khu đô thị mới, doanh nghiệp truyền hình “bắt tay” với chủ đầu tư tòa nhà để độc quyền cung cấp dịch vụ truyền hình) đã và đang xảy ra.
Ông Vương Ngọc Tuấn- Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, gần đây Hội nhận được nhiều khiếu nại của người dùng dịch vụ truyền hình trả tiền. Dẫn chứng như truyền hình kỹ thuật số VTC công bố phát 10 kênh HD nhưng chỉ phát 3-4 kênh HD, đột ngột dừng phát sóng trong vòng 2 năm tại tỉnh Đồng Tháp mà không đả động gì đến quyền lợi của người đã mua đầu thu; Chủ đầu tư tòa nhà NƠ 5 Khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính (Hà Nội) cùng nhà cung cấp dịch vụ độc quyền tự ý nâng giá thuê bao, sau cư dân phải đấu tranh mãi mới đưa về giá ban đầu... Bà Thái Hồng Hải - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người tiêu dùng Thăng Long phàn nàn: “Trước chúng tôi luôn tin truyền hình, nhưng giờ “nhà đài” quảng cáo nhiều quá, chúng tôi mất lòng tin. Truyền hình trả tiền mà quảng cáo nhiều thế, sự cố mất sóng, nhiễu sóng xảy ra thường xuyên, việc khắc phục thì chậm chạp, khiến người dùng rất bực mình”.
Truyền hình trả tiền mang đến nhiều thông tin bổ ích, hấp dẫn song chất lượng hình ảnh chưa được như khách hàng mong đợi
Cạnh tranh khốc liệt
Theo ước tính của Cục Quản lý cạnh tranh, doanh thu mỗi năm của truyền hình trả tiền khoảng 2 tỷ USD, và lĩnh vực này có tiềm năng rất lớn. Do đó, các “ông lớn” là VNPT, Viettel và FPT đã gia nhập thị trường, báo hiệu cuộc cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, giá thuê bao và mua bản quyền sẽ gay gắt hơn.
Ông Vũ Văn Hiến - Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam tỏ ra lo ngại giá thuê bao sẽ bị phá giá trước thông tin Viettel cung cấp giá thuê bao chỉ 20.000 đồng/tháng. Về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Lan khuyến nghị, nên phát huy vai trò hoạt động của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam là cầu nối và liên kết các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời tăng cường hoạt động quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước để tạo ra một sân chơi công bằng, lành mạnh. Còn ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định: “Truyền hình trả tiền là dịch vụ hàng hóa thiết yếu bắt buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Chúng tôi sẽ dựa vào công thức tính giá thành dịch vụ theo Luật Cạnh tranh để đưa ra quyết định doanh nghiệp có bán dưới giá thành hay không”.
Về việc cạnh tranh mua bản quyền để thu hút thêm thuê bao, quảng cáo, ông Vũ Quang Huy - Phó tổng giám đốc Đài truyền hình VTC cho biết, ưu thế đàm phán mua bán bản quyền truyền hình thường nghiêng về các doanh nghiệp nhà nước và trực thuộc các Đài truyền hình lớn tại Trung ương, khiến nhà đài tư nhân, nhỏ lẻ gặp khó. Để giải quyết vấn đề bản quyền, theo ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, trước mắt các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hãy tập trung đầu tư, hợp tác với các đài truyền hình, các đơn vị sản xuất chương trình trong nước khai thác những sản phẩm có nội dung, tư tưởng tốt, chất lượng nghệ thuật hay và hấp dẫn