Toàn cảnh bức tranh thị trường bia: Bia nội vươn lên rượt đuổi sát nút bia ngoại

Tăng trưởng ngành bia đã qua thời “hoàng kim”. Giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng toàn ngành chỉ đạt 6,8%, sang năm 2020, càng giảm mạnh do khó khăn kép từ đại dịch Covid-19 và Nghị định 100 về xử phạt người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, riêng phân khúc bia cao cấp lại có sự bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng trưởng khoảng 15%/năm so với mức 4,8%/năm của phân khúc bia giá rẻ. Cuộc rượt đuổi giành vị trí thống lĩnh giữa những ông lớn ngành bia ngày càng khốc liệt.

Nhiều ông lớn tên tuổi của ngành bia thế giới như VBL (chủ sở hữu Heineken và Tiger), AB-Inbev (chủ sở hữu Budweiser và Beck), Carlsberg, Saporo… và một loạt bia thuộc phân khúc cao cấp thi nhau chào sân trong 2 năm trở lại đây: Bud Light, Beck Ice, Tiger Crystal, Heineken Silver. Trong cuộc đua thống lĩnh thị phần, VBL và Sabeco gần như luôn rượt đuổi nhau sát nút và gần đây nhất với sự ra mắt của thương hiệu Bia Việt của VBL và Bia Saigon Chill của Sabeco đã đẩy những cuộc cạnh tranh đến hồi cao trào.

Thị trường bia Việt Nam có sự cạnh tranh quyết liệt của các thương hiệu lớn

Thị trường bia Việt Nam có sự cạnh tranh quyết liệt của các thương hiệu lớn

Nhân đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) để hiểu rõ hơn về bức tranh toàn cảnh thị trường bia, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, khi mùa lễ hội đang cận kề và nhu cầu đang tăng cao, nhất là dòng bia cao cấp.

Chào ông! Theo ông, tại sao bên cạnh sự sụt giảm của thị trường bia nói chung, phân khúc bia cao cấp lại có sự phát triển mạnh mẽ như vậy?

Trên thực tế, khi nhu cầu tiêu dùng phát triển, kinh tế phát triển, bia cũng không còn là thứ xa xỉ như trước đây người ta quan niệm nữa mà đã trở thành một thức uống phổ thông. Còn cách gọi bia cao cấp thật ra do cách định nghĩa hoặc định giá. Thật ra, cao cấp là gì? Là chất lượng cao hơn, hình thức tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, dịch vụ cao hơn. Nhưng quan trọng là dịch vụ cao hơn. Khi giá trị dịch vụ cao hơn, nó sẽ trở thành một xu thế, đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay. Từ đó, bia cao cấp nằm trong quy luật tự nhiên, phải phát triển.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam

Ông nghĩ xu hướng này trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển như thế nào?

Tương lai rất khó nói. Thứ nhất, bây giờ có nhiều loại đồ uống để chúng ta lựa chọn. Thứ hai, con người cũng nhận thức cao, không cần quảng cáo người ta cũng tự lựa chọn thứ người ta thích. Bia có thể có xu thế bão hoà, đi ngang hoặc đi xuống. Nhưng cũng chưa thể khẳng định xu hướng sắp tới của các dòng bia cao cấp. Cái gì tốt thì nó sẽ phát triển, đó là xu thế chung.

Thị trường bia nước ta gần đây có sự “đổ bộ” của nhiều thương hiệu ngoại. Ông đánh giá như thế nào về áp lực cạnh tranh, đặc biệt giữa doanh nghiệp “ngoại” và “nội”?

Cạnh tranh có vai trò rất quan trọng và là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất phát triển. Nó buộc người sản xuất phải thường xuyên năng động, nhạy bén, thường xuyên cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao tay nghề, hoàn thiện tổ chức quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế...

Thực tế cho thấy, ở đâu thiếu cạnh tranh hoặc có biểu hiện độc quyền thì ở đó thường trì trệ, bảo thủ, kém phát triển.

Cạnh tranh là quy luật của kinh tế thị trường, là quy luật của sự phát triển, muốn phát triển thì phải cạnh tranh. Riêng ngành bia, AB-Inbev, Heineken, Carlsberg… là những thương hiệu lớn. Doanh nghiệp nội thì có Sabeco, Habeco cũng là những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu ở Việt Nam và khu vực. Tất cả đều có tầm cỡ rồi và việc cạnh tranh để giành thị phần là đương nhiên thôi.

Nói riêng trong năm 2020, những trở ngại như dịch Covid, chính sách quản lý đối với ngành rượu, bia ngày càng chặt hơn đã đặt các hãng bia vào áp lực sinh tồn chứ không chỉ là phát triển nữa. “Hãng lớn” thì đều có anh tài, muốn phát triển thì phải cạnh tranh thôi.

Bên cạnh mặt tích cực, cạnh tranh cũng có những mặt tiêu cực, thể hiện ở cạnh tranh không lành mạnh như dùng những thủ đoạn vi phạm đạo đức hoặc vi phạm pháp luật nhằm thu được nhiều lợi ích nhất cho mình, gây tổn hại đến lợi ích của tập thể, xã hội, cộng đồng, biểu hiện là sử dụng những chiêu không đẹp, sự cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ như bôi nhọ nhau, nói xấu nhau, tung tin thất thiệt...

Cái mà các doanh nghiệp cần làm là nâng cao chất lượng sản phẩm lên, nâng cao chất lượng dịch vụ và thực hiện đúng chính sách của nhà nước. Vấn đề là các doanh nghiệp cần tỉnh táo nhìn nhận, lựa chọn cách cạnh tranh đúng đắn vì phía sau doanh nghiệp vẫn là người tiêu dùng và luật pháp.

Toàn cảnh bức tranh thị trường bia: Bia nội vươn lên rượt đuổi sát nút bia ngoại - 3

Với sự “bành trướng” của các doanh nghiệp bia ngoại, theo ông, tiềm lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường của bia nội như thế nào?

Công bằng mà nói, các doanh nghiệp bia ở Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài đều là những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, dày dạn kinh nghiệm, dịch vụ, chất lượng quản lý cũng rất tốt. Doanh nghiệp nội bị “gò” trong cơ chế bao cấp một thời gian dài nên bây giờ phải cố gắng rất nhiều mới có thể bắt kịp trình độ thế giới.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng với dịch vụ, chất lượng tốt, mang lại lợi ích cho xã hội, đồng thời đóng góp cho ngân sách tốt thì khi ấy doanh nghiệp sẽ phát triển là tất yếu thôi. Thực tế, xác định ranh giới giữa doanh nghiệp nội và ngoại cũng rất khó vì các doanh nghiệp này đều sản xuất ở Việt Nam, phục vụ cho người dân Việt Nam, nộp ngân sách cho nhà nước Việt Nam. Cho nên, ở đây, không bàn về khái niệm nội, ngoại nữa mà là những yếu tố có thể tạo nên một lợi thế của doanh nghiệp, có thể kể đến như dịch vụ, vốn, trình độ, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có chất lượng được người tiêu dùng chấp nhận thì doanh số sẽ tăng lên. Thêm nữa là doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Tóm lại, để khẳng định được tên tuổi dù là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều cần phải nỗ lực đáp ứng các tiêu chí trên.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp bia lớn đến thị trường Việt Nam cũng đã từng rời đi. Phải chăng, thị trường bia Việt Nam có phần khốc liệt hơn?

Foster, BGI… là những cái tên sừng sỏ nhưng cũng phải chấp nhận rời đi. AB-InBev, Carlsberg là số một thế giới, số một Châu Âu nhưng không phải số một ở Việt Nam. Thế nên, thị trường Việt Nam sẽ tự phân loại và đào thải. Ai đang có vị trí số một rồi thì càng phải cố gắng. Câu chuyện phát triển thương hiệu không phải cứ dẫn đầu là “thắng”. Tất cả đều phát triển dựa trên quy luật kinh tế và thị trường riêng.

Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ!

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN