Tìm lối ra cho cá ngừ đại dương

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và chính quyền 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã cùng ngồi lại với nhau tìm cách giúp ngư dân vươn khơi đánh bắt.

“Câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là nghề có thể cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó nâng cao đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việc sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị được xác định là khâu đột phá để thực hiện mục tiêu này” - ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), phát biểu tại hội nghị “Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị” ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa ngày 4-7.

“Căn bệnh” rớt giá

Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng và mắt to năm 2013 tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa giảm chỉ còn khoảng 16.000 tấn. Hiệu quả khai thác cá ngừ nhiều năm nay chỉ đạt 50%-76% sản lượng cho phép. Giá cá ngừ từ 140.000-160.000 đồng/kg, có thời điểm đạt 200.000 đồng/kg, nay đã giảm xuống còn khoảng 50.000 đồng do xuất hiện nghề câu tay kết hợp ánh sáng và thị trường xuất khẩu giảm. Tổn thất về giá trị cá ngừ là từ 30%-40% đối với nghề câu vây vàng và 60%-70% đối với nghề câu tay kết hợp ánh sáng.

Tìm lối ra cho cá ngừ đại dương - 1

Thu mua cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa

Ông Cao Đức Phát cho rằng “căn bệnh” hiện nay của nghề đánh bắt cá ngừ đại dương trước hết là cách đánh bắt, bảo quản, sơ chế của ngư dân còn lạc hậu, làm mất giá trị cá từ 1/2 đến 2/3. Do đó, cần nâng cao chất lượng và giá trị của con cá ngừ đại dương. Các chi phí liên quan đến đánh bắt như tàu cá, công nghệ lạc hậu làm thu thập của ngư dân thấp. Thị trường cũng không hình thành được chuỗi gắn kết, phân bố hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia là ngư dân, chủ tàu, đại lý thu mua, nhà xuất khẩu… nên phần thiệt thòi luôn thuộc về ngư dân. Ngoài ra, việc mở rộng khai thác cá ngừ không phải càng nhiều càng tốt mà cần tùy thuộc nhu cầu nên phải đánh bắt bền vững.

Ông Yukio Kikuchi, Giám đốc Dự án hãng Yanmar tại Việt Nam (tập đoàn sản xuất máy móc ngư, nông cụ của Nhật Bản), cho rằng do kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa chuẩn nên kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam chỉ đạt 560 triệu USD/năm. Trong khi đó, nếu xử lý kỹ thuật đúng thì có thể bán được tối thiểu 1,5 tỉ USD.

Ông Mai Thành Phúc, ngư dân tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện nay, ngư dân rất muốn cải tiến, hoán cải, đóng mới tàu cá để áp dụng các công nghệ mới nhưng rất thiếu vốn. Bên cạnh đó, việc mua xô, ép giá đã gây thiệt thòi cho ngư dân, không khuyến khích họ bảo quản sản phẩm, nâng cao chất lượng.

Sản xuất chuỗi giá trị

Bộ NN-PTNT đưa ra giải pháp đánh bắt, sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị, kết hợp một loạt hoạt động: khai thác ngư trường, bảo quản sản phẩm trên tàu, vận chuyển về đất liền, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa). Bộ đưa ra 2 mô hình sản xuất cá ngừ theo chuỗi liên kết dọc và liên kết ngang.

Để nâng cao hiệu quả sản phẩm, mỗi công đoạn phải được cải thiện và đầu tư khoa học công nghệ. Theo đó, nhiều công ty đã giới thiệu công nghệ đóng tàu khai thác cá ngừ xa bờ bằng các chất liệu gỗ, composite, thép và công nghệ bảo quản cá ngừ mới cho ngư dân.

Theo ông Yukio, hãng Yanmar đang đầu tư, giới thiệu nhiều giải pháp khai thác cá ngừ bền vững tại Việt Nam, như: tập huấn cho ngư dân theo công nghệ, kỹ thuật khai thác của Yanmar để nâng giá bán sỉ từ 2 USD/kg lên 9 USD/kg; tiết kiệm nhiên liệu bằng công nghệ tàu composite và tổ chức khai thác tổ đội; tham gia các nhãn chứng chỉ quốc tế như MSC để cá ngừ Việt Nam đạt chuẩn thế giới…

“Nếu được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, từ nay đến năm 2015, Yanmar sẽ đầu tư thí điểm 180 tàu composite khai thác cá ngừ theo mô hình công ty cổ phần của Nhật. Ngư dân được mua cổ phần đến 100% giá trị tàu. Yanmar sẽ tư vấn, đào tạo kỹ thuật, quản lý tổng thể chất lượng cá, bao tiêu xuất khẩu với giá cao” - ông Yukio Kikuchi khẳng định. 

Hỗ trợ trực tiếp ngư dân đóng tàu

Bộ NN-PTNT cho biết đang trình Chính phủ thông qua nghị định hỗ trợ ngư dân thực hiện đề án sản xuất cá ngừ theo chuỗi với kinh phí khoảng 5.774 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ ngư dân đóng tàu khoảng 5.200 tỉ đồng. Ngư dân được vay 70%-90% giá trị con tàu với lãi suất 1%-3%/năm trong 11 năm. Đồng thời, hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo kỹ thuật cho ngư dân… Kinh phí được đưa trực tiếp cho ngư dân và ngư dân có quyền quyết định mẫu tàu cùng thiết bị. Bộ NN-PTNT cũng sẽ xây dựng bộ quy chuẩn để bảo đảm an toàn cho ngư dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kỳ Nam (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN