Tiếc trăm tỷ, thất thu ngàn tỷ

Nếu chịu bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm để nạo vét luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng đủ độ sâu, thì lợi nhuận mang lại cả ngàn tỷ đồng cho ngân sách. Tuy nhiên, đến nay nguồn tài nguyên này lúc được khơi thông, khi bị tắc...

Lúc tắc, lúc thông

Sau nhiều năm, cách đây một tháng, ông Lưu Văn Quảng, Tổng giám đốc Tổng Cty Bảo đảm An toàn Hàng hải (BĐATHH) miền Bắc đã phát đi thông báo với ngành hàng hải thế giới “Luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng đạt chuẩn tắc thiết kế âm 7,2m”.

Sở dĩ được như vậy, vì hồi đầu năm, sau khi làm việc với Hải Phòng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo rót khoảng 150 tỷ để nạo vét luồng.

Với độ sâu này, các loại tàu trọng tải đến 2.000 tấn có thể ra vào cảng Hải Phòng ăn và nhà hàng dễ dàng, thay vì trước đây đến bến Gót ở đảo Cát Hải phải hạ tải, sau đó mới được vào cảng.

Theo ông Quảng, cứ thêm mỗi triệu tấn hàng hóa qua khu vực cảng biển Hải Phòng sẽ đem lại nguồn thu cho đất nước thêm khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó riêng Hải quan Hải Phòng có thể thu thêm được khoảng 1.000 tỷ đồng tiền thuế.

Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông, dịch vụ được vận hành tối đa tạo thêm hàng nghìn việc làm...

Tiếc trăm tỷ, thất thu ngàn tỷ - 1

Hiện tàu trọng tải đến 2.000 tấn có thể vào thẳng cảng Hải Phòng, vì luồng vào cảng mới được nạo vét độ sâu chuẩn 7,2 m.

Cảng Hải Phòng là cửa ngõ thông thương với quốc tế quan trọng nhất của miền Bắc. Hàng hóa của 17 tỉnh, thành phố phía Bắc, hàng quá cảnh của khu vực Bắc Lào và phía Nam Trung Quốc đều đi qua.

Lượng tàu biển đến cảng Hải Phòng tăng bình quân 11% mỗi năm, lượng hàng hóa tăng bình quân 18% mỗi năm và dự kiến năm 2012 lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng khoảng 50 triệu tấn và hải quan thu được khoảng 50.000 tỷ đồng tiền thuế.

Ông Trương Văn Thái, Phó TGĐ Cảng Hải Phòng cho biết: “Việc luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng đạt chuẩn tắc thiết kế sẽ nâng cao khả năng tiếp nhận được tàu lớn hơn. Tàu hai vạn tấn có thể ra vào Tân Cảng dễ dàng và tàu đến 4 hay 5 vạn tấn giảm tải tùy theo điều kiện thủy triều là đều có thể cập cầu cảng Tân Cảng. Trước đó, khi luồng không đạt chuẩn tắc thì việc tàu lớn vào là không thể...”.

Tuy nhiên, theo ông Lưu Văn Quảng, do đặc điểm địa hình, địa chất của hệ thống sông và cửa biển nên mức độ bồi lắng trên luồng Hải Phòng rất lớn.

Năm 2006, dự án nâng cấp cảng Hải Phòng với sự giúp đỡ của chuyên gia Nhật thì để duy trì chuẩn tắc của tuyến luồng phải thường xuyên nạo vét khối lượng sa bồi hàng năm từ 1,5 đến 3 triệu m3.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư nạo vét từ ngân sách năm có, năm không nên không duy trì được việc nạo vét thường xuyên, vì thế độ sâu luồng (nếu sau 3 tháng không được nạo vét) lại đang bị đe doạ.

“Độ sâu luồng không đạt chuẩn tắc thiết kế thì tàu có trọng tải lớn khó vào cảng biển Hải Phòng được. Hiện, cảng biển Hải Phòng có khả năng đón được tàu 4 vạn tấn giảm tải và trung bình mỗi ngày có hơn 40 lượt tàu ra vào cảng vận chuyển hơn 120 nghìn tấn hàng hóa. Độ sâu luồng không bảo đảm làm tàu có trọng tải lớn phải giảm tải, chờ đợi thủy triều để ra vào cảng phát sinh chi phí làm các doanh nghiệp vận tải bị thiệt hại hơn 400 tỷ đồng mỗi năm và kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh, khấu hao tài sản...”, ông Quảng nói.

Cách nào khơi thông mỏ vàng?

Theo ông Quảng, để duy trì độ sâu luồng vào cảng Hải Phòng luôn âm 7,2m, thì mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi khoảng trên 200 tỷ đồng để nạo vét sa bồi thường xuyên.

Tuy nhiên, nguồn tiền từ ngân sách không phải lúc nào cũng thuận lợi, năm có, năm không dẫn tới khi thì nào vét, khi không. Hệ lụy là độ sâu luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng luôn không thể duy trì ổn định.

Hiện tàu lớn vẫn đang vào được cảng, tuy nhiên chỉ vài tháng nữa sa bồi lắng, độ âm 7,2m không còn, nếu không có kinh phí nạo vét thường xuyên (3 tháng một lần), thì tàu lớn lại khó vào cảng.

Trao đổi với PV về bài toán nguồn vốn nạo vét này, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền nói: “Để tránh lãng phí nguồn tài nguyên vàng của Hải Phòng, cũng như đất nước, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với Trung ương để lại cho Hải Phòng kinh phí nạo vét luồng lạch vào cảng cố định hàng năm, từ nguồn thu thuế của Hải Quan, chứ không phải năm nào cũng phải đi xin, mà xin thì khi được, khi không. Tuy nhiên, đến nay chưa được duyệt”.

Ông Trần Mạnh Hùng, trưởng phòng Kinh doanh chi nhánh của một hãng tàu biển nước ngoài tại Việt Nam, cho biết: Nếu nhà nước không đầu tư, thì những tàu vào cảng Hải Phòng chắc chắn giảm mạnh, bởi nếu phải hạ tải mới vào được cảng Hải Phòng, thì doanh nghiệp phải mất thêm chi phí mỗi container hàng từ 100 đến 160 USD, tùy loại container. Khi đó, chi phí đội lên rất cao, các tàu trọng tải lớn sẽ bỏ qua cảng Hải Phòng, nhà nước sẽ mất nguồn thu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lam Khê (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN