Thủy sản Việt chật vật đỡ... DN ngoại

Sở dĩ các doanh nghiệp (DN) ngoại ngày càng chiếm ưu thế với thị phần không ngừng mở rộng trên thị trường thức ăn chăn nuôi, thủy sản là do, có tiềm lực tài chính rất mạnh.

Trong khi đó, các DN Việt Nam lại rất thiếu vốn, dẫn đến “cuộc chiến” không cân sức với DN ngoại trên thị trường đầy béo bở này.

Doanh nghiệp ngoại lợi đủ đường

Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam cho biết: “Cả nước hiện có trên 50 DN lớn chuyên sản xuất TACN có vốn đầu tư nước ngoài, song họ lại chiếm tới 60-65% thị phần TACN tại Việt Nam. Đứng đầu là các DN lớn như Cargill, CP, Proconco... Còn lại, hơn 180 DN của VN chỉ chiếm trên 30% thị phần và thị phần này đang giảm do sự lấn sân của các DN ngoại ngày càng quyết liệt”.

Thủy sản Việt chật vật đỡ... DN ngoại - 1

Doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết để sản xuất ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), cuộc cạnh tranh giữa DN nội và ngoại trong ngành chăn nuôi lâu nay luôn không cân sức. Các DN Việt Nam phải vay vốn với lãi suất 18-24%/năm như năm ngoái và 14 – 15% trong năm nay, lại thiếu sự hỗ trợ, khó tiếp cận được nguồn vốn.

Ngược lại, các DN nước ngoài được chính phủ của họ khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, nên có thể tiếp cận các khoản vay với lãi suất rất thấp, chỉ khoảng 1-4%/năm với nhiều điều kiện hỗ trợ như vay vốn không phải thế chấp. Họ lại được công ty mẹ ở nước ngoài hỗ trợ về việc mua nguyên liệu giá thấp và được trả chậm...

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định: “Với lợi thế về vốn liếng, công nghệ, năng lực quản lý vượt trội, nhiều DN nước ngoài còn chủ động được nguồn giống, từ đó họ đã tạo nên vòng tròn khép kín trong chăn nuôi. Đặc biệt, chính sách đầu tư của chúng ta cũng vô tình tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài khi không phải nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất nếu các công ty ký hợp đồng gia công với các trang trại chăn nuôi”.

Có thế mạnh về vốn đầu tư và hoạt động theo mô hình kinh doanh khép kín như hiện nay, các DN nước ngoài không chỉ cung cấp TACN, mà còn bao tiêu luôn con giống, thuốc thú y và đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, nhiều nông dân, trang trại gần như đang đi làm thuê, lấy công làm lãi, trong khi các DN nước ngoài hưởng lợi nhiều từ phần giá trị gia tăng của sản phẩm trong ngành này.

Liên kết để tồn tại

Ông Phùng Khôi Phục- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (DOFICO) thừa nhận: “Thực lực kinh tế chưa cho phép DN trong nước xây dựng được hệ thống cửa hàng phân phối bài bản như DN nước ngoài.

Bản thân DOFICO được đánh giá là một DN mạnh trong ngành thực phẩm, nhưng một năm cũng chỉ dám mở vài cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch”. Còn theo ông Văn Đức Mười- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ súc sản (Vissan), thực ra DN nội không phải không có cơ hội, bởi nhiều sự cố về an toàn vệ sinh thực phẩm của nước ngoài như vừa qua, chính là cơ hội cho DN kinh doanh thực phẩm sạch trong nước "ghi điểm”.

Ông Nguyễn Trí Công- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phân tích: Thế mạnh của DN nước ngoài là có tiềm lực vốn mạnh, quy trình sản xuất khép kín từ khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến phân phối, bán lẻ. Trong khi ở DN nội thì các khâu này lại tách rời nhau.

“Chính vì thế, chúng ta phải liên kết lại với nhau mới mong tồn tại được” – ông Công khẳng định. Hiện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cùng Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) đang lên chương trình phối hợp với các nhà sản xuất TACN, người chăn nuôi, thương lái – nhà phân phối và chính quyền địa phương (thú y, sở NNPTNT) hợp tác “5 bên” để cùng sản xuất heo sạch, truy xuất được nguồn gốc.

Theo mô hình liên kết này, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai sẽ giới thiệu những trang trại nuôi sạch (với các tiêu chuẩn thức ăn không dùng chất tạo nạc, chất cấm, kháng sinh, cam kết truy xuất được nguồn gốc thức ăn đến tiêm phòng vaccin các loại bệnh đầy đủ…), đến Nhà máy D&F để giết mổ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Chỉ có lợi trước mắt

Theo ông Sơn: Với phương thức nuôi gia công cho các DN nước ngoài, nhìn vào ngắn hạn thì người chăn nuôi có lợi vì yên tâm đầu tư sản xuất khi chủ động được con giống, thức ăn, thậm chí cả đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên về dài hạn, vẫn với phương thức này, các DN ngoại sẽ dần dần khống chế thị trường, thao túng giá cả.

Nhiều năm nay, giá TACN liên tục tăng. Năm 2011, mặt bằng giá đã tăng từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng giá của TACN và con giống “nuốt” dần lợi nhuận của người chăn nuôi, biến họ từ ông chủ trở thành lệ thuộc, buộc phải làm theo kiểu gia công giá rẻ cho các DN. Nếu không có những hành động kịp thời, thì 30% thị phần còn lại của ngành chăn nuôi e rằng các nhà sản xuất trong nước khó mà giữ lại được.

TS Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Phải tổ chức lại chuỗi sản xuất ngành hàng.

Với kinh nghiệm đã có cùng nguồn tài lực mạnh, tốc độ “lấn sân” của các DN ngoại sẽ càng mạnh mẽ trong tương lai, nhất là khi lộ trình tham gia WTO tháo gỡ các rào cản thương mại đang ngày một nhiều. Muốn sống còn, buộc các DN trong nước phải liên kết lại với nhau. Phải tổ chức lại chuỗi sản xuất ngành hàng, gắn kết các khâu trong chuỗi đó, từ TACN, người nuôi, giết mổ, phân phối, nhà máy chế biến, DN xuất khẩu... Từ đó, chúng ta mới tính ra giá thành của sản phẩm và các khâu trong chuỗi đó đóng góp như thế nào vào giá thành đó, phân chia lợi nhuận giữa các bên ra sao cho hợp lý... dưới sự quản lý của Nhà nước.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN