Thị trường gas rối loạn
Một thời gian phát triển quá nóng, ngành gas đang bộc lộ nhiều bất cập: cạnh tranh không lành mạnh, nạn gas giả, gas lậu; còn người tiêu dùng phải chịu mức giá cao đến vô lý.
Những tưởng với nhiều đầu mối tham gia kinh doanh gas, người tiêu dùng phải được hưởng lợi nhưng thực tế, họ đang phải chịu thiệt đơn, thiệt kép.
Không biết tin ai
Gần đây, thị trường gas tại TP HCM “dậy sóng” khi nhân viên của hệ thống bán lẻ gas Bình Minh (thuộc Công ty TNHH Thương mại Gas Bình Minh) xuất hiện khắp nơi để kiểm tra an toàn gas tận hộ gia đình. Hễ nhân viên gas Bình Minh đi qua địa bàn nào là các đại lý gas trong khu vực kêu trời vì mất khách. Nguyên nhân là mỗi lần bảo trì xong, các nhân viên này dán đè số điện thoại gọi gas của Bình Minh lên decal số điện thoại của các đại lý khác.
Trong khi đó, đại diện gas Bình Minh cho rằng việc tăng cường đội ngũ bảo trì (từ 15 người lên trên 100 người) để khắc phục tình trạng mất khách cũ và chăm sóc khách hàng tốt hơn. “Đội ngũ này đến nhà khách hàng của Bình Minh theo danh sách từ hệ thống dữ liệu của công ty chứ không đi tràn lan. Trong quá trình bảo trì cho khách, công ty chủ trương sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho những ai chưa phải là khách hàng của Bình Minh nếu họ có nhu cầu. Việc để lại decal số điện thoại sau khi bảo trì là để làm “bằng chứng” chứ không vì mục đích khác!” - đại diện này giải thích.
Người tiêu dùng đang lạc vào ma trận của thị trường gas do không biết đâu là giá thật, chất lượng thật Ảnh: HỒNG THÚY
Để giữ khách hàng, các đại lý gas khác buộc phải tung chiêu. Chị Tố Trinh (ngụ đường Mã Lò, quận Bình Tân, TP HCM) kể mới đây, ông chủ đại lý gas gần nhà sang dặn nếu có người lạ tới kiểm tra an toàn gas thì không được cho vào. “Ổng nói là mấy người đó chỉ mượn cớ vào nhà để dụ người ta xài gas hiệu mới và bưng cái bình gas xịn của tui đi!” - chị Trinh thuật lại với vẻ lo lắng.
Không chịu thua, gas Bình Minh dù hay bị các đại lý tố “giành khách” cũng tung người đi phát tờ rơi khuyến cáo khẩn về việc bị giả mạo: “Hiện nay, một số nhóm người giả mạo nhân viên gas Bình Minh đến từng nhà để phát tờ rơi khuyến mãi nhưng thực chất để bán gas giả, gas thiếu ký hoặc có các hành vi lừa đảo như thay van, dây (dẫn gas) kém chất lượng...”.
Việc liên tục nhận được những “khuyến cáo” tận nhà kiểu này khiến người tiêu dùng như lạc vào mê trận, không biết tin ai. Thêm việc giá gas đứng ở mức cao và một số thông tin về cháy nổ khí gas gần đây khiến nhiều người cảnh giác đến mức… sợ gas.
Kinh doanh kém nên đẩy giá cao
Bà Lê Thị Anh Mẫn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam - thừa nhận thị trường gas hiện nay rất manh mún: “Dù tổng sản lượng chỉ hơn 1,2 triệu tấn gas/năm nhưng có tới 70-80 đầu mối kinh doanh trong khi Thái Lan có sản lượng 4-5 triệu tấn/năm mà chỉ 5-6 đầu mối. Đặc thù của ngành gas là đầu tư lớn nhưng sản lượng thấp dẫn đến giá thành cao”.
Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cũng nhận định năng suất lao động và hiệu quả của ngành gas hiện rất thấp, đặc biệt ở khâu phân phối, nhất là ở thương nhân cấp 1. Theo ông Loan, công suất kho chứa, trạm chiết và nhất là tổng số vỏ bình gas của các thương nhân cấp 1 thừa đủ để đáp ứng thị trường trong 5 năm tới!
Theo một nhà phân phối gas lâu năm tại TP HCM, với mức sống trung bình hiện tại của người dân, giá gas nên ở mức dưới 350.000 đồng/bình 12 kg thì mới tiêu thụ tốt. Trong khi giá gas cả năm nay cao hơn nhiều, thậm chí vào tháng 3-2012, giá còn lên ngưỡng 500.000 đồng/bình 12 kg. Hiện nay, giá gas thường được điều chỉnh mỗi tháng một lần vào đầu tháng theo giá thế giới. Tuy nhiên, giá này chỉ là giá đăng ký bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng trong khi muốn kiểm soát giá gas phải nắm được giá bán ra của các công ty gas. “Hiện một số công ty hạ giá, hỗ trợ lung tung cho các đại lý trong khâu phân phối dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty gas nhưng người tiêu dùng không được lợi gì trong việc này mà họ vẫn phải trả giá cao” - ông Loan thẳng thắn.
Loạn giá Theo ghi nhận tại Hà Nội, giá gas bán lẻ loại bình 12 kg đang có sự chênh lệch lớn. Cụ thể, hệ thống gas Thần Tài có giá 355.000 đồng/bình cho tất cả nhãn hiệu như Gia Đình, Petrolimex, Shell gas, PetroVietnam; gas Ngọn Lửa Xanh đang bán lẻ 400.000 đồng/bình gas Petrolimex, Vinapegas, HongHa gas; còn gas Ngọn Lửa Thần bán lẻ 405.000 đồng/bình gas thương hiệu Mgas cho tất cả màu bình. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết để xảy ra tình trạng giá gas lộn xộn như trên là do chưa xây dựng được quy định quản lý một cách chặt chẽ hệ thống kinh doanh gas với nhiều tầng nấc như hiện nay dẫn đến thị trường gas vận hành rối loạn, giá cả thiếu thống nhất. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đang định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 theo hướng các thương nhân đầu mối nhập khẩu, kinh doanh gas sẽ phải chịu trách nhiệm về giá, chất lượng cả chuỗi cung ứng của mình, khắc phục tình trạng có nhiều mức giá trong cùng một hệ thống. Ph.Nhung |