Thị trường đường bị làm giá

Các doanh nghiệp sử dụng đường lớn trong nước như Coca Cola, Pepsi, Nestle, URC Việt Nam đang đồng loạt lên tiếng trước tình trạng giá đường ở Việt Nam đang cao hơn nhiều so với giá thế giới, nhưng vẫn khó mua. Thị trường đường nội đang có dấu hiệu bị lũng đoạn, làm giá.

Dừng sản xuất vì thiếu đường

Mới đây Cty URC Việt Nam (chuyên sản xuất kinh doanh các loại thực phẩm bánh kẹo, nước giải khát không cồn với quy mô 40.000 tấn bánh kẹo/năm và 400.000 tấn nước giải khát không cồn/năm), có văn bản gửi Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mía đường khẩn thiết nhờ can thiệp tăng cung thị trường đường.

Lãnh đạo công ty cho biết, tình hình cung ứng thực tế đường trắng RE trong nước của các nhà máy đường đang thiếu trầm trọng. Công ty đã liên hệ mua đường với nhiều nhà máy nhưng rất khó khăn.

Bourbon cho biết chỉ có thể cung cấp tối đa 1.000 tấn/tháng, Biên Hòa 400 tấn/tháng trong khi các đơn vị khác như KCP, Lam Sơn, Tate&Lyle thì chưa cung cấp giá chào với lý do đang kiểm kê hàng tồn kho.

Còn Cty Juna thì từ chối đơn mua đường vì... hết hàng. Thị trường khan hàng khiến giá đường trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 30%.

Đại diện URC Việt Nam cho biết, hiện công ty cần 4.000 tấn đường/tháng và đang thực sự gặp khó khăn do đơn vị cần đường chất lượng cao, trong khi nhiều nhà máy đường ở Việt Nam không cung cấp được.

Công ty đã phải dừng một trong số 5 dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Bình Dương và một trong số 2 dây chuyền ở Hà Nội. Hiện công ty đã hết nguyên liệu đường và tháng 6 phải ngưng sản xuất khiến 800 công nhân có nguy cơ không có việc làm trong thời gian tới.

“Công ty hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam đầu tư hơn 100 triệu USD vào các nhà máy tại Bình Dương và Hà Nội và được cam kết hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Nhưng thực tế Cty không được nhập khẩu đường dù đã nộp đơn xin từ đầu năm 2012, do mua trong nước chỉ đáp ứng được tối đa 40% nhu cầu, dù rằng các bộ luôn nói trong nước còn thừa hơn 1 triệu tấn đường. Đây là điều vô lý, không thực tế. Đề nghị các bộ chỉ hoặc hướng dẫn cho chúng tôi địa chỉ để mua được đường”- ông Santa Robles Edwin, Tổng giám đốc URT Việt Nam cho biết.

Một doanh nghiệp FDI nổi tiếng thế giới khác đang sản xuất kinh doanh các sản phẩm ngũ cốc, cà phê, sữa, nước hoa quả không ga, nước tương, hạt nêm tại Việt Nam cũng đang gặp khó.

Theo doanh nghiệp này, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cho biết, niên vụ đường 2012, sản lượng đường của Việt Nam là gần 1,4 triệu tấn, cao hơn nhu cầu và có khả năng thừa đường nên Bộ NN&PTNT có trình Chính phủ mua tạm trữ đường.

Từ đầu năm, công ty đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp và mua dự trữ đường cho hoạt động sản xuất nhưng đến nay vẫn không thể mua được đường tinh luyện RE cho kế hoạch sản xuất quý 3 từ các nhà máy đường trong nước.

Liên hệ với một số doanh nghiệp như nhà máy đường NIVL và Bourbon thì bị từ chối cung cấp vì không còn hàng tồn kho.

Nhà máy KCP cho biết sẽ cung cấp khoảng 4.000 tấn cho quý 3 với giá cao hơn quý 2 là 1.297 đồng/kg (tăng so với quý 2 là 12%, trong khi giá đường trong nước quý 2 đã cao hơn giá thế giới trên 20%).

Theo đại diện doanh nghiệp trên, việc không cung cấp đủ đường và đường tăng giá đột biến như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn lượng đường cung cấp trong tháng 8, tháng cao điểm sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu.

Khi đó, công ty sẽ buộc phải tăng giá thực phẩm, gây ảnh hưởng xấu nền kinh tế, đi ngược lại chủ trương kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của
Chính phủ.

Đại diện các nhãn hàng đồ uống, thực phẩm nổi tiếng thế giới đang đầu tư tại Việt Nam là Coca Cola, Pepsi Cola... cũng xác nhận đang gặp khó khăn trong việc mua đường trong nước để phục vụ sản xuất.

Những bản chào giá đường của nhà máy cung cấp hiện có giá cao hơn 30%-40% so với giá đường thế giới hiện nay. Đây quả là một nghịch lý trong bối cảnh các cơ quan chức năng, Hiệp hội Mía đường khẳng định lượng tồn kho của doanh nghiệp rất lớn.

Theo bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, trong tháng 5 và 6, công ty đã hai lần gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp thị trường để doanh nghiệp mua được đường.

Do chưa có hạn ngạch nhập khẩu nên từ đầu năm đến nay công ty đã phải mua 57.014 tấn đường trong nước, với giá cao nhưng chất lượng không ổn định.

Đường bị làm giá

Bà Mai Kiều Liên cho biết, tại thời điểm thị trường đường trong nước được coi là dư thừa lớn (tháng 2 và 3), giá đường vẫn đứng ở mức từ 17.000 - 17.200 đồng/kg và đến nay đã lên tới 19.000 - 19.500 đồng/kg và nguồn cung rất khó khăn.

Thị trường đường bị làm giá - 1

Đường trong nước đang cao hơn giá đường thế giới khoảng 30%, trong khi doanh nghiệp vẫn khó mua.

Trong khi giá đường thế giới đang ở mức rất thấp, giá nhập khẩu về tới cảng TPHCM tại thời điểm này chỉ khoảng 14.000 đồng/kg.

“Hiện Vinamilk đã gửi báo giá đến 9 đơn vị sản xuất đường trong nước nhưng chỉ có 2 đơn vị trả lời, các đơn vị khác thông báo không có đường để chào giá. Công ty đề nghị Bộ Công Thương xét cấp ngay hạn ngạch nhập khẩu 75.000 tấn đường phục vụ cho sản xuất, tránh cho người tiêu dùng, doanh nghiệp bị thiệt hại do phải mua đường với giá cao trong khi sữa là mặt hàng phải tham gia chương trình bình ổn phục vụ người lao động”, bà Liên nói.

Theo tìm hiểu của PV, hiện giá đường tinh luyện ở mức 17.500 đồng -18.500 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng ở mức 21.000 - 23.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Mía đường, giá đường trắng Thái Lan nhập lậu được rao bán ở TPHCM mức chỉ 16.300 - 16.400 đồng/kg, tại Đông Hà giá từ 16.000 - 16.200 đồng còn tại Lao Bảo (Quảng Trị) từ 15.000 - 15.200 đồng/kg. Giá đường tạm nhập tái xuất bán tại Móng Cái ở mức 16.200 – 16.500 đồng/kg.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp thực phẩm lớn có trụ sở ở phía Nam cho biết, giá đường giao tháng 8 của các nhà máy đã tăng vọt so với gá thế giới, cao hơn tới 30% trong khi các doanh nghiệp sản xuất đường luôn có mức lãi tới 30%.

“Với mức tăng giá này, sớm muộn từ nay đến cuối năm các mặt hàng thiết yếu khác như sữa, bánh kẹo, nước ngọt và những hàng thực phẩm có sử dụng đường khác cũng sẽ phải tăng giá. Khi đó vòng xoáy giá cả thế nào sẽ khó lường”- ông dự báo.

Doanh nghiệp đường lãi lớn

Báo cáo tài chính và thông tin từ các doanh nghiệp cho thấy, tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp mía đường khá cao. Cụ thể, năm 2011, tỷ lệ này ở Bourbon Tây Ninh (SBT) là 30%, Mía đường Lam Sơn (LSS) là 29,4% hay Mía đường Kon Tum (KTS) 29,9%. Chỉ số ROE (lợi nhuận/vốn) những năm gần đây luôn trên mức 25%. ROE năm rồi ở SBT là 30,8%, LSS là 29,8%, KTS 60,8%.

Năm 2012, kết thúc quý I, BHS đã đạt hơn 32,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; doanh thu thuần 690,52 tỷ đồng, tăng 12,76% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 17,68 tỷ đồng, tăng 69,84%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN