Thị trường đồ lễ ông Táo: Thay vì thả cá sẽ… đốt cá?

Gần 2 tuần nữa là đến Lễ ông Công, ông Táo, các cửa hàng bán vàng mã ở Hà Nội đã đầy ắp các mặt hàng phục vụ cho ngày lễ này. Hàng vàng mã năm nay đa dạng về chủng loại, mẫu mã với chất lượng và giá thành khác nhau. Lượng người tìm mua ở thời điểm này tương đối cao.

Vàng mã vào vụ

Lễ ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm là tục lệ của người Việt. Vào ngày này, mọi nhà thường có thói quen hóa vàng mã và phóng sinh cá chép. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, dịp cuối năm này thị trường vàng mã lại sôi động với đủ loại đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Tại làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy) - nơi chuyên sản xuất các sản phẩm vàng mã ở Hà Nội, đây là thời điểm các xưởng sản xuất bắt đầu vào vụ để cung ứng hàng cho các đại lý, cửa hàng bán buôn. Nếu như cách đây ít lâu, các xưởng này làm cầm chừng theo từng đơn đặt hàng thì nay nhà nào nhà nấy sản xuất ồ ạt. Các chủ “lò” ở đây cho biết, bắt đầu từ thời điểm này, hàng sản xuất ra tới đâu hết tới đó.

Thị trường đồ lễ ông Táo: Thay vì thả cá sẽ… đốt cá? - 1

Thị trường vàng mã cuối năm đã bắt đầu sôi động. Ảnh: K.Hải.

Một chủ cửa hàng vàng mã tại làng Cót cho biết: “Tuy hơn chục ngày nữa mới đến lễ ông Công, ông Táo nhưng đã có nhiều người mua vàng mã, phần lớn là mua mũ, quần áo và cá chép”. Chị Hải Giang (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết: “Tôi thấy thị trường vàng mã rất phong phú, rất nhiều thứ để mình chọn mua. Nhưng tôi chỉ sắm lễ với sự thành tâm của mình. Hàng năm, gia đình tôi cũng mua mũ, giày, quần áo, cá chép và làm cơm cúng sau đó, cá thì đem thả rồi hóa vàng”.

Chị Hồ Thị Nhâm (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết, chị vừa mua một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo gồm 3 chiếc mũ, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày, 3 chú cá chép giấy với giá 70.000 đồng/bộ. "Giá năm nay không đắt hơn năm ngoái bao nhiêu, nếu mua bộ to đẹp giá sẽ từ 120.000 - 150.000 đồng/bộ. Những người tiết kiệm hơn có thể mua những sản phẩm này tại các chợ cóc, hay của những người gánh hàng rong với giá chỉ 25.000 - 30.000 đồng/bộ, loại to có giá 50.000 - 80.000 đồng/bộ.

Dạo một vòng phố Hàng Mã - con phố nổi tiếng về bán đồ mã dùng cho cúng lễ và trang trí ở Hà Nội - đâu đâu cũng có các sản phẩm phục vụ lễ ông Công, ông Táo. Giá cả ở đây được cho là cao hơn so với những nơi khác. Bộ mã có giá thấp nhất là 60.000 đồng, cao nhất lên đến 300.000 đồng. Tuy nhiên xét về chất lượng vàng mã ở đây đẹp hơn hẳn so với hàng bán rong.

Có mặt tại một cửa hàng bán lẻ trên phố này, chúng tôi được chủ cửa hàng cho biết năm nay nhiều người tìm mua bộ vàng mã có đầy đủ cả cá chép vàng đẹp để thay cho việc phóng sinh cá sống. Vì thế, cửa hàng cũng phải tích cực tìm nguồn cung cấp hàng phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người mua.

Không thả cá sống để tránh bị vợt trộm

Điểm khác biệt so với những năm trước là năm nay nhiều người dân bắt đầu có xu hướng ít dùng cá chép sống thả xuống sông mà chỉ hóa cá chép vàng mã  cho việc phóng sinh. Chị Hải Giang cho biết: “Năm nay nhà mình quyết định không thả cá phóng sinh như mọi năm nữa vì giờ sông ngòi ô nhiễm nhiều, cá vừa thả ra lại bị câu trộm nên thấy việc thả cá phóng sinh không còn giữ được ý nghĩa như trước nữa. Vì vậy, mình mua bộ mã có cả cá chép về đốt thay cho việc phóng sinh hằng năm vẫn làm”.

Đồng quan điểm nêu trên với chị Giang, chị Nhâm, một người mua hàng ở phố Hàng Mã cho rằng: “Người ta mua cá chép ồ ạt rồi thả đầy các sông hồ vốn đã ít ỏi lại ô nhiễm của Hà Nội, miễn nơi nào có nước là thả cá, nên cứ sau ngày này cá vàng, cá chép lại chết một cách oan uổng, xác nổi đầy hồ. Năm nay, gia đình tôi sẽ không thả cá chép xuống sông mà thay vào đó bằng việc hóa vàng mã”.

Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ước tính có khoảng hàng nghìn tấn vàng mã được hóa thành tro bụi. Đây không chỉ là một sự lãng phí tiền bạc mà còn gây ra cả vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên không phải vì thế mà lượng vàng mã được tiêu thụ giảm đi, công việc kinh doanh vàng mã vẫn diễn ra đều đặn hàng năm. Khi hỏi về vấn đề này, anh Vũ (ở quận Hoàn Kiếm) nói: “Việc lãng phí và gây ô nhiệm thì ai cũng biết nhưng không thể vì thế mà thôi đốt vàng mã được. Đây là tục lệ lâu đời rồi…”.

Cũng đi mua vàng mã nhưng chị Nguyễn Ngọc Minh (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) đưa ra quan điểm: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân dần dần hiểu được việc hóa mã thật to, thật nhiều không phải là cách thể hiện tấm lòng thành kính với thần linh, với tổ tiên, những người đã khuất. Vì vậy, năm nay gia đình tôi chỉ sắm những đồ mã mang tính chất tượng trưng, vừa tiết kiệm chi tiêu, tránh lãng phí, vừa giữ được tục lệ”.

Giá của các mặt hàng vàng mã khá đa dạng, tùy thuộc vào mẫu mã và chủng loại. Theo khảo sát của chúng tôi, 3 bộ mã (2 bộ đàn ông tượng trưng cho 2 ông Táo, một bộ đàn bà tượng trưng cho bà Táo) có giá từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, không khác nhiều so với năm ngoái. Tại làng Cót, khi được hỏi về giá của các bộ vàng mã, chủ các cơ sở sản xuất cho biết, nếu bán buôn, bộ thấp nhất có giá khoảng 20.000 đồng, tiếp theo là các bộ có giá từ 30.000 - 80.000 đồng, cao nhất là bộ đại với giá 150.000 đồng. Khi phân phối về các cửa hàng bán lẻ, tùy từng cửa hàng sẽ nâng giá lên. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Hải - Huyền Trang (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN