Sau Tết, xe khách đồng loạt... chạy rông
Mùa Tết, mùa lễ hội, khách hàng của nhà xe lúc này là du khách thập phương đi trẩy hội. Nhu cầu hành khách đi lại đa dạng, luồng tuyến vận tải trở nên “bất thường” và đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng xe khách bỏ bến chạy… rông tăng vọt.
Đua nhau chạy vào Nam
Một chủ xe khách Nghệ An sở hữu hai đầu xe giường nằm cho biết: “Sau Tết, nhu cầu đi lại của các đối tượng đặc thù như du khách địa phương, các tổ chức hội cơ sở, làng xã… có nhu cầu đi chùa chiền, hội hè, tham quan đầu năm tăng vọt. Đặc thù của nhóm du khách này là cần có xe hợp đồng, xe chất lượng cao chạy trọn gói hành trình nên không thể đi xe tuyến cố định xuất phát từ các đầu bến. Vì vậy, chuyện xe bỏ bến sau Tết chạy phục vụ nhóm hành khách này là phổ biến. Xe đã gắn phù hiệu cố định thì hơi khó vì vướng luồng tuyến, CSGT tuýt lại, xem qua là… tòi lỗi, còn với xe tăng cường, xe không phù hiệu thì chạy… tẹt ga. Với xe không luồng tuyến, chỉ cần cắm chiếc cờ lễ hội vào cần gương thế là xong, chạy “tít mù” khắp nơi cũng chẳng thấy ai hỏi. Bình thường chạy tuyến Nghệ An – Hà Nội, nay có khách gọi đi TPHCM, giá cả phù hợp là lên đường ngay”.
Ít bị cơ quan chức năng kiểm tra, không phải chịu chế tài, kiểm soát của các đầu bến và giá vé là giá… thỏa thuận với mức lãi khủng nên xe khách đua nhau bỏ bến chạy ngoài. Theo các chủ xe ở Hà Tĩnh tính toán, với hành khách đi TPHCM, giá vé sau Tết là 1.500.000 – 1.700.000 đồng/người, mỗi “cuốc” chạy TPHCM thu về trên 80 triệu đồng tiền vé. Trừ chi phí gồm “luật lá”, ăn ở, xăng dầu, cầu đường, mỗi chuyến còn để ra được 50 triệu đồng tiền lãi. Mức lãi này cao gấp nhiều lần so với chạy khách tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội và đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp vận tải “xé rào” để kiếm chác.
Tuần tra kiểm soát trên các cung đường để ngăn chặn tình trạng xe bỏ bến chạy… rông. Ảnh: C.T
Một nguyên nhân khác khiến xe khách ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh xem miền Nam là vùng đất hứa sau Tết, đó chính là lượng hành khách vốn là lao động phổ thông trở về các khu công nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… để làm việc sau Tết. Theo đó, nếu như trước Tết, các doanh nghiệp có lịch nghỉ khác nhau thì sau Tết, lịch bắt đầu làm việc gần như trùng nhau. Vì vậy, lượng nhân công từ các địa phương này có nhu cầu đi vào Nam tập trung trong một khoảng thời gian là rất lớn. Cung không đủ cầu chính là “đất sống” để xe tuyến ngắn đổ xô chạy đường dài.
Nguy cơ tai nạn tăng cao
Tháng 2 này là “hạn chót” mà Sở GTVT Hà Tĩnh áp dụng đối với số doanh nghiệp hoạt động vận tải có vi phạm trên địa bàn. Trước đó, tháng 12/2103, dựa trên kết quả kiểm tra của Sở GTVT tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra văn bản quyết định áp dụng nhiều hình thức xử lý đối với doanh nghiệp vận tải vi phạm. 22 doanh nghiệp vận tải có vi phạm sẽ phải hoàn thiện các điều kiện còn thiếu đối với hoạt động vận tải nếu không sẽ phải chịu các hình thức xử lý nặng trong đó có việc bị thu hồi phù hiệu. |
Thông tin được Bộ GTVT công bố cho thấy, hiện tượng xe bỏ bến tại khu vực các tỉnh miền Trung tăng cao bất thường. Ban quản lý bến xe khách Hà Tĩnh cho rằng, việc xe bỏ bến là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông tăng cao. Căn cứ để nơi này đưa ra nhận định nêu trên là khi xe bỏ bến thì cơ quan chức năng khó kiểm soát được tình trạng điều kiện an toàn trước khi xuất phát của xe(?!). Tại Nghệ An, Công ty CP Bến xe Nghệ An công bố số lượng xe bỏ bến trên trang thông tin của Bộ GTVT là từ 20-30 chiếc. Số xe này chở khách từ các tỉnh phía Nam ra, rồi đón khách từ Nghệ An mà không vào bến làm thủ tục.
30 đầu xe đi phía Nam thường là xe giường nằm, xe ghế ngồi có số ghế chở trên 40 khách. Mỗi ngày, số xe này xuất phát thì đã có hơn 1.000 hành khách ngồi trên những chuyến xe “tử thần” không được kiểm soát. Cao điểm phục vụ Tết thường kéo dài một tháng, như vậy sẽ có hàng chục vạn hành khách phải đối mặt với hiểm nguy trên chặng đường cả nghìn cây số.
Nói về thực trạng vận tải dịp Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Xuân Bảo, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) cho biết, cứ gần dịp cao điểm phục vụ Tết là Sở GTVT Hà Tĩnh gần như “đóng cửa” với việc doanh nghiệp có xe chạy tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh xin cấp phù hiệu xe hợp đồng. Mục đích là để ngăn không cho số xe vốn có chất lượng thấp, chạy tuyến ngắn nội tỉnh tham gia chở khách chạy đường dài dịp Tết. “Nếu cấp phù hiệu hợp đồng thì đồng loạt xe khách vốn chạy tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh là những tuyến ngắn chuyển sang chạy khách đường dài. Việc để số xe “chất lượng thấp”, lái xe không quen đường sá vào chở người dịp Tết là rất nguy hiểm. Vì vậy, từ nhiều năm nay, chúng tôi đã hạn chế cấp phù hiệu cho đối tượng này hoạt động”, ông Bảo nói.
Trước các động thái cứng rắn của Sở GTVT Hà Tĩnh, tình trạng xe bỏ bến để chạy đường dài không còn nhiều đất để hoạt động, tuy nhiên, thực tế, bất chấp sự kiểm soát của cơ quan quản lý, doanh nghiệp vận tải vẫn ngang nhiên vi phạm. Không cấp phù hiệu hợp đồng, xe vẫn ầm ầm chạy khách. Để quản được đối tượng phương tiện vận tải khách này chỉ còn cách trông chờ vào các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các cung đường.